Sau một năm bị Covid-19 tàn phá nặng nề, nền kinh tế Mỹ được cho là đang trên đà bùng nổ mạnh mẽ như thời kỳ hoàng kim những năm 1920. Kinh tế Trung Quốc quý I năm nay đạt mức tăng kỷ trưởng kỷ lục 18,3% và nền kinh tế Anh đang bứt tốc nhanh chưa từng thấy kể từ sau Thế chiến II.
Tuy nhiên, tại những quốc gia đang phát triển, nơi người dân đa phần vẫn chưa được tiêm vaccine Covid-19 và chính phủ không đủ khả năng thực hiện các biện pháp kích thích, nền kinh tế đang tiếp tục tụt sâu thêm.
Tầng lớp trung lưu tại các quốc gia đang phát triển, một động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế, chính trị, giáo dục, đang co lại nhanh chóng, nhưng tại Trung Quốc hay Mỹ, số lượng lại không thay đổi, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew.
Người đàn ông bán túi nilon và diêm tại một chợ ở khu dân cư nghèo Virgen de Candelaria thuộc thủ đô Lima, Peru. Ảnh: WSJ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo các nền kinh tế đang phát triển có nguy cơ sẽ phải chật vật trong nhiều năm nữa.
Covid-19 "đã trở thành virus bất bình đẳng", Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc (UN) Amina Mohammed nói. "Thế giới chia tách mà chúng ta đang hướng tới sẽ là một thảm họa".
Sau 15 năm tăng trưởng nhờ xuất khẩu hàng hóa, giúp hàng triệu người thoát nghèo, nền kinh tế Mỹ Latin năm ngoái sụt giảm 7,4%, mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1821, khi khu vực này chìm trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB) hồi tháng ba cho biết trong báo cáo thường niên của tổ chức.
Hơn 100 triệu trẻ em ở châu Mỹ Latin, tương đương hơn 1/2 tổng số trẻ, đang không được đến trường và rất nhiều em sẽ không có khả năng quay trở lại, làm dấy lên lo ngại về một thế hệ tương lai mất đi lợi ích giáo dục.
Tại Trung và Tây Phi, ngoài Covid-19, chính phủ các nước còn phải vật lộn kiềm chế sự bùng phát trở lại của những bệnh truyền nhiễm như sởi và sốt rét, hai căn bệnh đã khiến hàng nghìn trẻ em thiệt mạng trong vài tháng gần đây.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính khoảng 150 triệu người sẽ bị đẩy vào cảnh nghèo khó cùng cực do hậu quả của cuộc khủng hoảng Covid-19. Đại dịch đã khiến 34 triệu người chịu cảnh đói ăn, theo Chương trình Lương thực Thế giới, tăng kỷ lục 35% trong vòng một năm. Làn sóng giận dữ vì giá thực phẩm tăng cao đang bắt đầu chuyển thành các cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố từ Colombia đến Sudan.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ đang khiến tâm lý hoang mang bao trùm tại nhiều khu vực chưa được tiêm chủng. Họ lo sợ cũng sẽ bị đại dịch nhấn chìm. Từ Nepal và Iran tới Peru hay Argentina, hệ thống y tế đang bên ngưỡng quá tải khi bệnh nhân ồ ạt tràn tới nhưng bệnh viện lại thiếu giường và oxy trầm trọng. Các lò hỏa táng đang làm việc hết công suất và những biến thể virus mới liên tục xuất hiện nhanh hơn tốc độ nghiên cứu của các phòng thí nghiệm.
Năm nay đã chứng kiến hơn 1,5 triệu ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu trong bối cảnh virus đang lan nhanh ở châu Mỹ Latin cùng một số khu vực của châu Á. Số ca tử vong được cho là sẽ vượt qua mức 1,8 triệu của năm 2020 chỉ sau vài tuần nữa.
Những tháng gần đây, số liệu thống kê đang đảo ngược. Châu Âu và Bắc Mỹ từng chiếm 73% số ca tử vong toàn cầu vào đầu năm, sau đợt tăng đột biến mùa đông, nhưng hiện tại, châu Mỹ Latin, châu Á và châu Phi chiếm 72% số ca tử vong vì Covid-19 trên thế giới.
"Đây là lời cảnh tỉnh cho lục địa của chúng ta và phần còn lại của địa cầu, những nơi khả năng tiếp cận vaccine còn kém", John Nkengasong, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh châu Phi, nói. Đến nay, mới chỉ 0,4% trong 1,5 tỷ dân châu Phi được tiêm vaccine.
Theo ngân hàng đầu tư UBS, khoảng cách tiêm chủng giữa nước giàu và nước nghèo đang ở mức nghiêm trọng nhất kể từ thời điểm các chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 được triển khai hồi cuối năm ngoái. Tỷ lệ tiêm chủng của châu Âu và Bắc Mỹ hiện dao động từ 30% đến 50%.
Nhiều nền kinh tế đang phát triển đặc biệt chịu phụ thuộc vào doanh thu cũng như việc làm từ những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như du lịch.
Phần lớn các nước đang phát triển bước vào đại dịch với những khoản nợ nước ngoài tăng mạnh. Lãi suất cho vay qua đêm tại các nền kinh tế phát triển thường ở mức 0 hoặc âm nhưng lại đạt mức trung bình trên 4% ở những nền kinh tế đang phát triển. Lãi suất cho vay dài hạn cần cho các khoản đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng như cơ sở hạ tầng hay giáo dục, còn cao hơn nhiều. Một số quốc gia như Zambia, Argentina hay Lebanon đã vỡ nợ.
Những nhà hoạch định chính sách cảnh báo gánh nặng nợ nần có thể buộc các chính phủ chuyển sang chế độ thắt lưng buộc bụng, qua đó đà phục hồi càng bị cản trở. Giá lương thực tăng vọt ở những nước đang phát triển khiến các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm giảm lạm phát.
"Thiệt hại là rõ ràng nhưng đang bị đánh giá thấp", Kenneth Rogoff, chuyên gia kinh tế tại Đại học Harvard, nhận định.
Trong hơn một thập kỷ qua, Andrew Nsamba đã dồn sức lực mở rộng ngôi trường do anh làm chủ ở ngoại ô thủ đô Kampala của Uganda. Trường Tư thục Najjera từng phát triển rất nhanh, có lúc nhận tới hơn 1.000 học sinh.
Trường tư thục Najjera ở ngoại ô thủ đô Kampala của Uganda phải đóng cửa vì Covid-19. Ảnh: WSJ.
Nhưng giờ đây, trường của Nsamba phải đóng cửa do doanh thu bị sụt giảm đáng kể vì Covid-19 và nó cũng không thể mở cửa trở lại vì nhiều bậc phụ huynh đều đã mất việc làm. 70 nhân viên tại trường đang phải vất vả tìm việc và Nsamba thì đau đầu với các khoản nợ ngân hàng.
"Covid-19 không chỉ giết chết ngôi trường của tôi mà còn phá hủy cơ sở hạ tầng kinh tế của cả một cộng đồng", anh nói. "Hậu quả của nó có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi".
Tăng trưởng của châu Mỹ Latin năm nay được dự đoán rơi vào khoảng 4,1%, thấp hơn đáng kể so với các quốc gia phát triển, theo IDB.
"Năm 2019, khu vực bay với một động cơ hỏng. Năm 2020, động cơ còn lại cũng hỏng nốt", Eric Parrado, chuyên gia kinh tế từ IDP, viết trong báo cáo hồi tháng ba. "Chúng ta sẽ thoát khỏi cuộc khủng hoảng này nhưng ở trong tình trạng nghèo hơn, nợ nần nhiều hơn và các nền kinh tế sẽ trông rất khác về cơ cấu sản xuất".
Các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đã khiến trẻ em ở châu Mỹ Latin phải nghỉ học nhiều ngày hơn so với những nơi khác trên toàn cầu, theo UN. Từ tháng 3/2020, trường học ở đây đã đóng cửa từ 40 đến 50 tuần, so với trung bình 26 tuần của thế giới.
Mới chỉ 6 trường học tại khu vực có thể mở cửa trở lại hoàn toàn, khiến 124 triệu trẻ em không thể tham gia những giờ học trực tiếp với giáo viên. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) gọi tình cảnh này là một "thảm họa thế hệ".
Với những phụ huynh ở khu dân cư nghèo Virgen de la Candelaria thuộc thủ đô Lima, Peru, không có trường học đồng nghĩa cơ hội thoát nghèo của trẻ em cũng không còn.
Học trực tuyến không phải lúc nào cũng khả thi ở các nước đang phát triển, nơi mạng không dây vẫn chập chờn và người nghèo không đủ tiền chi trả cho dịch vụ Internet.
Miriam Salcero, bà mẹ một con 27 tuổi, cho biết con gái cô, Brianna, 8 tuổi, gặp không ít khó khăn khi tiếp nhận các bài giảng mà cô giáo gửi bằng tin nhắn thoại trên ứng dụng WhatsApp. Cô bé chỉ có thể nghe đầy đủ nếu gia đình đủ khả năng mua dữ liệu.
Brianna cũng dễ bị xao nhãng khi học tại nhà, Salcero cho hay. "Tôi thực sự lo lắng. Tình hình này phải chấm dứt để lũ trẻ đến trường", cô nói.
Miriam Salcero và con gái Brianna ở Virgen de la Candelaria. Ảnh: WSJ.
Ở những quốc gia nghèo khó hơn, hơn 800 triệu học sinh thậm chí không có cả máy tính, theo Liên Hợp Quốc.
Chương trình Lương thực Thế giới cảnh báo Covid-19 "đang khiến nạn đói lan rộng với tốc độ đáng lo ngại". Theo cơ quan này, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng có nguy cơ gây ra nạn đói cho Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, lần đầu tiên sau nửa thế kỷ.
Tại Madagascar, nơi những năm gần đây liên tiếp hứng chịu tình cảnh hạn hán khiến vụ mùa thất thu, Covid-19 càng khiến tình hình trở nên nghiêm trọng. Hàng trăm nghìn người đang bị đói, phải ăn lau sậy và cỏ cây để sinh tồn.
Ở Venezuela, tình trạng mất an ninh lương thực cũng đang gia tăng. Tại Brazil, 19 triệu người đang thiếu ăn, gần gấp đôi so với năm 2018. Giá thực phẩm toàn cầu đang tăng nhanh hơn mức lạm phát chung.
Tại Cali, các cuộc biểu tình chống đói nghèo và tình cảnh khó khăn do đại dịch đang khiến thành phố lớn thứ ba Colombia này bị tê liệt, làm gián đoạn nguồn cung thực phẩm, khiến các doanh nghiệp rơi vào cảnh khốn cùng. Nó cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với giới lãnh đạo chính trị rằng những tổn thương mà đại dịch gây ra có thể thổi bùng lên những cuộc khủng hoảng rất khó kiểm soát.
"Người dân thấy không được tôn trọng, vậy nên biểu tình là cách duy nhất họ có thể làm", Richard Cardona nói khi xếp hàng chờ đổ xăng ở Cali.
Theo vnexpress