Trăm ngàn nỗi lo
Tết Nguyên đán cận kề nhưng nhiều gia đình châu Á đang sinh sống ở nước ngoài vẫn đau đáu, loay hoay với câu hỏi “Về hay không về?” khi chi phí máy bay đắt đỏ, cơ hội tương lai có khả năng bị vuột hay nỗi sợ dịch bệnh vẫn canh cánh bên lòng... Những lý do trên khiến họ dù muốn về quê, muốn được đoàn tụ với gia đình cũng đành ngậm ngùi tiếc nuối. Họ rất nhớ cha mẹ, trân trọng từng khoảnh khắc bên người thân nhưng gánh nặng cõng trên vai một gia đình nhỏ khiến không ít người như bị bóp nghẹt tim mỗi dịp tết đến xuân về.
Emma Wei - người Úc gốc Hoa - đã rời khỏi Vũ Hán cùng 2 con cách đây 3 năm. Gần đây, trong bối cảnh Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các hạn chế đi lại, cô mong muốn được trở về thăm ông nội ốm yếu. Bất chấp thủ tục rắc rối chờ đón (đất nước tỉ dân đang là tâm dịch của toàn cầu nên để đảm bảo an toàn và ngăn ngừa các biến thể mới xâm nhập, tất cả những người từ Trung Quốc nhập cảnh vào Úc buộc phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính COVID-19), ngọn lửa muốn được trở về vẫn cháy trong cô.
|
Người dân châu Á đang làm việc ở nước ngoài cố gắng thu xếp về quê đoàn tụ cùng gia đình trong dịp tết Nguyên đán |
Những tưởng sau 3 năm, cô có thể đưa cả gia đình nhỏ về thăm người thân. Vậy nhưng chi phí đi lại đắt đỏ một lần nữa khiến Emma Wei lùi bước, đành ngậm ngùi về Trung Quốc một mình. "Tôi không đủ tiền mua vé máy bay cho cả gia đình vì số tiền đó có thể lên đến hơn 10.000 USD - quá khả năng của tôi" - cô nói. Câu chuyện của Emma Wei cũng chính là tâm trạng chung của rất nhiều gia đình, nhất là những người có mức thu nhập thấp. Với họ, việc về thăm nhà dịp lễ, tết không khác nào điều xa xỉ. Khi nghe những cuộc gọi điện thoại thăm hỏi từ xa của người thân hay nhìn những hình ảnh gia đình đoàn tụ, họ không giấu được sự xúc động.
Bên cạnh bài toán kinh tế, nhiều người cũng không dám về quê vì sợ đánh mất tương lai rộng mở khi đang làm việc ở các nước phương Tây. Fu Sheng (du học sinh Trung Quốc ở Mỹ) tâm sự cảm thấy lòng rối bời sau khi nhận cuộc gọi video hằng tuần của cha mẹ gần đây. Như thường lệ mọi năm, cha mẹ Fu Sheng tiếp tục hỏi anh: “Con có về quê ăn tết không?” Câu hỏi như cứa vào nỗi lòng Fu Sheng.
Dù giá vé không còn đắt đỏ như trước (chỉ khoảng 2.000 USD) nhưng đã hơn 3 năm, anh vẫn chưa thể về thăm nhà. Nếu như năm 2020, dịch bùng phát nặng nề ở Trung Quốc khiến anh bỏ lỡ cơ hội trở về thì năm 2021, cơn ác mộng tương tự cũng tái diễn ở Mỹ khiến Fu Sheng lần nữa lỡ hẹn. Rồi đến năm 2022, kế hoạch sự nghiệp dần thay đổi tiếp tục níu giữ anh ở lại xứ cờ hoa để hoàn thành khóa học tiến sĩ. Mùa xuân năm nay cũng không ngoại lệ. Fu Sheng đành nói lời xin lỗi cha mẹ, khi ưu tiên hàng đầu hiện tại của anh là công việc trong phòng thí nghiệm.
|
Doanh nhân Jeff Suo đang mong chờ phút giây được đoàn tụ cùng cha mẹ già |
Dù thế nào cũng về
Ngoài những trường hợp bất đắc dĩ, hầu hết mọi người đều cố gắng thu xếp công việc để được tận hưởng niềm vui sum họp. Đối với tài xế chở hàng Ming (36 tuổi, làm việc tại Singapore), chuyến trở về Kuala Lumpur (Malaysia) lần này hứa hẹn sẽ là một chuyến đi đầy cảm xúc. Bởi lẽ, chuyến đi đó không chỉ đánh dấu lần hồi hương đầu tiên sau 3 năm kể từ đại dịch mà còn là lần đầu tiên người đàn ông này đón tết cùng gia đình mà thiếu cha. Cha Ming đã qua đời vào tháng 8/2020 vì biến chứng của COVID-19. “Trở về nhà và trải qua những khoảnh khắc vui vẻ mà không có cha, tôi sẽ cần thời gian để làm quen” - anh Ming nói.
Hành trình về nhà không hề rẻ đối với những người dân Malaysia đi từ Singapore bởi các đơn vị khai thác vận tải (hãng hàng không, xe buýt, xe khách…) đã tăng giá chóng mặt, nhất là vào tuần lễ trước tết Nguyên đán. Ng Chian Chian (nữ y tá 26 tuổi, người Malaysia) đã 3 năm chưa về quê hương chia sẻ giá vé từ Singapore về Malaysia đã tăng gấp 7 lần so với ngày thường. “Dù vé máy bay tăng vọt nhưng bạn không thể định giá cho tình cảm gia đình mình” - chị cho biết dù chi phí đi lại đắt đỏ nhưng vẫn quyết tâm trở về.
Ngoài niềm vui gặp lại đại gia đình và bạn bè, chị Chian còn mong muốn lần về quê này có thể cùng cha mẹ và 4 anh chị em chụp những bức chân dung gia đình thật đẹp trong một studio ảnh. “Trước đây, chúng tôi chưa bao giờ thực sự chụp ảnh chân dung gia đình. Vì vậy, chúng tôi quyết định sẽ thực hiện vào năm nay, khi các thành viên đều về Malaysia đón tết” - Chian nói.
Tương tự, doanh nhân người Úc gốc Hoa Jeff Suo cũng đã đặt vé bay về Trung Quốc vì muốn được ở bên cha mẹ trong thời khắc đón năm mới: "Cha mẹ tôi đều đã già và việc về nhà vào dịp tết Nguyên đán để đoàn tụ với gia đình là một truyền thống. Có một câu nói cổ của Trung Quốc ngụ ý rằng khi cha mẹ bạn còn sống, luôn có một nơi để về. Do đó, tôi muốn trân trọng mỗi cuộc đoàn tụ bên những người tôi yêu quý nhất”.
|
Do chi phí vé máy bay đắt đỏ, Emma Wei tiếc nuối khi không thể đưa cả gia đình về Trung Quốc đón tết |
Với một số người, tết không chỉ đơn thuần là sum họp mà còn mang rất nhiều ý nghĩa khi đây là lúc họ cảm nhận được trọn vẹn giá trị của tình thân. Điển hình là câu chuyện của anh He Chuanfeng - nhân viên giao hàng bị câm điếc sau một trận sốt cao năm 3 tuổi đang rong ruổi làm việc ở các khu đô thị tại Trung Quốc. Dù không có tiền, vẫn còn nợ hàng chục ngàn USD và khoản thu nhập ít ỏi hằng tháng chỉ có thể dùng để thanh toán các hóa đơn và chi phí sinh hoạt cho con cái nhưng anh vẫn quyết định về nhà.
Trong tưởng tượng của nhiều cư dân mạng, những nhân viên giao hàng sẽ có thu nhập khá khẩm trong mùa dịch nhưng theo anh Chuanfeng, điều đó không đúng. Trong suốt 3 năm xảy ra dịch bệnh, người cha đơn thân đã đối mặt với tình trạng phong tỏa ở nhiều khu vực, không dễ để kiếm tiền.
Chuanfeng trải lòng: “Những người không có tiền thực sự không muốn về nhà nhưng tôi phải về bởi nếu tết mà tôi không về, cha mẹ sẽ lo lắng, con cái thêm nhớ...”. Tuy nhiên, còn một lý do lớn hơn khiến anh quyết tâm về quê: vì cảm nhận được trọn vẹn tình thương của mẹ dành cho mình qua câu nói: “Có tiền hay không thì cứ về nhà ăn tết đi con” - một câu tưởng chừng đơn giản nhưng lại khiến anh vô cùng cảm động.
"Về nhà trong dịp tết Nguyên đán là điều mà cả gia đình mong đợi. Về nhà là đoàn tụ và hạnh phúc. Do đó, dù kiếm được nhiều hay ít tiền, bạn cũng đều được hoan nghênh khi về nhà, vì gia đình rất nhớ bạn” - He Chuanfeng nói.
Theo phụ nữ TPHCM