Toàn cảnh IPBF 2020 tại Hà Nội - ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
IPBF 2020 hôm qua 29.10 đã chứng kiến sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Dan Brouillette và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross.
Theo đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong việc dẫn đầu nỗ lực định hình cấu trúc hợp tác kinh tế tại ASEAN và mở rộng hơn là cả khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Và dịch Covid-19 càng làm nổi bật nhu cầu tăng cường hợp tác hơn nữa giữa các bên nếu muốn hồi phục kinh tế hiệu quả sau dịch bệnh.
Bộ trưởng Brouillette cũng công nhận vai trò quan trọng của Việt Nam đối với sự phát triển chung của Indo-Pacific, và kêu gọi khu vực hãy cùng với Mỹ đẩy mạnh an ninh năng lượng. Ông khẳng định việc Mỹ trở thành nhà cung cấp năng lượng khí hóa lỏng lớn thứ ba thế giới sẽ mang đến “an ninh và ổn định” cho các nền kinh tế Indo-Pacific trước nguy cơ bị chèn ép từ thế lực khu vực.
Một trong những phiên thảo luận nhận được chú ý nhất vào ngày thứ hai của IPBF 2020 chính là “Viễn cảnh và các cơ hội thương mại cho các nước Mê Kông”. Tham gia trình bày trong phiên thảo luận này gồm có các đại sứ Mỹ tại Campuchia Patrick Murphy, Peter Haymond (Lào), Michael DeSombre (Thái Lan), Daniel Kritenbrink (Việt Nam) và Đại biện của phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Myanmar, Gwen Cardno.
Nếu hội nghị trực tuyến vào ngày 11.9 với sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đánh dấu quan hệ giữa các nước Mê Kông và Mỹ chính thức được nâng lên tầm đối tác, IPBF 2020 là dịp các phái đoàn tìm hiểu kỹ càng hơn cơ hội đầu tư và kinh doanh tại khu vực này.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành nhiều nơi trên thế giới, các nhà đầu tư trên toàn cầu đặc biệt chú ý đến các nước Mê Kông bởi vì một lẽ: Đây là khu vực kiểm soát dịch bệnh rất tốt. Một số câu hỏi được đặt ra tại phiên thảo luận là thời điểm dự kiến các thị trường tại khu vực sẽ mở cửa trở lại để thu hút đầu tư nước ngoài sau dịch Covid-19, cũng như lời khuyên về chiến lược cho các dự án thương mại tương lai. Những câu hỏi trên phản ánh sự quan tâm của giới đầu tư đối với khu vực đang đóng vai trò quan trọng trong bức tranh toàn cảnh của một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phát triển và thịnh vượng. Và ngược lại, các nước Mê Kông đang rất cần các làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài để khôi phục kinh tế sau dịch Covid-19.
Tại cuộc thảo luận, một vấn đề cũng được đặt ra nhằm giải quyết thách thức vẫn còn tồn đọng làm trì hoãn đà tiến của khu vực, đó là kêu gọi giải pháp thúc đẩy giao thương hàng hóa xuyên biên giới. Theo đó, các bên nêu lên nhu cầu cần phải nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu, cải thiện các thỏa thuận và quy trình hải quan nhằm đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa, dịch vụ thông thoáng giữa các quốc gia Mê Kông.
Theo thanhnien