Bài viết là quan điểm của nhà văn có nickname Shusanyoulu, người Quảng Đông, Trung Quốc, trên trang Aboluowang.

Cách đây một thời gian, anh Zhang, họ hàng của tôi, bị tai nạn xe hơi. Khi người vợ đến bệnh viện, anh đã bất tỉnh và được đưa vào phòng mổ. Bác sĩ nói tình trạng rất nghiêm trọng, yêu cầu người vợ ký tên, nhanh chóng lo viện phí. Nghĩ cảnh nhà không có tiền tiết kiệm, người vợ gọi điện cho bố mẹ đẻ nhờ giúp đỡ. Họ đến, mang theo 5.000 tệ (17 triệu đồng). "Em trai con vừa kết hôn năm nay, tiêu rất nhiều tiền. Năm nghìn tệ này đã là giới hạn của chúng ta rồi", cha mẹ chị nói.

Lúc sau, người em chồng đến, hỏi thăm qua loa rồi nói: "Chị dâu, nhà chúng ta không có nhiều tiền, nếu anh trai chữa được thì chị chữa. Không chữa được thì bỏ đi, nhiều khi phải nhìn tiền trong túi mà hành sự". Nghe xong, huyết áp người vợ tăng vọt và ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, chị đã nằm trên giường bệnh. Bác sĩ nói chị không nên quá kích động vì tiền sử huyết áp cao. May lần này đang ở viện, cấp cứu kịp thời.

Chị Zhang nhìn bố mẹ đã ngoài 70 tuổi vẫn chầu chực ngoài hành lang viện, trái ngược đó là cảnh anh em trong họ nhà chồng ngồi xem điện thoại, nước mắt chị ứa ra, ấm ức. Chồng chị chưa biết sống chết, còn mình suýt bị đột quỵ.

Bố mẹ chị nói: "Sao con không gọi A Jie về?". Chị lưỡng lự vì con trai mới tìm được việc làm, giờ về đột ngột e rằng sau này kiếm lại việc sẽ khó. Tuy nhiên cũng không còn cách nào khác. Ngay khi nghe tin cha gặp nạn, đứa trẻ trở về.

Cậu thay mẹ gõ cửa từng nhà họ hàng để vay, nhưng ai cũng bảo không có. Kỳ thực họ có tiền nhưng sợ gia đình Zhang không trả nổi. Sau cùng, mẹ con chị quyết định bán mảnh ruộng ông nội để lại. Gia đình họ thoát khỏi cơn khủng hoảng.

Trải qua biến cố, người phụ nữ tứ tuần đã nhìn thấu cả thế gian. Hóa ra giàu nghèo, nhiệt tình và lãnh đạm chỉ cách nhau một chiếc giường bệnh.

                    Tiền tài là chìa khóa đảm bảo cho tuổi già của bạn. Ảnh: USAtoday.

Sống ở đời con người phải trải qua rất nhiều khổ nạn, không phải chuyện nào cũng theo ý chúng ta. Cái gọi là tình thân vẫn nên có nhưng không nên kỳ vọng nhiều. Như trường hợp của chị, tình thân còn "sắc lạnh hơn cả dao". Những chuyện như vậy chỉ là hình ảnh thu nhỏ của xã hội, nhưng nó đã dạy chúng ta rằng, sống ở đời không thể mong đợi quá nhiều ở người khác.

Nhiều thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta và lòng người cũng nằm ngoài khả năng suy đoán của chúng ta. Những gì chúng ta có thể làm là tự lo cho cuộc sống của mình, đừng luôn coi "lòng người là chỗ dựa" trong thời kỳ khủng hoảng.

Câu chuyện cũng dạy chúng ta phải tiết kiệm nhiều hơn khi còn trẻ. Tiền bạc là một yếu tố quan trọng trong mối quan hệ giữa con người với nhau, cũng như sự tự tin của chính một người. Gia đình chị Zhang phải bán mảnh đất mới qua cơn nguy kịch. Vì sao họ hàng không có tiền để cho vay, nhưng lại có tiền để mua lại mảnh đất? Đó chính là mặt trái mà "tiền tài" đem lại. Khi còn trẻ, nỗ lực kiếm tiền, nhưng cũng đừng quên tiết kiệm. Bởi lẽ tiền tích được như cái bàn ủi, có thể là phẳng mọi gập ghềnh trong đời bạn.

Năm nay, câu nói được nhiều người nói nhất là "Không ai biết là ngày mai và bất trắc, cái nào đến trước". Câu này rất thực tế nhưng cũng thật tàn nhẫn. Giữa người giàu và người nghèo, chỉ cách nhau một chiếc giường bệnh. Nhưng nếu đảm bảo được sức khỏe, bạn sẽ hiểu tiền tài đáng giá nhưng hạnh phúc còn đáng giá hơn. Đây là sự thật của cuộc sống, bởi vì "an lạc" của bạn chính là tiền của bạn.

Tất cả chúng sinh đều đang đau khổ và chỉ có thể tự mình trải qua. Nếu bạn không vượt qua chính mình, không ai giúp bạn được. Suy cho cùng, một người chỉ có thể sống dựa vào chính mình chứ không phải dựa vào người khác. Vì dựa vào cây thì đổ, dựa vào nước thì nước chảy. Chỉ có đứng trên đôi chân của mình mới vững chắc nhất.

Theo vnexpress