Khi các nước giàu đã đạt tỷ lệ dân số tiêm vaccine Covid-19 đáng kể, các nước nghèo hơn đang bị tụt lại phía sau.

Đây là điều đã được dự đoán từ trước. Vì lẽ đó, từ khi đại dịch bùng phát đầu năm 2020, các quan chức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tích cực vận động để thiết lập một cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu.

Cơ chế này được kỳ vọng giúp các nước ít giàu có hơn trước nguy cơ các nước cạnh tranh để sớm giành nguồn vaccine đang khan hiếm về mình. Trong bối cảnh này, chương trình Tiếp cận Vaccine Covid-19 toàn cầu (COVAX) ra đời.

Được khởi xướng bởi WHO, Liên minh vì sự đổi mới và sẵn sàng trong dịch bệnh (CEPI) và Liên minh Vaccine (Gavi), mục tiêu ban đầu của COVAX là phân phối 2 tỷ liều vaccine Covid-19 tới 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đến hết năm 2021.

Đặc biệt, COVAX hướng đến việc giúp đỡ 92 nước có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam, được nhận vaccine miễn phí đủ để tiêm cho 20% dân số.

Cơ chế vaccine toàn cầu


Ýtưởng đằng sau cơ chế này không mấy phức tạp: COVAX sẽ đặt mua trước một lượng lớn vaccine Covid-19 từ các nhà sản xuất lớn trên thế giới. Khi nhận được sản phẩm, cơ chế này sẽ phân phối vaccine cho từng quốc gia dựa trên quy mô dân số.

Ngoài ra, COVAX còn hoạt động như nền tảng hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và sản xuất nhiều ứng viên vaccine trong đại dịch để đa dạng hóa nguồn cung trong bối cảnh thế giới phải trải qua cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có.

       COVAX từng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò chủ chốt trong công tác phân phối vaccine Covid-19 toàn cầu. Ảnh: UNICEF.


Hiện tại, 191 quốc gia đã tham gia vào cơ chế COVAX. Trong số này, 99 quốc gia tham gia với tư cách nước giàu. Trong danh sách này, một số nước không đăng ký nhận vaccine theo cơ chế COVAX như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, trong khi một số đăng ký nhận vaccine và tự chịu chi phí như Trung Quốc, Iran, Brazil…

92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẽ nhận được vaccine miễn phí từ COVAX. Nguồn vaccine này có thể được mua trực tiếp từ các công ty dược phẩm, cũng như là những lô vaccine dư thừa được các nước phát triển đóng góp.

Để thực hiện sứ mệnh của mình, COVAX không chỉ huy động được sự đóng góp từ các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế, các quỹ từ thiện và một số doanh nghiệp lớn.

Mỹ đang là nhà tài trợ lớn nhất của COVAX. Từ khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố tham gia cơ chế này đầu năm 2021, Mỹ đã đóng góp 3,5 tỷ USD vào quỹ vaccine của COVAX, theo báo cáo của Gavi. Các nhà tài trợ lớn khác là Đức (1,097 tỷ USD), Nhật Bản (1 tỷ USD), Anh (733 triệu USD) và Ủy ban châu Âu (489 triệu USD).

Vaccine được phân phối thế nào?


Cơ chế phân phối vaccine của COVAX có sự phân biệt giữa các nước giàu (tự lo chi phí mua vaccine) và các nước có thu nhập từ thấp đến trung bình (được hỗ trợ vaccine miễn phí).

Các nước giàu có thể xác định số lượng liều vaccine Covid-19 muốn mua theo chương trình COVAX. Con số này cần đủ để tiêm cho 10-50% dân số (mỗi người được tính 2 liều vaccine).

Các nước này có thể thanh toán theo hai cách. Họ có thể ký thỏa thuận cam kết và trả trước một nửa số tiền mua vaccine và thanh toán nửa còn lại sau. Giá tiền được tính là 6,4 USD cho mỗi người.

                    Ghana là quốc gia đầu tiên được nhận vaccine theo cơ chế COVAX vào tháng 2. Ảnh: Washington Post.


Ngoài ra, họ còn có thể thanh toán dựa trên cơ chế “mua tự nguyện”. Theo cơ chế này, các quốc gia sẽ trả trước 6,2 USD cho mỗi công dân dự kiến được tiêm bởi nguồn vaccine từ COVAX. Các nước lựa chọn phương thức thanh toán này có quyền lựa chọn loại vaccine trong kho dự trữ của COVAX.

COVAX vừa mua vaccine trực tiếp từ các nhà sản xuất, vừa thông qua sự giúp đỡ của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và các tổ chức quốc tế khác. Nguồn quỹ dư thừa sẽ được hoàn trả cho các quốc gia.

Đối với các nước đang phát triển, có thu nhập thấp và trung bình, COVAX sẽ sử dụng nguồn tiền tài trợ để mua và phân phối vaccine. COVAX đặt ra mục tiêu cung cấp vaccine cho 20% dân số của các quốc gia này.

Khi các loại vaccine trong chương trình COVAX được thử nghiệm thành công, chứng minh độ an toàn và hiệu quả, cũng như được cấp phép bởi các cơ quan chức năng, chúng sẽ được phân phối đến các nước tham gia với tỷ lệ tương đồng, dựa trên tổng dân số.

Bên cạnh phân phối trực tiếp cho các quốc gia, COVAX sẽ giữ lại 5% tổng số liều vaccine để thiết lập kho dữ trữ vaccine. Kho dự trữ này sẽ phục vụ những tình huống khẩn cấp và hỗ trợ các tổ chức nhân đạo tiêm vaccine cho các đối tượng đặc biệt như người di cư.

Ngoài ra, các nước phát triển có thể trực tiếp mua vaccine từ nhà sản xuất và đóng góp qua cơ chế COVAX cho các nước đang phát triển. Mỹ, Đức, Liên minh châu Âu, Quỹ từ thiện Gates đã ủng hộ quỹ theo phương pháp này.

Tính đến tháng 6, COVAX đã phân bổ vaccine theo bốn đợt, bao gồm 89 triệu liều vaccine Covid-19 cho 133 quốc gia.

Thách thức với COVAX


Tuy khởi đầu đầy tham vọng, dường như COVAX khó đạt được mục tiêu mà cơ chế này đề ra.

Các nước có đủ nguồn lực tài chính không mấy hứng thú với COVAX. Ngoại trừ việc đóng góp tài chính, các quốc gia này tự mình đàm phán với các công ty dược phẩm để đảm bảo nguồn vaccine cho mình. Điều này khiến COVAX không thể trở thành nhân tố chủ chốt trong công tác phân phối vaccine Covid-19 toàn cầu như từng được kỳ vọng.

Đối với các nước đăng ký nhận vaccine Covid-19 từ COVAX nhưng tự chi trả, cơ chế này dường như chỉ là một biện pháp bảo hiểm để đảm bảo nguồn vaccine trong trường hợp đàm phán với các công ty dược phẩm không đạt được kết quả như mong muốn.

                                          Các nước giàu không quá mặn mà với vaccine từ COVAX. Ảnh: TIme Magazine.


Theo báo cáo được công bố cuối tháng 6 của Gavi, trong 190 quốc gia tham gia COVAX, một phần ba không sử dụng vaccine từ cơ chế này. Trong một báo cáo khác, tổ chức này dự đoán số quốc gia tham gia COVAX có thể giảm xuống 120-130 trong năm 2022.

Đối với mục tiêu hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, COVAX cũng đang gặp khó khăn. Cơ chế này đã huy động được gần 10 tỷ USD, vượt quá dự kiến trong năm 2021.

Tuy vậy, với việc các nước phát triển đã mua lượng lớn vaccine trước đó, cũng như Ấn Độ đang hạn chế xuất khẩu, COVAX đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung. Trong khi đó, một số quốc gia như Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản đã tự mình trao tặng vaccine cho các nước đang phát triển mà không qua COVAX.

“Bạn không thể phân phối vaccine mà mình không có”, Trợ lý Tổng giám đốc WHO Peter Singer tóm tắt thách thức chính mà COVAX đang đối mặt.

Tuy nhiên, với việc nhiều nước phát triển đã cơ bản hoàn thành việc tiêm chủng cho phần lớn dân số, người ta bắt đầu hy vọng nguồn cung dành cho COVAX sẽ dồi dào hơn. Mỹ cho biết sẽ mua 500 triệu liều vaccine Pfizer để gửi cho gần 100 quốc gia trong vòng hai năm tới thông qua cơ chế COVAX.

Trong đó, 200 triệu liều sẽ được phân phối trong năm nay và 300 triệu liều còn lại sẽ được gửi đến 92 quốc gia có thu nhập thấp hơn và Liên minh châu Phi trong nửa đầu năm 2022. Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia/vùng lãnh thổ tại châu Á sẽ nhận được 7 triệu liều vaccine đầu tiên do Mỹ chia sẻ thông qua chương trình COVAX (công bố hôm 3/6).

Theo Zing