|
|
Hàn Quốc đã báo cáo tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới vào năm 2021. Ảnh:AP. |
Hàn Quốc đang đứng trước nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, khi quốc gia này ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới trong hai năm liên tiếp.
Vào cuối tháng 8, cơ quan thống kê quốc gia Hàn Quốc cho biết tỷ lệ sinh chung - tức là số trẻ trung bình một phụ nữ sinh trong suốt cuộc đời - đã giảm xuống chỉ còn 0,81 vào năm 2021, theo New York Times.
Trong cùng giai đoạn, số trẻ sơ sinh ở nước này cũng giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại, còn 260.000 trẻ. Đây đã là năm thứ hai liên tiếp số ca sinh của Hàn Quốc giảm xuống dưới 300.000.
Tỷ lệ sinh thấp đang là vấn đề làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách. Trong bối cảnh đó, tuần này, thị trưởng Seoul đã đưa ra một giải pháp: Đó là tuyển dụng thêm nhiều bảo mẫu hơn.
Trong bài đăng ngắn gọn trên Facebook, Thị trưởng Oh Se Hoon cho biết việc giảm bớt chi phí đắt đỏ cùng tình trạng ít người trông trẻ ở nước này sẽ khuyến khích nhiều người Hàn Quốc có con hơn.
“Đây hẳn là tin tốt cho những bậc cha mẹ còn chần chừ trong việc thuê người trông trẻ bởi gánh nặng tài chính hoặc thiếu hụt nhân lực”, ông Oh cho biết hôm 27/9 trong bài đăng của mình.
|
|
Thị trưởng Seoul, ông Oh Se Hoon, cho biết đề xuất mới sẽ khuyến khích nhiều người Hàn Quốc có con hơn. Ảnh:AFP. |
Làm chậm xu hướng
Tình hình có vẻ ảm đạm ngay cả ở khu vực Seoul, nơi sinh sống của phần lớn dân số cả nước. Tỷ lệ sinh 0,63 của thủ đô thậm chí còn thấp hơn rõ rệt so với toàn quốc, theo Nikkei Asia.
Trước tình cảnh đó, thị trưởng Seoul nói rằng ông đã đề xuất ý tưởng của mình tại cuộc họp nội các quốc gia vào đầu tuần này.
Luật nhập cư ở Hàn Quốc cho phép người nước ngoài có thị thực dài hạn được làm công việc trông trẻ, theo Cơ quan Di trú Hàn Quốc.
Tuy nhiên, những người lao động nhập cư có thị thực lao động tạm thời cần được cấp phép đặc biệt để làm điều đó.
Ông Oh không nêu chi tiết các quy định về thị thực sẽ được thay đổi như thế nào để tăng số lượng người trông trẻ ở Hàn Quốc. Nhưng ông chỉ ra các nơi có nhiều người giúp việc giá rẻ là hình mẫu có thể tham khảo.
“Khi Hong Kong và Singapore đưa ra hệ thống này vào những năm 1970, tỷ lệ phụ nữ trong lực lượng lao động đã tăng lên rõ rệt”, ông nói. "Nó không đảo ngược việc tỷ lệ sinh sụt giảm trong dài hạn, nhưng xu hướng đó đã giảm chậm lại ở những nơi này so với Hàn Quốc".
Ông Oh không phải là quan chức đầu tiên cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Hàn Quốc bằng cách giảm bớt chi phí dành cho bảo mẫu đang gia tăng.
Một chương trình do nhà nước điều hành thuộc Bộ Bình đẳng Giới và Gia đình đã đào tạo và quản lý những người trông trẻ cho các bậc cha mẹ trong hơn 10 năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng biện pháp can thiệp này vẫn chưa đủ.
|
|
Chi phí nhà ở, chăm sóc trẻ em và giáo dục đã khiến nhiều người ở Hàn Quốc ngần ngại sinh con. Ảnh:Reuters. |
Thách thức
Lee Jeong Won, một nhà nghiên cứu tại Viện Giáo dục và Chăm sóc Trẻ em Hàn Quốc, cho biết số tiền cô trả cho bảo mẫu khi là mẹ của một cặp song sinh đã tăng gấp đôi trong 12 năm qua.
“Chi phí đã tăng lên rất nhiều”, cô nói và cho biết thêm trung bình mỗi tháng, người Hàn Quốc chi khoảng 2.000 USD cho một người trông trẻ.
Nghiên cứu của viện cũng cho thấy ngày càng có nhiều cha mẹ Hàn Quốc thuê bảo mẫu là người nước ngoài trong những năm qua vì chi phí thấp hơn và khả năng sẵn sàng làm việc cao hơn.
Nhưng những biện pháp phòng chống Covid-19 đã làm giảm số lượng người trông trẻ đến từ các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc. Điều này khiến đề xuất của thị trường Seoul trở nên cấp thiết hơn, Lee nói.
Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng đề xuất này vẫn còn quá vội vã. Lee Sang Lim, nhà nhân khẩu học của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, cho biết ông không thấy gì trong kế hoạch đề cập đến việc bảo hộ lao động cho người nước ngoài, chẳng hạn yêu cầu về tiền lương, đào tạo và quy trình đánh giá, kiểm tra.
|
|
Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra một số khoản trợ cấp để khuyến khích các gia đình sinh thêm con. Ảnh:Reuters. |
Nhưng Lee, chuyên gia về chính sách chăm sóc trẻ em, cho biết cô vẫn giữ thái độ lạc quan vì kế hoạch của thị trưởng Seoul sẽ giúp ích cho những phụ nữ đang đi làm.
“Ngày càng nhiều phụ nữ muốn làm việc và đạt được thành công trong sự nghiệp. Nhưng gánh nặng nuôi dạy con cái vẫn đè nặng lên vai họ trong nhiều gia đình”, cô nói.
Để giảm bớt chi phí nuôi dạy con cái, Tổng thống Yoon Suk Yeol của Hàn Quốc đã hứa sẽ tăng phụ cấp của chính phủ dành cho các bậc cha mẹ mới có con.
Một đề xuất ngân sách cũng vừa được công bố vào tháng trước, cho hay bắt đầu từ năm 2024, nhà nước sẽ cung cấp cho mỗi gia đình mới có con khoản trợ cấp hàng tháng là 694 USD, tăng gấp 3 lần so với mức 208 USD hiện tại.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết gánh nặng tài chính chỉ là một trong số nhiều lý do khiến người Hàn Quốc ngần ngại sinh con. Chi phí nhà ở và giáo dục, việc làm khan hiếm và nỗi lo lắng chung về tương lai là những yếu tố khác góp phần dẫn đến tình trạng này.
“Mọi người không chỉ quan tâm đến chi phí nuôi con khi chúng còn là trẻ sơ sinh”, Lee nói. “Họ còn phải đảm bảo rằng chúng sống hạnh phúc ngay cả khi lớn lên”.
Theo zingnews