Alviano Dava Raharjo (8 tuổi) biết rằng bố mẹ nhập viện lần lượt ở huyện Kutai và huyện Kalimantan (Indonesia), nhưng cậu bé thắc mắc vì sao họ vẫn chưa về nhà.
“Thằng bé hỏi tôi rằng ‘Ông ơi, vì sao mẹ vẫn chưa về nhà?’”, Yatin, ông ngoại của Alviano, kể lại với The Straits Times.
Khi ấy, cậu bé vẫn chưa hay biết mẹ của mình, Lina Safitri (32 tuổi), người đang mang thai 5 tháng, đã qua đời vì Covid-19. Kino Raharjo (32 tuổi), bố của cậu bé, một người bán thịt viên dạo, cũng ra đi ngay hôm sau và được chôn cất gần vợ.
Cậu bé Alviano mất cả bố và mẹ trong đại dịch. Ảnh: Yatin.
Hiện Alviano được chăm sóc bởi ông ngoại và những người thân khác trong gia đình ở Sragen (tỉnh Java). Cậu bé vẫn chưa nguôi ngoai về cái chết đột ngột của bố mẹ mình.
“Cháu tôi đã nói tới 2 lần rằng ‘Ông ơi, con vẫn chưa tin được bố mẹ mất rồi’”, ông chia sẻ.
Số lượng trẻ em mồ côi do Covid-19 như Alviano đang tăng nhanh trên toàn cầu, nhất là khi thế giới ghi nhận 4,55 triệu trường hợp tử vong trong vòng 18 tháng bùng phát dịch bệnh.
Một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí y khoa The Lancet cho biết tính từ ngày 1/3/2020-30/4/2021, hơn 1,5 triệu trẻ em trở thành mồ côi trong đại dịch.
Trong đó, ước tính khoảng 1.134.000 trẻ em mồ côi một hoặc cả hai phụ huynh; số còn lại trẻ em khác mất ông bà hoặc người chăm sóc chính trong gia đình.
Các nhà nghiên cứu giải thích rằng cách phản ứng với đại dịch của y tế công, bao gồm phong tỏa và đóng cửa trường học, cũng làm giảm nghiêm trọng khả năng can thiệp của các hệ thống và dịch vụ bảo vệ trẻ em. Việc giúp đỡ trẻ mồ côi ở những quốc gia nghèo lại càng khó khăn hơn.
“Tình trạng trẻ mồ côi và mất người chăm sóc là một đại dịch ngầm gây ra bởi số ca tử vong Covid-19”, nhóm chuyên gia nghiên cứu khẳng định.
Hàng triệu trẻ mồ côi
Nghiên cứu trên được thực hiện bởi các chuyên gia đến từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), Ngân hàng Thế giới (WB) và ĐH College London, theo AFP. Họ đã thống kê các trường hợp tử vong ở 21 quốc gia, chiếm hơn 76% tổng số trường hợp mắc Covid-19.
Nhóm nghiên cứu sử dụng các phương pháp tương tự nhằm ước tính số trẻ em mồ côi do AIDS để dự báo số lượng trẻ mồ côi do Covid-19 trên toàn cầu. Theo định nghĩa của UNICEF, trẻ mồ côi là trẻ em dưới 18 tuổi bị mất một hoặc cả hai phụ huynh do bất kỳ nguyên nhân nào.
Trẻ em Afghanistan chơi đùa bên ngoài nơi trú ẩn ở Kabul trong bối cảnh dịch bệnh lây lan đầu tháng 5/2020. Ảnh: Mohammad Ismail/Reuters.
“Cứ hai trường hợp Covid-19 tử vong trên thế giới thì có một đứa trẻ bị bỏ lại phía sau, đối mặt với cái chết của bố mẹ hoặc người chăm sóc. Đại dịch còn kéo dài, số lượng trẻ mồ côi do Covid-19 càng tăng. Chúng ta cần ưu tiên nhóm đối tượng này và hỗ trợ các em trong nhiều năm tới”, Susan Hill, chuyên gia đến từ CDC, người dẫn đầu cuộc nghiên cứu, cho biết.
Lucie Cluver, đồng tác giả nghiên cứu đến từ ĐH Oxford, nói thêm: “Chúng ta cần phản hồi nhanh chóng vì cứ 12 giây lại có một đứa trẻ mất người chăm sóc vì Covid-19”.
Tại Ấn Độ, Zeeshan Ahmed (14 tuổi), sống ở thành phố Kasaragod (bang Kerala), đã ở bệnh viện cùng với cậu ruột khi mẹ qua đời do Covid-19 vào tháng 5.
Phải mất một thời gian, cậu bé mới chấp nhận sự thật rằng mẹ mình không còn trên đời nữa. Trong khi đó, bố của Zeeshan đã bỏ gia đình cách đây 13 năm và không ai có manh mối về tung tích của ông.
“Cháu trai tôi đã đau khổ sau khi mất mẹ, nhưng đang dần chấp nhận điều đó và trở lại cuộc sống bình thường. Tôi đã chăm sóc chị gái và cháu trai trong nhiều năm. Bởi vậy, tôi sẽ tiếp tục nuôi dạy Zeeshan”, Shanvaz, cậu của Zeeshan, chia sẻ với The Hindu.
Một cặp chị em sinh đôi mất cả bố lẫn mẹ do Covid-19. Ảnh: Gagan Nayar/AFP.
Tại thành phố Thiruvananthapuram (bang Kerala), hai chị em Malini và Mrinalini, lần lượt 16 tuổi và 11 tuổi, trở thành mồ côi sau khi bố mẹ và bà lần lượt qua đời chỉ trong vài ngày cuối tháng 5. Chị cả Malini cố gắng tỏ ra mạnh mẽ, nhưng nỗi đau mất gia đình có thể nhìn thấy rõ qua sự chịu đựng của cô bé.
Giữa những bi kịch cá nhân, nhiều trẻ em đang cố gắng vượt qua đau buồn và chuẩn bị cho việc đi học, thi cử.
Anoop (18 tuổi) và em gái 16 tuổi, sống ở Ernakulam (bang Kerala), mất cả bố và mẹ chỉ trong 2 tháng. Tháng 3, mẹ của hai anh em qua đời chỉ sau 3 tuần được chẩn đoán ung thư. Tháng 4, bố của họ dương tính với nCoV. Ông không thể chống lại căn bệnh này và qua đời sau khi nhập viện một tuần. Hai anh em hiện sống cùng ông bà, theo The Hindu.
“Khi tôi chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, cha tôi vẫn còn ở bên. Hai ngày sau khi tôi kết thúc kỳ thi, ông ấy đã ra đi”, Anoop kể lại.
Hậu quả kéo dài nhiều năm
Tác động của đại dịch khiến điều kiện sống của trẻ em trên khắp thế giới trở nên tồi tệ hơn, theo tổ chức Save the Children. Nó đã đẩy lùi nhiều thập kỷ nỗ lực để bảo vệ trẻ em - nhóm người dễ bị tổn thương nhất, và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của chúng
Hệ thống y tế yếu kém và hệ thống bảo vệ trẻ em sụp đổ, nhiều gia đình rơi vào cảnh nghèo đói. Tỷ lệ suy dinh dưỡng tăng lên do gia đình mất nguồn thu nhập và kế sinh nhai.
Khu dân cư xập xệ nơi López và 3 con sinh sống. Ảnh: Miguel Arreátegui/Save the Children Perú.
3 đứa con của Nilda López nằm trong số khoảng 99.000 trẻ em ở Peru mất đi bố hoặc mẹ do đại dịch. Bản thân người mẹ López cũng chưa vượt qua được nỗi mất mát khi chồng qua đời, song vẫn phải gắng kiếm sống để nuôi cặp song sinh 12 tuổi và đứa út mới 6 tháng tuổi.
Cách đây không lâu, khi Covid-19 bắt đầu tấn công các nội tạng của López, các bác sĩ quyết định rằng cơ hội tốt nhất để cứu cả cô và thai nhi 6 tháng là đưa cô vào trạng thái hôn mê.
Khi ấy, López, ngụ ở khu định cư nằm rìa phía bắc Lima (Peru), sợ rằng cô sẽ không tỉnh dậy nữa, hoặc đứa con trong bụng sẽ không còn.
Chồng của cô đã qua đời vì dịch bệnh, và các bác sĩ dự đoán rằng López cũng sớm như vậy với tình hình bệnh lúc đó. Tuy nhiên, người mẹ đã vượt qua được cửa tử.
“Đây là phép màu của chúa. Có lẽ ngài ấy chưa muốn tôi chết vì tôi còn những đứa con cần mình. Bởi vậy, tôi sẽ cố gắng vì chúng. Những đứa trẻ thực sự cần tôi”, cô nói.
Đại dịch làm thụt lùi hàng thập kỷ nỗ lực của thế giới trong việc bảo vệ trẻ em. Ảnh: Anushree Fadnavis/Reuters.
UNICEF tin rằng có những bước mà các chính phủ và cộng đồng viện trợ quốc tế cần thực hiện ngay bây giờ để đảm bảo mọi gia đình tiếp tục được tiếp cận với bảo trợ xã hội, tư vấn và chăm sóc sức khỏe.
Các dịch vụ bảo vệ trẻ em phải được tăng cường. Trường học và một số dịch vụ khác cho trẻ em nên duy trì mở cửa và có thể truy cập được.
“Trong thời điểm Covid-19 tiếp tục tàn phá các gia đình và cộng đồng, chúng ta phải bảo vệ quyền được sống và lớn lên của mọi trẻ em trong một môi trường hỗ trợ đầy đủ sự phát triển thể chất, tâm lý, xã hội và tình cảm của chúng”, Henrietta Fore, Giám đốc điều hành của UNICEF, khẳng định.
Theo Zing