Một buổi chiều mùa xuân năm ngoái, Tisiphone (không phải tên thật, 25 tuổi) nhận được cuộc điện thoại khiến cuộc sống cô hoàn toàn đảo lộn, theo SCMP.
“Bạn tôi nói thấy tôi xuất hiện trên trang web khiêu dâm. Tôi lập tức nghĩ đó là sự nhầm lẫn. Làm sao đó có thể là tôi?”, cô gái Trung Quốc nhớ lại.
Khi mở đường link do người bạn gửi, trái tim Tisiphone chùng xuống. Cô không thể tin nổi khi thấy mình trong clip quay lén lúc còn sống ở Mỹ.
“Sự việc xảy ra cách đây khoảng 7 năm, khi tôi còn quá trẻ. Tôi không biết mình bị quay lén”, cô cho biết.
Nhiều người hô khẩu hiệu chống lại nội dung khiêu dâm quay lén trong cuộc biểu tình ở Seoul, Hàn Quốc năm 2018. Ảnh: AFP.
Tisiphone nói thêm: “Mọi chuyện thật sự tàn khốc. Tôi luôn tự cho mình là người mạnh mẽ. Nhưng khi đó, tôi chợt nghĩ: ‘Mình không muốn sống thêm nữa’”.
Sau đó, Tisiphone đi lên nóc tòa nhà cô đang ở và trèo qua rào chắn.
“Khi ấy, tôi nghĩ đó là cách duy nhất để giải thoát khỏi cảm giác xấu hổ và sợ hãi. Tôi thấy như thể cả thế giới quay lưng lại với mình”, cô nói.
Trong giây phút cận kề cái chết, Tisiphone bật khóc khi nghĩ về gia đình. Cô quyết định sống tiếp vì không muốn họ chịu đựng nỗi đau đớn khi mất người thân.
Phản kháng
Tisiphone từng làm việc cho nhóm chính sách nội dung của công ty công nghệ nổi tiếng ở Mỹ. Cô đang phát triển ứng dụng nhận dạng khuôn mặt mang tên Alecto AI.
Cô gái 25 tuổi hy vọng ra mắt “đứa con tinh thần” của mình vào cuối năm nay nhằm giúp đỡ hàng nghìn nạn nhân bị tung hình ảnh, clip riêng tư lên mạng mà không có sự đồng thuận đòi lại công bằng.
Theo nghiên cứu tại 3 quốc gia được công bố vào năm ngoái, cứ 3 người lại có một từng trải qua một số hình thức lạm dụng tình dục dựa trên hình ảnh. Trong đại dịch Covid-19, các trường hợp, thường được gọi là “trả thù khiêu dâm”, ngày càng gia tăng.
“Việc kiểm soát thiệt hại đặc biệt khó khăn đối với các nạn nhân. Nội dung vi phạm đôi khi được lưu trữ trên nhiều nền tảng khác nhau và rải rác khắp Internet. Nỗi đau của chúng tôi cứ thế bị nhân lên nhiều lần”.
Tisiphone nói thêm: “Chúng tôi không thể tự vệ trừ khi có quyền truy cập vào công nghệ có thể giúp làm điều này”.
Theo cô gái 25 tuổi, cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề lạm dụng dựa trên hình ảnh là thông qua phần mềm nhận dạng khuôn mặt. Tuy nhiên, các công cụ hiện tại có tỷ lệ chính xác thấp hơn đối với phụ nữ và người da màu.
Tisiphone tập hợp nhóm gồm 5 phụ nữ da màu với mục tiêu giới thiệu ứng dụng “mạnh mẽ, không thiên vị và nhân ái”. Cô đang hướng tới việc trao nhiều quyền hơn cho các cá nhân.
Theo Tisiphone, các phần mềm nhận dạng khuôn mặt hiện tại có tỷ lệ chính xác thấp hơn đối với phụ nữ và người da màu. Ảnh: SCMP.
Alecto AI hoạt động bằng cách quét khuôn mặt của người dùng, sau đó tìm kiếm hình ảnh của họ trên Internet.
Nhóm của Tisiphone đang thực hiện một số biện pháp bảo mật, bao gồm xác minh sinh trắc học, để đảm bảo thông tin nhạy cảm của người dùng chỉ có thể được truy cập bởi chính họ. Để thêm lớp bảo vệ bổ sung, Alecto AI cũng sẽ sử dụng mã hóa đầu cuối và không có dữ liệu nào được lưu trên máy chủ.
Trong khi Tisiphone hợp tác với các chuyên gia công nghệ để hoàn thiện ý tưởng của mình, phiên bản đầu tiên của ứng dụng đã được đưa vào thử nghiệm.
Khi người dùng phát hiện hình ảnh riêng tư bị đưa lên mạng trái phép, Tisiphone hy vọng ứng dụng của mình sẽ giúp họ tìm thấy các tổ chức phi lợi nhuận và công ty luật sẵn sàng thụ lý vụ kiện. Nạn nhân cũng sẽ được kết nối với các nhóm hỗ trợ và chuyên gia khác.
“Chúng ta cần nâng cao nhận thức về vấn đề này. Rất nhiều người không hề biết mình là nạn nhân. Tôi làm trong ngành công nghệ nhưng điều tồi tệ đó đã xảy ra với tôi”, Tisiphone nói.
Không ai đáng phải chết
Trong khi nghiên cứu Alecto AI, Tisiphone vẫn đang đấu tranh với trường hợp của chính mình.
Sau khi biết về clip quay lén, cô nhờ người bạn ở Mỹ thay mặt mình tiếp cận cơ quan chức năng.
“Tôi gặp rất nhiều khó khăn để gửi báo cáo cho cảnh sát. Tôi may mắn vì nói được tiếng Anh. Rất nhiều cô gái Trung Quốc không biết ngoại ngữ, khi đến gặp cảnh sát trong nước đều không được giải quyết. Ngay cả ở Mỹ, các bang cũng có luật khác nhau. Một số bang hình sự hóa trả thù khiêu dâm, trong khi những nơi khác thì không”, cô nói.
Mặc dù có thể báo cảnh sát ở Mỹ, Tisiphone nhanh chóng nhận ra những trường hợp như của cô không phải là ưu tiên của chính quyền.
“Ngay cả khi bạn đưa ra bằng chứng, công lý không được thực thi. Thật sự rất bất lực và đau đớn”.
Theo Tisiphone, cảnh sát nên được đào tạo để không đưa ra những câu hỏi mang tính xúc phạm, gây tổn thương cho nạn nhân.
Vài tháng sau khi nộp đơn kiện, Tisiphone được cho biết vụ án của cô sẽ đóng lại vì thủ phạm đã trốn sang Mexico. “Họ không thể làm gì. Thật nực cười”, cô nói và tin rằng còn nhiều nạn nhân khác như mình.
Nhiều người tham gia cuộc biểu tình theo phong trào #MeToo nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.
Sau khi một số tổ chức phi lợi nhuận không phản hồi yêu cầu giúp đỡ từ Tisiphone, cô phải cố tìm cách xóa clip riêng tư khỏi 10 trang web. Cuối cùng, cô tìm thấy công ty luật sẵn sàng thụ lý vụ việc của mình.
“Tôi được bạn học ở trường Luật Harvard giúp đỡ. Tôi có mối quan hệ, được học hành đến nơi đến chốn, nói được 3 thứ tiếng mà còn khó khăn khi đi tìm công lý thì đối với một số thanh thiếu niên, người không được hưởng nền giáo dục tiên tiến, mọi chuyện sẽ còn thế nào”, cô nói.
Hầu hết nội dung riêng tư của Tisiphone đã bị xóa, ngoại trừ một clip được lưu trữ trên trang web của Thổ Nhĩ Kỳ.
“Các luật sư đang làm mọi thứ có thể. Đó là trang web lậu, không thể truy ra quản trị viên và luật pháp Mỹ không thể xử lý họ. Thật bực mình”.
Nhóm pháp lý của Tisiphone đang cố gắng lấy lại bản quyền video từ thủ phạm.
“Chúng ta cần thay đổi luật pháp. Nếu nội dung bị đánh cắp hoặc chiếm đoạt mà không có sự đồng ý, nạn nhân sẽ tự động sở hữu tài sản trí tuệ. Tôi đang cố gắng nghiên cứu ứng dụng để giải quyết vấn đề thông qua công nghệ”, cô nói.
Tisiphone cho biết lý do cô thực hiện startup này là nhằm giúp đỡ các nạn nhân khác. Cô xem đây là sự cứu rỗi, chữa lành cho chính mình.
Có thời điểm, Tisiphone nói chuyện với luật sư mà không ngừng run rẩy và khóc. Cô thậm chí không thể nói thành câu hoàn chỉnh.
“Thật là đau thương. Nhưng bây giờ tôi phải mạnh mẽ hơn rất nhiều. Tôi cảm thấy như đây là số phận của mình. Không ai đáng phải chết vì những việc thế này”, cô khẳng định.
Theo Zing