leftcenterrightdel
Người tiêu dùng ở Mỹ gặp khó trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng leo thang 

Thế giới trong “cơn sóng” lạm phát

Lạm phát trên toàn thế giới đang tăng với tốc độ mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua do nguồn cung bị hạn chế giữa lúc nhu cầu của các nước gia tăng trong quá trình phục hồi từ đại dịch Covid-19. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine cũng như các biện pháp phong tỏa của Trung Quốc trong nỗ lực phòng chống đại dịch Covid-19.

Số liệu do Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 16-9 cho thấy tỷ lệ lạm phát tại Liên minh châu Âu (EU) đã tăng lên mức kỷ lục 10,1% trong tháng 8 năm nay, cao hơn đáng kể so với mức 9,8% của tháng 7. Tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), tỷ lệ lạm phát trong tháng 8 là 9,1%, cao hơn mức 8,9% trong tháng 7. Pháp là quốc gia có tỷ lệ lạm phát thấp nhất trong tháng 8 là 6,6%, tiếp theo là Malta (7%) và Phần Lan (7,9%). Ngược lại, lạm phát vẫn cao nhất tại 3 quốc gia Baltic là Estonia (25,2%), Latvia (21,4%) và Litva (21,1%).

Tại Mỹ, theo báo cáo của Bộ Lao động, dù mức tăng đã giảm so với các tháng trước nhưng lạm phát trong tháng 8 ở nước này vẫn ở mức rất cao là 8,3% so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều chuyên gia cho rằng nền kinh tế Mỹ vẫn chưa tránh khỏi giai đoạn khó khăn và tình hình này có thể kéo dài đến sang năm. Người tiêu dùng, đặc biệt các hộ gia đình thu nhập thấp, đang chống lại lạm phát bằng cách thay đổi thói quen chi tiêu.

So với Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc thấp hơn nhiều. Con số này trong tháng 7 tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, sang tháng 8 chỉ còn 2,5%. Tuy nhiên, do tốc độ tăng trưởng GDP chậm hơn hẳn nên người dân Trung Quốc ngày càng cảm nhận rõ sức ép của giá cả leo thang. Hơn 50% số người tham gia khảo sát tại Trung Quốc nói rằng do nguy cơ xảy ra suy thoái, họ đã giảm hoạt động ăn uống bên ngoài và giải trí, đồng thời chuyển sang mua sắm các thương hiệu và dịch vụ giá rẻ hơn khi có thể.

Do phụ thuộc phần lớn vào việc nhập khẩu dầu mỏ, than và khí tự nhiên hóa lỏng, Nhật Bản đang phải vật lộn với tình trạng giá cả hàng hóa tăng cao. Cơ quan thống kê Nhật Bản cho biết: Chỉ số giá tiêu dùng của nước này trong tháng 7 vừa qua tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,2% so với tháng 6, và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12-2014.

Các nền kinh tế Đông Nam Á cũng không thể thoát khỏi các tác động từ giá thực phẩm, dầu thô tăng cao và chuỗi cung cầu gián đoạn. Với Indonesia, chính sách giá thả nổi đối với các mặt hàng từng được trợ giá như nhiên liệu, điện và phương tiện giao thông công cộng đã dẫn đến lạm phát trong 6 tháng đầu năm tăng 4,35% so với cùng kỳ năm trước, tốc độ nhanh nhất trong 5 năm qua và vượt xa mục tiêu năm 2022 mà Ngân hàng Trung ương Indonesia đặt ra là 2 đến 4%.

Ở Philippines, giá dầu cùng chi phí giao thông, dịch vụ, thực phẩm tăng là động lực đẩy lạm phát trong tháng 6 tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong gần 4 năm qua ở nước này. Cùng thời gian, chỉ số giá tiêu dùng tại Singapore tăng 3,6%, tốc độ nhanh nhất trong vòng 13 năm qua. Ở Malaysia, giá cả tăng cao khiến người dân phản đối dữ dội, buộc Chính phủ nước này phải công bố khoản hỗ trợ tiền mặt bổ sung 639 triệu ringgit (tương đương 142,2 triệu USD) cho các gia đình có thu nhập thấp, bên cạnh khoản hỗ trợ tiền mặt 8,2 tỷ ringgit đã được trích trước đó từ ngân sách năm 2022.

Nhiều biện pháp đối phó và hỗ trợ người tiêu dùng

Để đối phó với “cơn sóng” lạm phát, chính phủ nhiều nước trên thế giới đang phải tung ra nhiều biện pháp đối phó và hỗ trợ người tiêu dùng cũng như các công ty gặp khó khăn. Ngân hàng trung ương nhiều nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh, Canada và châu Âu đã đồng loạt tăng lãi suất với mục đích khống chế lạm phát, nhiều nước đang phát triển cũng bắt buộc phải tăng lãi suất theo.

Đáng chú ý là hôm 8-9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75%, lên mức 1,25%, mức tăng cao nhất kể từ khi đồng tiền chung châu Âu được đưa vào sử dụng. Ở Mỹ, với quyết tâm siết chặt tiền tệ, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell để ngỏ khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm trong thời gian tới, nhằm kiểm soát lạm phát đang tăng cao nhất trong vòng 40 năm qua tại nước này.

Ngoài biện pháp vĩ mô, tùy vào tình hình thực tế, mỗi nước lại có những biện pháp đối phó riêng. Mỹ đã lên kế hoạch xóa khoản nợ sinh viên 10.000 USD cho hàng triệu người, đồng thời thực thi Đạo luật giảm lạm phát trị giá 430 tỷ USD nhằm giảm giá năng lượng, thuốc kê đơn và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho các gia đình Mỹ. Trong khi đó, Canada công bố gói biện pháp trị giá 4,5 tỷ CAD (3,39 tỷ USD) hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp và trung bình, cùng với khoản hỗ trợ một lần nhằm giúp những người có thu nhập thấp trang trải chi phí thuê nhà.

Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch huy động hơn 140 tỷ euro (139,58 tỷ USD) từ các công ty năng lượng nhằm bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp khi đà tăng của lạm phát làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế và vỡ nợ. Ngày 16-9, Italy đã thông qua một gói viện trợ mới trị giá khoảng 14 tỷ euro. Chính phủ Đức cũng công bố gói hỗ trợ trị giá 65 tỷ euro, bao gồm các biện pháp gia hạn giảm giá phương tiện giao thông công cộng và giảm thuế cho các công ty sử dụng nhiều năng lượng. Thổ Nhĩ Kỳ đã nâng lương tối thiểu khoảng 30%, sau mức tăng 50% vào cuối năm ngoái.

Chính phủ các nước Anh, Bồ Đào Nha, Phần Lan, Thụy Điển thì bỏ ra các khoản tiền lớn để giảm hóa đơn năng lượng cho người dân và hỗ trợ các doanh nghiệp. Còn tại Đan Mạch, chính phủ nước này sẽ giới hạn mức tăng tiền thuê nhà hằng năm trong 2 năm tiếp theo ở mức 4%.

Ở châu Á, Chính phủ Thái Lan đã đồng ý tiếp tục cắt giảm thuế đối với dầu diesel thêm 2 tháng và gia hạn trợ giá điện cho đến tháng 12 năm nay nhằm giảm thiểu tác động từ việc giá năng lượng cao. Trong khi đó, Indonesia đã chỉ thị duy trì mức lạm phát lương thực dưới 5%, đồng thời cấm xuất khẩu hoàn toàn dầu cọ để bảo vệ người tiêu dùng trong nước. Tại Ấn Độ, ít nhất 10 bang đã công bố các khoản trợ cấp tiền mặt và trợ giá điện với tổng trị giá hơn 1.000 tỷ rupee (12,6 tỷ USD). Chính phủ Ấn Độ cũng đã thành lập một hội đồng chuyên gia để xem xét việc định giá khí đốt sản xuất trong nước. Nepal thì đưa ra lệnh hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ để cải thiện dự trữ ngoại tệ quốc gia.

Tại châu Phi và Trung Đông, Nam Phi vào cuối tháng 7 vừa qua thông báo giảm giá nhiên liệu tại trạm bơm. Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã tăng chi tiêu phúc lợi xã hội. Cụ thể, UAE tăng gấp đôi mức hỗ trợ tài chính cho các gia đình có thu nhập thấp, trong khi Saudi Arabia phân bổ 20 tỷ riyal (5,32 tỷ USD) để hỗ trợ người dân ứng phó với lạm phát.

Theo anninhthudo