Những tiết mục “điểm nhấn” trong chương trình biểu diễn nghệ thuật Mekong Show tối 4-7-2020 tại công viên Gia Định, TP.HCM - Ảnh: D.KIM THOA
Đã lâu rồi khán giả Sài Gòn mới lại có dịp thưởng thức một chương trình nghệ thuật xiếc - rối đầy đặn và hấp dẫn như Mekong Show, nhất là sau một thời gian dài dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới mọi lĩnh vực, trong đó có đời sống nghệ thuật.
Chỉ kéo dài 60 phút nhưng với một kịch bản đa dạng, nhiều tiết mục rối, xiếc đan xen lớp lang, liên tục "đổi món" và cách sắp xếp những điểm nhấn nghệ thuật trải dọc từ đầu tới cuối, khán giả không cảm thấy ngắn ngủi hay hụt hẫng.
Mekong Show thoạt tiên khiến người ta tò mò muốn biết các nghệ sĩ sẽ tái hiện những gì và "kể chuyện" bằng xiếc, bằng rối ra sao về ký ức khẩn hoang mở cõi năm xưa của tiền nhân. Đạo diễn Nguyễn Phi Sơn đã khai thác hiệu quả những hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và âm nhạc trong nhiều phân cảnh độc đáo.
Khán giả chốc chốc lại ồ lên bất ngờ với cảnh đàn cò bay rập rờn trên sân khấu, lúc lại vỗ tay rần rần vì thích thú với màn biểu diễn của một "chú cò" mà thực ra là sự phối hợp động tác biểu diễn của một nhóm khoảng 6, 7 diễn viên tạo hình con cò kết hợp chuyển động với ánh sáng thật sự công phu.
Âm nhạc cũng là một phần tạo nên hiệu quả không nhỏ cho sô diễn. Nhạc sĩ Hồ Văn Thành - nguyên giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam - đã dành nhiều chăm chút cho phần này, và ngay từ câu hò mở đầu vở diễn, người ta đã thấy "chất phương Nam", chất "miền Tây" không thể lẫn vào đâu.
Rồi xuyên suốt chương trình, tùy vào từng phân cảnh, tiết mục, người xem lại được thưởng thức thêm nhiều điệu lý và các làn điệu khác nữa của đờn ca tài tử, vẫn là những giai điệu "chỉ nghe đã thấy miền Tây".
Nhưng sự linh hoạt đầy biến ảo và có thể là bất ngờ với nhiều khán giả khi ở cuối chương trình, nhạc sĩ chọn đưa vào thể loại nhạc hiện đại và cả điệu nhảy sôi động, rộn ràng của các nghệ sĩ đang hóa thân vào những người lao động trẻ thời nay.
Một chú bé tầm 6 tuổi ngồi hàng ghế đầu hẳn rất khoái tiết mục kết thúc chương trình nên cứ đu đưa lúc lắc không thôi theo điệu nhạc và vũ điệu của các cô chú diễn viên trên sân khấu.
Chỉ với những vật dụng đơn giản như vài chiếc mũ nan, dăm cái nơm úp cá, rồi những viên gạch nung, bó rơm khô, những sợi dây lụa và chục thanh gậy gỗ, các nghệ sĩ Nhà hát nghệ thuật Phương Nam đã lôi cuốn người xem vào những màn trình diễn thuyết phục bằng những kỹ thuật công phu toát lên đầy sự mạnh mẽ, khéo léo, linh hoạt và dẻo dai của người nghệ sĩ.
Và một ấn tượng không thể quên là gương mặt thật tươi, thật nhẹ của các diễn viên trên sân khấu. Kỹ thuật thực sự là kỹ thuật, không phải gắng sức, thần thái ung dung trên gương mặt các diễn viên, đặc biệt sau những tiết mục xiếc ngoạn mục tới nín thở khiến người xem cảm động và ngưỡng mộ.
Rồi thấy tiếc những hàng ghế khán giả còn trống trong rạp ở công viên Gia Định đêm đó. Có lẽ vì nhiều người chưa kịp biết thông tin về sô diễn, có lẽ vì nỗi ám ảnh dịch bệnh vẫn chưa nguôi với một số người. Với một chương trình biểu diễn rất đáng xem như vậy, mong rằng sẽ còn nhiều em nhỏ ở thành phố có dịp thưởng thức.
Tỉ lệ xiếc so với rối trong Mekong Show không tương đương nhau. Trong cảm quan ước tính của người xem, rối phần nào chỉ đóng vai trò như một tác nhân mang tính chuyển cảnh của toàn bộ sô diễn. Song vì các tiết mục xiếc quá đa dạng và hấp dẫn nên cảm giác này có lẽ không làm bận lòng người xem. Trước mắt, Mekong Show sẽ được trình diễn vào 20h thứ bảy hằng tuần tại rạp xiếc công viên Gia Định. |
Theo tuoitre