Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (
COP27) ở Sharm El-Sheikh, Ai Cập ngày 7/11/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)
Phó Tổng thống Indonesia Ma'ruf Amin ngày 8/11 đã nhấn mạnh 3 giải pháp liên quan đến nỗ lực giải quyết vấn đề biển đổi khí hậu tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại Ai Cập.
Ông Ma'ruf Amin cho rằng giải pháp đầu tiên đó là biến COP27 thực thi thực chất những cam kết đã đưa ra tại COP26.
Ông Ma'ruf Amin cho rằng từ COP26 năm 2021 tại Glasgow đến nay hầu như không có tiến bộ nào đáng kể nỗ lực chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Do đó, COP27 không nên dừng lại ở những khẩu hiệu mà cần triển khai thực chất bao gồm việc cam kết của những quốc gia phát triển hỗ trợ các nước đang phát triển.
Tiếp đó, Phó Tổng thống Indonesia cho rằng các bên cần chung tay phối hợp để thúc đẩy nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu, ngăn chặn sự nóng lên của Trái Đất. Ông Ma'ruf Amin cho rằng tất cả các quốc gia phải đóng góp theo năng lực của mình, với tinh thần chia sẻ gánh nặng. Các quốc gia có năng lực hơn phải giúp đỡ và trao quyền cho các quốc gia khác.
Sau cùng, ông Ma'ruf Amin khẳng định Indonesia sẽ tiếp tục đi đầu trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu bao gồm việc đề xuất Mở rộng đóng góp hạn định quốc gia (ENCD) hoặc cam kết của Indonesia về Đóng góp nhiều hơn vào chương trình Duy trì nhiệt độ toàn cầu.
Ông Ma'ruf Amin khẳng định Indonesia giữ vững mục tiêu giảm lượng khí thải xuống 31,8% theo năng lực và giảm 43,2% từ hỗ trợ quốc tế. Mức giảm này phù hợp với những chính sách về khí hậu mà Indonesia đang triển khai bao gồm bảo tồn và phục hồi thiên nhiên, cũng như hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070.
Để đảm bảo tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng, Indonesia đã triển khai chương trình Nền tảng quốc gia về cơ chế chuyển đổi năng lượng. Tất cả những nỗ lực quốc gia này cần phù hợp và có sự hỗ trợ của quốc tế bao gồm tạo ra một thị trường carbon hiệu quả và công bằng, đầu tư cho quá trình chuyển đổi năng lượng và tài trợ cho hành động khí hậu.
Hơn nữa, với tư cách là Chủ tịch G20 năm 2022, Indonesia sẽ tiếp tục khuyến khích phục hồi xanh và hành động vì khí hậu mạnh mẽ và bao trùm. Bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu tiếp tục sẽ là một trong những ưu tiên của Indonesia trong năm 2023 khi đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN./.
Theo TTXVN/Vietnam+