Biểu đồ tác động của các đại dịch đến bất bình đẳng (Nguồn: Vox)
Theo Economist, GDP thực tính theo đầu người ở Mỹ đã co lại khoảng 4% trong năm 2020, hơn khoảng nửa điểm phần trăm so với mức trung bình của các thị trường mới nổi, tính theo sức mua tương đương. Tuy nhiên, các dự báo mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, tăng trưởng của Mỹ sẽ vượt xa tốc độ tăng trưởng ở thế giới mới nổi trong năm nay.
Do đại dịch vẫn đang càn quét ở những nước như Brazil và Ấn Độ, tốc độ tăng trưởng của các quốc gia nghèo có thể sẽ còn tụt lùi hơn nữa. Đáng lo ngại hơn, đại dịch có nguy cơ định hình lại nền kinh tế toàn cầu theo cách khiến cho nỗ lực tiếp tục hướng tới thu nhập của thế giới giàu ngày càng xa vời. Và các triển vọng tồi tệ hơn của các nước nghèo sẽ càng gây thêm khó khăn cho việc quản lý các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Các nhà kinh tế từng đánh giá, những nền kinh tế nghèo hơn đương nhiên sẽ bắt kịp thu nhập của các nền kinh tế giàu hơn, có thể thấy qua những gì đã diễn ra ở châu Âu trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi những nước đi sau về công nghiệp đuổi kịp, thậm chí vượt qua Anh. Những quốc gia lạc hậu có thể vay mượn bí quyết mới nhất từ những nước dẫn đầu, hứa hẹn mang lại lợi nhuận kếch xù cho các nhà đầu tư.
Vào những năm 1950, hai nhà kinh tế học Robert Solow và Trevor Swan đã phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế, trong đó lợi tức cao hơn ở các nước nghèo so với các nước giàu đã thu hút nhiều đầu tư hơn, tạo ra tốc độ tăng trưởng nhanh hơn.
Các nước nghèo hơn bắt đầu phát triển nhanh hơn các nước giàu một cách ngoạn mục. Theo một nghiên cứu mới của các nhà kinh tế học Michael Kremer thuộc Đại học Chicago, Jack Willis thuộc Đại học Columbia và Yang You thuộc Đại học Hong Kong, trong khoảng thời gian từ 1985 đến 1995, thu nhập tính theo đầu người ở thế giới mới nổi chỉ kém các nước giàu ở mức 0,5% mỗi năm. Từ năm 2005 đến 2015, thu nhập đồng quy ở tỷ lệ 0,7% mỗi năm.
Tốc độ tăng trưởng chậm hơn ở thế giới giàu đã trợ giúp sự dịch chuyển này. Tuy nhiên quan trọng hơn vẫn là đà tăng trưởng trên diện rộng ở các nước nghèo.
Tổn thất kinh tế toàn cầu do Covid-19 gây ra. Biểu đồ của World Bank tháng 1/2021.
Nghiên cứu gần đây của các nhà kinh tế học Dev Patel thuộc Đại học Harvard, Justin Sandefur và Arvind Subramanian thuộc Trung tâm Phát triển Toàn cầu cho thấy, trải qua thời kỳ suy thoái nặng nề, tỷ trọng các nền kinh tế đang phát triển đã giảm bớt đáng kể. Sự thay đổi này để lại nhiều hậu quả to lớn trong các lĩnh vực, từ nghèo đói toàn cầu đến địa chính trị.
Trước đại dịch, thế giới đã chứng kiến những xu hướng khó hiểu. Các nước thu nhập thấp phát triển nhanh hơn các nước có thu nhập cao 1,5% điểm phần trăm mỗi năm trong thập niên 2000, nhưng khoảng cách này đã rút xuống chỉ còn 0,65 điểm phần trăm trong những năm 2010.
Trong khi thu nhập ở các nền kinh tế mới nổi châu Á và châu Âu tiếp tục tăng so với các nền kinh tế châu Mỹ, thì Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Phi cận Sahara trở nên ngày càng tụt lùi từ khoảng năm 2013. Sự sụt giảm sản lượng thực tế tính theo đầu người trong năm 2020 đã xóa sổ thành quả tăng thu nhập quý giá trong một thập niên ở những khu vực tụt hậu đó.
Dù dịch bệnh bùng phát khiến cho tình hình thêm phức tạp, một số nước vẫn có thể nhanh chóng phục hồi thiệt hại. Chính trong thời kỳ Covid-19, một loạt dịch vụ chuyển sang hình thức trực tuyến đã tạo ra nhiều cơ hội cho thương mại. Các nước đang phát triển trở nên linh hoạt hơn về mặt kinh tế.
Qua khảo sát 32 chỉ số về chất lượng quản trị, chính sách kinh tế vĩ mô và phát triển tài chính, các nhà kinh tế nhận thấy, hiệu suất ở các nước nghèo được cải thiện nhiều hơn so với các nước giàu trong khoảng thời gian từ năm 1985 đến năm 2015. Và khi trở nên giống các nước giàu hơn, những quốc gia nghèo dễ dàng duy trì tăng trưởng ổn định hơn so với trước đây.
Tuy nhiên, nhiều yếu tố khác thúc đẩy tăng trưởng trong những năm 2000 và 2010 - chẳng hạn như sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc và bùng nổ thương mại liên quan sự mở rộng của các chuỗi cung ứng toàn cầu - không dễ lặp lại.
Nghèo đói toàn cầu tăng mạnh lần đầu tiên trong 20 năm. Khoảng 120 triệu người bị đẩy vào đói nghèo cùng cực. Biểu đồ của World Bank tháng 1/2021.
Các nước giàu lo lắng về chuỗi cung ứng - vốn đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của tình trạng gián đoạn hậu cần - có thể khiến thương mại sụt giảm. Đáng ngại nhất có lẽ là, đại dịch Covid-19 có nguy cơ thổi bùng bất ổn chính trị và xã hội, đặc biệt là ở các khu vực tụt hậu, làm xói mòn nền tảng tăng trưởng ổn định.
Các nước nghèo khó có thể chịu được những thất bại như vậy. Ngay cả với tốc độ bắt kịp trong hai thập niên qua, các nền kinh tế đang phát triển trung bình cũng sẽ mất khoảng 170 năm mới có thể thu hẹp được một nửa khoảng cách thu nhập.
Tăng trưởng nhanh chóng hồi đầu thế kỷ này đã khuyến khích chính phủ các nước giàu coi thế giới đang phát triển là thị trường béo bở hoặc đối thủ chiến lược. Tuy nhiên, các nước nghèo vẫn dễ bị tổn thương và mỗi lần khủng hoảng xảy ra, việc đạt được mức tăng trưởng ổn định càng trở nên khó khăn hơn.
Do đó. chính sách của thế giới giàu về các vấn đề từ thương mại đến viện trợ cần phải tính đến điều này.
Theo premium.vietnamnet