Bức ảnh chị Mai Phạm đăng trên trang cá nhân sáng nay trên lộ trình trở về Việt Nam – Ảnh FB Mai Pham

Chị Mai Pham đã về đến Nội Bài 6 giờ sáng nay

Trên trang cá nhân sáng nay, 5.4, chị Phạm Thị Tuyết Mai thông báo đã chính thức được trở về Việt Nam sau hơn 3 tháng mắc kẹt tại Pháp vì cáo buộc liên quan đến ma túy. Trường hợp chị Mai đã gây tranh cãi trong dư luận suốt một thời gian dài về việc chị có tội hay vô tội.

Cùng với lời cảm ơn rất nhiều bạn bè đã hỗ trợ, chị Mai Pham gửi lời cảm đến 2 luật sư Bỉ và Pháp là "anh Ruben và chị Cecile đã làm việc rất nhiệt tình, đã đấu tranh bảo vệ để trả lại danh dự và sự tự do cho tôi"... cũng như cảm ơn anh Cường, cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, đã bằng sự nhiệt tình của mình chứng minh "có những người cán bộ muốn thực tâm làm tốt công việc của mình để giúp đỡ những đồng bào người Việt ở nước ngoài...".

Sau biến cố không ngờ, phải đối mặt với cáo buộc của cơ quan chức năng Pháp cũng như những quan điểm trái chiều trên mạng xã hội, chị Mai cho biết "sau chuyến đi 109 ngày này mới thấy quý trọng hơn quyển hộ chiếu màu xanh lá thân thuộc; qúy trọng hơn quyền tự do, quyền được quay trở về quê hương", dù trước đó vẫn cho rằng, "để có được visa châu Âu thật khó khăn, để quay về Việt Nam quá đơn giản...".

Trao đổi với Thanh Niên, bà Trần Thị Vân, mẹ chị Phạm Thị Tuyết Mai, xác nhận con gái bà đã về đến sân bay Nội Bài lúc 6 giờ 30 sáng nay, 5.4.

Chia sẻ cảm xúc sau hơn 3 tháng con gái bị giữ tại Pháp, bà Vân bày tỏ: “Gia đình rất mừng vì cuối cùng công lý cũng đã được thực thi, con gái tôi đã được minh oan. Chúng tôi luôn tin tưởng với sự hỗ trợ của luật sư, Tòa án Bỉ sẽ trả tự do cho con gái tôi. Con gái tôi hoàn toàn vô tội, không dính dáng gì đến bọn tội phạm mua bán ma túy”.

Bị tội phạm lợi dụng do mất thẻ căn cước cá nhân

Bà Vân cho biết thêm, do Mai bị mất ID card (thẻ căn cước) và bị bọn tội phạm sử dụng giấy tờ giả. Khi tòa án Bỉ xử vụ án buôn bán ma túy, chị Mai không có mặt tại phiên toà và không có điều kiện chứng minh mình vô tôi. Khi luật sư người Bỉ tiếp cận với hồ sơ phát hiện ra có nhiều điểm bất hợp lý trong bản án và tòa án đã phải thừa nhận điều này.

“Để chứng minh con gái tôi vô tội, tất cả chi phí thuê luật sư người Bỉ và mọi chi phí sinh hoạt tại Pháp gia đình đều phải tự lo. Vì vậy, việc khởi kiện tòa án Bỉ, sau này chúng tôi sẽ tính tiếp, bởi ai làm sai sẽ phải đền bù thiệt hại. Việc trước mắt là lo cho sức khỏe của Mai. Hiện con gái tôi rất mệt mỏi và chưa muốn tiếp xúc với ai”, bà Vân chia sẻ.

Bà Vân cho biết hơn 3 tháng qua, mọi sinh hoạt trong gia đình bà đều đảo lộn, nhất là khi trên mạng xã hội có nhiều thông tin trái chiều, thậm chí xúc phạm con gái bà.

“Chồng tôi bị bệnh huyết áp, tim mạch, còn tôi thì mất ngủ triền miên. Gia đình đã làm đơn lên Cục Lãnh sự và gửi Đại sứ quán Pháp hỗ trợ về pháp lý. Ngoài ra, gia đình cũng đã cung cấp các bằng chứng ngoại phạm của Mai cho các luật sư. Những gì cần làm chúng tôi đã làm hết để có thể đưa con gái mình trở về”.

Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, chị Phạm Thị Tuyết Mai, công dân Việt Nam, bị bắt giữ khi nhập cảnh vào Pháp vào ngày 18.12.2018 vì tình nghi liên quan đến tội buôn bán ma túy. Cảnh sát địa phương thông báo chị dính vào một án truy nã từ cảnh sát Bỉ từ năm 2014 và bị tạm giam trong vòng 48 tiếng.

Tuy nhiên, chị Mai hoàn toàn phủ nhận cáo buộc này, cho biết kể từ khi rời Hà Lan (sau 5 năm học lập và làm việc) vào tháng 3.2010, chị chỉ quay lại châu Âu 1 lần vào tháng 11.2011 nhân chuyến đi công tác sang Barcelona (Tây Ban Nha), nên không thể liên quan đến án ma túy tại Bỉ.

Trong suốt thời gian ở Pháp, chị được cho tại ngoại nhưng cứ 28 ngày chị lại phải hầu tòa 1 ngày và bị áp dụng một số biện pháp kiểm soát tư pháp như: phải tạm trú tại nơi được chỉ định, không được rời lãnh thổ Pháp chính quốc, giao cho tòa toàn bộ giấy tờ tùy thân, có nghĩa vụ có mặt khi được triệu tập cho các phiên tòa tiếp theo...

Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 24.1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, chị Mai bị cảnh sát biên giới Pháp bắt khi nhập cảnh vào Pháp theo lệnh bắt giữ châu Âu (European Arrest Warrant - EAW) nhằm thi hành bản án 4 năm tù về tội “buôn bán bất hợp pháp ma túy và chất gây nghiện” trong thời gian từ 1.10.2010 - 10.5.2011, do Tòa Tư pháp Antwerpen, Bỉ tuyên ngày 8.5.2013.

Sáng nay, 5.4, Thanh Niên đã liên hệ Bộ Ngoại giao đề nghị cho biết thêm thông tin về trường hợp này. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật tới độc giả.

Theo thanhnien