Số liệu trong năm 2023, xuất hiện trong báo cáo mới của UN Women và Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC), đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm Ngày quốc tế Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11).
|
Một người mẹ ở Mexico lưu giữ bức chân dung của đứa con gái bị giết hại... (Nguồn: UN Women) |
Trong thông điệp nhân Ngày quốc tế Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhấn mạnh: “Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang làm xấu hổ nhân loại” và “Thế giới phải lắng nghe lời kêu gọi này. Chúng ta cần hành động khẩn cấp vì công lý và trách nhiệm giải trình, cũng như hỗ trợ cho hoạt động vận động”.
Tính theo khu vực địa lý, châu Phi ghi nhận tỷ lệ phụ nữ bị giết hại ở mức cao nhất (với 21.700 trường hợp), tiếp theo là châu Mỹ và sau đó là châu Đại Dương. Ở châu Âu và châu Mỹ, hầu hết trường hợp phụ nữ thiệt mạng do bạn trai giết hại, lần lượt với tỷ lệ là 64% và 58%, trong khi ở những khu vực khác, người thân trong gia đình là thủ phạm chính.
|
Phụ nữ tuần hành tại Thành phố Mexico để phản đối nạn giết hại phụ nữ. (Nguồn: UN Women) |
Báo cáo được công bố trong bối cảnh thế giới đang tiến tới kỷ niệm 30 năm Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh vào năm 2025, cùng với thời hạn 5 năm đang đến gần để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), đặc biệt là Mục tiêu 5 về bình đẳng giới. Đây là chương trình nghị sự toàn cầu về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Nhân dịp này, Liên hợp quốc phát động chiến dịch UNiTE (tạm dịch là “Đoàn kết”), kéo dài 16 ngày, từ ngày 25/11-10/12. Năm nay, chiến dịch UNiTE cảnh báo tình trạng đáng báo động của bạo lực đối với phụ nữ theo chủ đề “Cứ 10 phút, một phụ nữ bị giết mà không có lý do. Tham gia UNiTE để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ”. Thông qua chiến dịch, UN Women kêu gọi khôi phục các cam kết, kêu gọi trách nhiệm giải trình và hành động từ các nhà hoạch định chính sách.
Giám đốc điều hành của UN Women, bà Sima Bahous khẳng định: "Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái không phải là điều không thể tránh khỏi, mà có thể ngăn ngừa được".
|
Giám đốc điều hành của UN Women Sima Bahous. (Nguồn: Reuters) |
Bà Sima Bahous nhấn mạnh sự cần thiết áp dụng những khuôn khổ luật pháp mạnh mẽ hơn, cải thiện việc thu thập dữ liệu, tăng cường trách nhiệm giải trình của chính phủ, cùng nhau hành động để tạo ra một nền văn hóa không khoan nhượng với bạo lực giới và tăng nguồn tài trợ cho các tổ chức và cơ quan hoạt động nhằm bảo vệ quyền của phụ nữ.
Theo người đứng đầu UN Women, đã đến lúc các nhà lãnh đạo thế giới cần đoàn kết và khẩn trương hành động, tái cam kết và tập trung các nguồn lực cần thiết để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ.
Bà Ghada Waly, Giám đốc điều hành của UNODC cho rằng, báo cáo trên “nêu bật nhu cầu cấp thiết có các chế tài đủ mạnh để buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm, đồng thời đảm bảo hỗ trợ đầy đủ cho những nạn nhân sống sót, bao gồm quyền tiếp cận các cơ chế báo cáo an toàn và minh bạch”.
Giám đốc điều hành của UNODC cũng kêu gọi xóa bỏ các định kiến giới và các chuẩn mực xã hội là gốc rễ làm gia tăng tình trạng bạo lực đối với phụ nữ.
Chiến dịch UNiTE năm nay đã bắt đầu, "chúng ta phải hành động ngay để bảo vệ mạng sống của phụ nữ”, bà Bahous khẳng định.
Trong Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ do Đại hội đồng Liên hợp quốc ban hành năm 1993, bạo lực đối với phụ nữ được định nghĩa là bất kỳ hành vi bạo lực giới nào gây ra hoặc có khả năng gây ra tổn hại hoặc đau khổ về thể chất, tình dục hoặc tâm lý đối với phụ nữ, bao gồm cả các mối đe dọa về các hành vi đó, cưỡng ép hoặc tước đoạt quyền tự do, cho dù ở nơi công cộng hay trong cuộc sống riêng tư. |
Theo baoquocte