Phó Tổng thư ký LHQ Amina Mohammed duyệt đội danh dự Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại Somalia
Tháng 8/2020, Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Văn phòng Các vấn đề xây dựng hòa bình và chính trị của LHQ ra báo cáo với tựa đề "Covid-19 và xung đột: Sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ tiến bộ trong tiến trình hòa bình và thúc đẩy lệnh ngừng bắn".
Trong báo cáo, các chuyên gia cho rằng tác động của cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 đối với nữ giới, đặc biệt các vùng xung đột, rất đáng quan ngại do nhiều dịch vụ thiết yếu bị hạn chế.
Không chỉ vậy, nguy cơ bị phơi nhiễm với virus SARS CoV-2 do phụ nữ phải đảm nhận công việc chăm sóc sức khỏe, tình trạng bạo lực gia đình gia tăng và hệ thống y tế yếu kém bị quá tải đã cho thấy sự bất bình đẳng giới do tác động của đại dịch gây ra. Tình trạng di dân, làn sóng tị nạn và tầng lớp phụ nữ bị gạt ra bên lề xã hội đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc thiếu thông tin đáng tin cậy và hạn chế tiếp cận các công nghệ quan trọng.
Biện pháp phong tỏa, những bất bình đẳng nam - nữ trong việc chia sẻ việc nhà, việc tập trung thời gian chăm lo cho con cái đã gây tác hại tới sự nghiệp của người phụ nữ. Tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ cũng tăng cao hơn so với nam giới. Bà Laurence Gillois - Phó giám đốc Cơ quan LHQ bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) về phụ nữ - cho biết, theo những số liệu mới nhất, Covid-19 đã làm mất 300 triệu việc làm trên thế giới hiện nay. Tại nhiều nước, người ta bắt đầu thấy việc sa thải lao động liên quan đến phụ nữ nhiều hơn là nam giới. Đơn giản là vì những lĩnh vực bị tác động nhiều nhất như bán hàng, khách sạn, du lịch có phụ nữ tham gia là chủ yếu.
Riêng tại khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone, số liệu từ Eurostat, cơ quan thống kê của EU, cho thấy ngay từ tháng 5/2020, dịch Covid-19 đã có những tác động về kinh tế đối với phụ nữ. Tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ từ 7,7% hồi tháng 4 đã tăng lên thành 7,9%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở nam giới vẫn giữ ổn định ở mức 7%. Trong khi đó, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva cảnh báo, đại dịch Covid-19 có thể sẽ cuốn đi những thành quả trong việc giảm bất bình đẳng kinh tế giữa nam và nữ mà thế giới đã đạt được trong suốt 3 thập kỷ qua.
Ngay cả những người phụ nữ làm lãnh đạo doanh nghiệp cũng không tránh được khó khăn. Theo kết quả một cuộc khảo sát mới đây với 600 chủ doanh nghiệp là nữ ở nhiều nơi trên thế giới, 90% trong số họ cho biết đã gặp những thất bại, sa sút nghiêm trọng trong giai đoạn này do khủng hoảng. Gần 40% sợ không còn đủ khả năng trả lương cho nhân viên.
Nữ y tá, bác sĩ đi đầu trong chống dịch Covid-19
Tham gia giải quyết các thách thức toàn cầu
Các chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia có ý nghĩa, bình đẳng và đầy đủ của phụ nữ đối với công cuộc ứng phó với dịch Covid-19 và các tiến trình hòa bình trên thế giới. Báo cáo này đồng thời đưa ra phân tích sơ bộ về tác động của Covid-19 đối với sự tham gia của phụ nữ trong tiến trình hòa bình và duy trì lệnh ngừng bắn.
Trước đó, giới chức LHQ đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò của nữ giới trong cuộc chiến chống Covid-19. Hồi tháng 7, Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Tijjani Muhammad-Bande đã cảnh báo đại dịch Covid-19 đang đe dọa những thành quả đạt được trong vấn đề bình đẳng giới và điều này có thể được xem là bước thụt lùi nếu các nước trên thế giới không có hành động thúc đẩy kịp thời.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, phụ nữ đã luôn ở tuyến đầu trong việc ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả, từ việc vận chuyển hàng hóa tới những tuyến đầu trong phòng chống dịch bệnh cho đến việc đưa ra quyết định các vấn đề quan trọng. Ông Guterres cho biết, các ưu tiên năm 2020 của LHQ đã nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong tham gia, giải quyết các thách thức toàn cầu, bao gồm chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Hiện chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh được đề cập trong 10 nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Phụ nữ chiếm 35% vị trí cấp trưởng và 48% vị trí cấp phó tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình và Phái bộ chính trị đặc biệt của LHQ (năm 2017 là 26% và 35%). Lần đầu tiên, LHQ bổ nhiệm nữ Tổng chỉ huy các Phái bộ hòa bình LHQ và Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang.
Ngoài ra, đã có 81 quốc gia và vùng lãnh thổ xây dựng và thông qua Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Tỷ lệ phụ nữ trên thế giới giữ chức vụ cấp bộ trưởng là 20,7%, so với 18,3% tại các quốc gia xung đột và hậu xung đột; 24,3% số ghế trong quốc hội các nước do phụ nữ nắm giữ. Tại các quốc gia xung đột và hậu xung đột, tỷ lệ này là 19%.
Nhu Thụy (tổng hợp)