COVID-19 đã cướp đi 115.000 nhân viên y tế trên toàn thế giới
Cập nhật lúc 22:41, Chủ nhật, 30/05/2021 (GMT+7)
Các Bộ trưởng Y tế trên khắp thế giới đang được thúc giục ký kế hoạch đào tạo thêm 6 triệu việc làm cho điều dưỡng vào năm 2030, trong bối cảnh cảnh báo rằng COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế toàn cầu và có thể gây ra tình trạng “chảy máu chất xám” từ các nước đang phát triển.
Một điều dưỡng ở Ý an ủi một đồng nghiệp khi thay ca trong đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên tại Bệnh viện Cremona - Ảnh: Paolo Miranda / AFP / Getty
Đại hội đồng Y tế thế giới trong tuần này dự kiến sẽ thông qua một nghị quyết kêu gọi các quốc gia chuyển đổi nghề điều dưỡng thông qua đầu tư, hỗ trợ và đào tạo nhiều hơn.
Tổng giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã kêu gọi các quốc gia đầu tư vào nhân viên y tế, gần 50% trong số họ là y tá và nữ hộ sinh. Ông Tedros nói rằng đại dịch đã nhắc nhở mọi người rằng đây là những người phi thường làm những công việc phi thường trong những hoàn cảnh đáng kinh ngạc.
“Chúng tôi nợ họ rất nhiều, nhưng các nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu thường thiếu sự bảo vệ, trang thiết bị, đào tạo, mức lương không xứng đáng, điều kiện làm việc chưa an toàn và sự tôn trọng mà họ lẽ ra xứng đáng được hưởng. Nếu chúng ta có hy vọng đạt được một tương lai khỏe mạnh, an toàn hơn, công bằng hơn, thì mọi quốc gia thành viên phải bảo vệ và đầu tư vào lực lượng lao động chăm sóc và y tế của mình là một vấn đề cấp bách", Tổng giám đốc WHO phát biểu.
Định hướng chiến lược của WHO là kêu gọi các quốc gia cải thiện việc đào tạo điều dưỡng và hộ sinh, tạo thêm việc làm và đảm bảo rằng các quốc gia khi có đủ điều kiện để có thể giữ chân họ. WHO ước tính rằng lực lượng điều dưỡng toàn cầu hiện nay là 27,9 triệu người khiến họ thiếu 5,9 triệu người so với nhu cầu - và sự thiếu hụt này là “quá mức” đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Hội đồng Y tá Thế giới (ICN) đã ví hiệu ứng COVID-19 như một “tổn thương hàng loạt đối với lực lượng nhân viên y tế mà đặc biệt là y tá, điều dưỡng” và cho rằng ngành này có thể chứng kiến một “cuộc di cư hàng loạt” có thể làm tăng sự thiếu hụt toàn cầu lên gần 13 triệu người.
Báo cáo cũng lưu ý rằng đại dịch đã “làm tăng hơn nữa rủi ro đối với lực lượng lao động y tế, bao gồm lây nhiễm trong khi làm việc, căng thẳng và kiệt sức sau nhiều tháng chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Ở một số quốc gia, các y tá còn phải đối mặt với bạo lực thể chất và kỳ thị tâm lý xã hội.
Theo báo cáo mới đây của WHO, từ đầu dịch COVID-19 tới nay đã có ít nhất 115.000 nhân viên y tế tử vong do dịch bệnh này. "Gần 18 tháng qua, các nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe khắp thế giới đã đứng ở ranh giới giữa sự sống và cái chết. Họ đã cứu vô số mạng sống và chiến đấu vì những người khác nhưng cũng đã có hơn 115.000 người hy sinh vì sự nghiệp cao cả này" - ông Tedros phát biểu.
Một bức tranh tường ở Dallas, Texas (Mỹ) nhằm để tri ân các y tá - Ảnh: AP
Một cuộc khảo sát cho thấy 90% các hiệp hội y tá toàn cầu phần nào hoặc phần lớn lo ngại rằng khối lượng công việc nặng, nguồn cung ứng không đủ, tình trạng kiệt sức và căng thẳng liên quan đến phản ứng đại dịch là những nguyên nhân dẫn đến số lượng y tá rời bỏ nghề ngày càng tăng.
Sheila Tlou, đồng chủ tịch của chiến dịch Nursing now và là cựu Bộ trưởng Y tế của Botswana, cho biết bà đã cảnh báo các nước đang phát triển đang thiếu hụt số lượng y tá khiến họ có thể phải đối mặt với tình trạng mất nhân viên y tế chủ chốt sau đại dịch. Tlou cũng cho rằng ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, các y tá, điều dưỡng cũng đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống HIV/AIDS.
Barbara Stilwell, Giám đốc của Nursing now, tổ chức các chiến dịch nâng cao vị thế của điều dưỡng đã hoan nghênh kế hoạch của WHO nhưng cũng kêu gọi suy nghĩ lại một cách triệt để hơn về vai trò của y tá.
“Theo nhiều cách, y tá linh hoạt hơn nhiều khi thực hiện công việc chăm sóc sức khỏe và nếu họ được giáo dục điều dưỡng thực hành nâng cao, họ cũng có thể cung cấp một lượng lớn dịch vụ chăm sóc đáng kinh ngạc tại các phòng khám chuyên khoa và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Vì vậy, tôi nghĩ ở mọi nơi, chúng ta nên xem xét lại lực lượng lao động y tế. Đã đến lúc phải triệt để ”, bà nói.
Theo phunuonline