Bên trong bể y tế ở trung tâm thành phố Seoul (Hàn Quốc) là hàng trăm quả trứng đông lạnh. Chúng thuộc về những người phụ nữ muốn trì hoãn thời điểm sinh nở. Tại trung tâm y tế CHA, thuộc chuỗi phòng khám sinh sản lớn nhất Hàn Quốc, nhu cầu về dịch vụ này tăng gấp đôi trong 2 năm qua.

Phụ nữ trên toàn cầu đang ngày càng có nhiều lựa chọn hơn. Tuy nhiên, nhu cầu nhảy vọt tại CHA cho thấy rõ những gì phụ nữ Hàn Quốc đang phải đối mặt: chi phí nuôi con tăng cao và phải kết hôn để sử dụng hợp pháp trứng đông lạnh của mình.

Phụ nữ Hàn Quốc 'để dành' trứng, cưới trễ vì sợ không đủ tiền nuôi con - ảnh 1

Bể y tế đông lạnh trứng trong phòng thí nghiệm tại trung tâm y tế CHA

 

Lim Eun-young, một công chức 34 tuổi, là một trong số những phụ nữ sử dụng dịch vụ đông lạnh trứng khi chưa kết hôn vào năm ngoái. Lim nói rằng cô chưa sẵn sàng kết hôn do chi phí quá cao và chỉ mới quen bạn trai chưa lâu.

"Chúng tôi tiếp xúc với rất nhiều thông tin trong thời đại này. Chúng tôi nghe từ các cặp vợ chồng đã cưới nhau và xem các chương trình truyền hình thực tế về việc nuôi dạy con cái tốn kém như thế nào, về chi phí giáo dục và mọi thứ. Và tất cả những lo lắng này dẫn đến việc ít kết hôn và sinh con hơn", Lim Eun-young chia sẻ.

Khi chi phí nhà ở và trường học cao ngất ngưởng, ngày càng có nhiều phụ nữ ở Hàn Quốc tạm hoãn việc có con hoặc không sinh con. Đây là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, mặc dù chính phủ đã chi những khoản tiền khổng lồ cho các khoản trợ cấp và ưu đãi cho các gia đình.

Ngoài ra, chuẩn mực xã hội cũng vô hình bắt phụ nữ nước này sinh con sau khi kết hôn. Chỉ 2% ca sinh ở Hàn Quốc là sinh con ngoài giá thú so với tỷ lệ trung bình 41% ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Và theo luật, phụ nữ độc thân như Lim Eun-young chỉ có thể dự trữ trứng, chứ không thể hợp pháp sử dụng phương pháp hiến tinh trùng và cấy phôi.

Ông Jung Jae-hoon, giáo sư nghiên cứu phúc lợi xã hội tại Đại học Phụ nữ Seoul, cho rằng điều này cần phải thay đổi. Ông nhấn mạnh rằng số người kết hôn đã giảm xuống mức thấp kỷ lục chỉ hơn 192.000 vào năm 2021.

"Có thể thấy, quyền của phụ nữ không được thừa nhận đầy đủ nếu xét về tư cách là một người sinh con. Bất kể họ kết hôn hay chưa, chính phủ cũng ít nhất là không nên can thiệp vào nhu cầu sinh con của họ", ông Jung nói.

Bộ Bình đẳng Giới và Gia đình cho biết Hàn Quốc cần: "tạo ra một môi trường làm việc và văn hóa gia đình cân bằng để tăng tỷ lệ sinh".

Trong khi đó, đất nước này đối mặt một "quả bom hẹn giờ" về nhân khẩu học. Theo một cuộc khảo sát năm 2020 do Bộ Gia đình và Giới Hàn Quốc thực hiện, có hơn 50% người dân ở độ tuổi 20 không có kế hoạch sinh con khi kết hôn.

Theo Thanh Niên