Covid-19 khiến tỷ lệ sinh dự kiến giảm 10% ở Nhật Bản và Mỹ
Năm 2019, Nhật Bản đã chứng kiến việc giảm sút dân số năm thứ 11 liên tiếp và theo tiến sĩ Hideo Kumano của Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life, số ca sinh của quốc gia này vào năm 2021 dự kiến sẽ giảm khoảng 10%. Có 860.000 ca sinh hồi năm ngoái, lần đầu tiên giảm xuống mức dưới 900.000 ca sinh kể từ khi việc theo dõi số liệu được bắt đầu.
Đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nền kinh tế châu Á vốn đã phải đối mặt với những thay đổi đáng kể về nhân khẩu học, đại dịch Covid-19 gây thêm trở ngại mới cho nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách trong việc khuyến khích xây dựng gia đình.
Ông Kumano nhận xét: "Những hạn chế về kinh tế như mất việc làm ở những người lao động không thường xuyên sẽ dẫn đến việc gia tăng số lượng những người trẻ tuổi tránh kết hôn và sinh con trong thời gian tới".
Theo số liệu từ Bộ Y tế Nhật Bản, quốc gia này đã ghi nhận 32.544 cặp kết hôn trong tháng 5/2020. Con số này giảm khoảng 65% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm khoảng 30% so với tháng 5/2018.
Trong khi đó ở Hàn Quốc, số cặp kết hôn vào tháng 4/2020 cũng sụt giảm 20%, so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ lệ sinh của Nhật Bản đã giảm xuống mức báo động trong suốt 12 năm qua và ở mức 1,36 (số lần sinh trên mỗi phụ nữ) vào năm 2019. Một quan chức cấp cao của Bộ Y tế Nhật Bản cảnh báo, con số này có thể sẽ tiếp tục giảm nữa trong năm nay và năm 2021.
Người Nhật Bản ngày càng ngại sinh con. Ảnh: CNN
Điều đáng nói là sự sụt giảm như vậy không chỉ giới hạn ở khu vực châu Á. Theo một nghiên cứu do Viện Brookings, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại thủ đô Washington, Mỹ, so với năm 2020, số trẻ em được sinh ra ở quốc gia này có thể giảm từ 300.000 đến 500.000 trẻ vào năm tới. Con số này sẽ làm giảm khoảng 10% số ca sinh trung bình hằng năm ở mức 3,7 triệu ca sinh của quốc gia này.
Theo đánh giá của Viện Brookings, một cuộc suy thoái sâu hơn và kéo dài hơn sẽ đồng nghĩa rằng, thu nhập trong cuộc sống của rất nhiều người sẽ thấp đi. Điều này cũng dẫn đến một số lượng lớn phụ nữ sẽ không chỉ trì hoãn việc sinh con mà sẽ còn quyết định sinh ít con hơn.
Lịch sử đã chỉ ra rằng, số lượng ca sinh luôn giảm trong các cuộc khủng hoảng kinh tế. Theo Viện Brookings, suy thoái kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là một nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm khoảng 400.000 ca sinh ở Mỹ ngay sau đó.
Những người trẻ tuổi bị ảnh hưởng nặng nề trong bối cảnh sự lo lắng về việc làm và thu nhập lan rộng khắp thế giới do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo một cuộc khảo sát trực tuyến gần đây do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện, 17,1% trong số những người từ 18 đến 29 tuổi trên khắp thế giới được hỏi, cho biết họ đã không làm việc kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Ngay cả những người đang làm việc cũng đã tiết lộ, số giờ làm việc của họ giảm 23%, dẫn đến thu nhập cũng ít đi.
Trong một bài phát biểu gần đây với báo chí, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chia sẻ: "Những ảnh hưởng của đại dịch sẽ được cảm nhận rất rõ ràng trong nhiều thập kỷ tới chứ không chỉ ngày một ngày hai. Càng mất nhiều thời gian để kiểm soát đại dịch bằng việc phát triển một loại vaccine thì các hoạt động kinh tế càng bị ảnh hưởng lâu hơn".
Ở các quốc gia đang phát triển, có những lo ngại rằng, sự căng thẳng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ ảnh hưởng đến những nhóm dân cư dễ bị tổn thương.
Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cũng cảnh báo, số ca tử vong ở những trẻ em dưới 5 tuổi do các căn bệnh có thể phòng ngừa sẽ tăng thêm 1,2 triệu trong 6 tháng tới, khi những biện pháp để đối phó với đại dịch Covid-19 tiêu tốn nguồn lực y tế.
Một nghiên cứu của trường Đại học Washington, Mỹ đã dự đoán rằng, dân số thế giới sẽ đạt đỉnh 9,7 tỷ người vào những năm 2060 và sau đó giảm xuống khoảng 8,8 tỷ người vào cuối thế kỷ này. Đại dịch Covid-19 có thể đẩy nhanh quá trình suy giảm dân số này.
Theo trường Đại học Washington, dân số thế giới sẽ giảm mạnh vào cuối thế kỷ này. Ảnh: CNN
Mặc dù dân số ít hơn sẽ làm giảm việc sử dụng tài nguyên và giảm bớt gánh nặng cho môi trường, nhưng điều này lại dẫn đến nhu cầu yếu hơn và hạn chế nguồn cung lao động. Quá trình đổi mới công nghệ sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tiềm năng.
N.A (Nguồn: Nikkei)