leftcenterrightdel
 Các quản lý đau đầu khi nhân viên làm việc ít hơn.
 

Khi xu hướng quiet quitting (tạm dịch: âm thầm nghỉ việc) càn quét khắp các văn phòng, nhiều công ty chật vật vì nhân sự của họ hưởng ứng một cách mù quáng.

4/10 quản lý ở Toronto (Canada) nói rằng họ tốn thêm thời gian để hoàn thành những việc dang dở của cấp dưới khi nhóm này chỉ muốn làm vừa đủ, ngắt kết nối sau giờ tan ca, theo một cuộc thăm dò gần đây do nhà tuyển dụng Robert Walters Canada thực hiện.

Hành động lạm dụng quiet quitting nhằm trốn tránh nhiệm vụ cũng khiến những đồng nghiệp còn lại bận rộn hơn và ảnh hưởng đến năng suất của tập thể, theo Yahoo News.

Maria Kordowicz, phó giáo sư về hành vi tổ chức tại Đại học Nottingham, cho biết việc gia tăng hành vi bỏ việc trong yên lặng liên quan đến sự suy giảm mức độ hài lòng với thu nhập, tổ chức.

Khi lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao, nhiều người lao động nghĩ rằng các ông chủ nên hỗ trợ họ bằng cách tăng lương hậu hĩnh. Nhưng đó chỉ là một giấc mơ viển vông.

Hầu hết doanh nghiệp không thể đáp ứng yêu cầu trên vì doanh thu sụt giảm sau đại dịch Covid-19.

Tránh các cuộc trò chuyện riêng tư, từ chối phản hồi, không chia sẻ những thông tin quan trọng là cách phản kháng của nhân sự khi không đạt được mong muốn thăng chức, tăng lương hoặc chứng kiến đồng nghiệp được thưởng nhiều hơn.

leftcenterrightdel
 Sau đại dịch, hình thức làm việc ở nhiều công ty trở nên lộn xộn. Ảnh:Forbes.
 

Điều này gây ra cuộc chiến thầm lặng trong môi trường công sở: nhân viên dừng cống hiến và các quản lý thì lặng lẽ sa thải một số người làm việc không hiệu quả.

Điều đó nghe có vẻ cực đoan nhưng đây là bức tranh thực tế đang diễn ra tại các văn phòng.

Một cuộc thăm dò gần đây của LinkedIn cho thấy phần lớn người lao động nói rằng họ đã trải qua hoặc nhìn thấy tình trạng này ở nơi làm việc.

Trong khi đó, 1/3 nhà quản lý ở xứ cờ hoa cho hay họ thực sự đã chọn cách "lặng lẽ sa thải", theo một khảo sát của Resume Builder.

Điều đó có thể khiến nhân viên mất tinh thần, suy giảm năng suất trong thời gian dài.

“Cuối cùng, bạn sẽ cảm thấy mình kém cỏi, bị cô lập và không được đánh giá cao đến mức tiến lên cấp bậc mới. Cấp trên thì không muốn lập ra con đường thăng tiến rõ ràng cho bạn và đề nghị cho thôi việc”, Bonnie Dilper, nhà tuyển dụng của công ty phần mềm công việc Zapier, cho biết.

3/4 những người ở vị trí sếp nói rằng họ sẽ đuổi những nhân viên không dốc sức vào công việc.

Cuộc chiến này có thể là hậu quả trực tiếp của hình thức làm việc tại nhà. Nó dường như đã phá vỡ điều cơ bản trong mối quan hệ giữa nhân viên và sếp là giao tiếp.

leftcenterrightdel
 Không ít nhân viên chán chường, mệt mỏi vì bối cảnh căng thẳng ở nơi làm việc. Ảnh:Entrepreneur.
 

Một số người thậm chí còn quên mất cách nói chuyện với nhau. Việc liên hệ đồng nghiệp, khách hàng trong giờ hành chính để trao đổi thông tin cũng khiến họ trở nên khó chịu.

Tình trạng này được mô tả bằng thuật ngữ “desk bombing” - hành động đột nhiên xuất hiện bên bàn làm việc, tiếp cận một người nào đó nhưng không hề báo trước.

Không ít nhà quản lý khẳng định work from home là nơi tạo ra những người âm thầm bỏ việc khi họ không thể kiểm soát cấp dưới đang làm gì.

“Giải pháp trước mắt là yêu cầu nhóm này đến văn phòng nhiều hơn. Điều đó có thể giúp giải quyết những mâu thuẫn giữa hai bên và nhân viên cũng không phải lo lắng việc bị sa thải một cách lặng lẽ”, Martin Fox, giám đốc điều hành tại Robert Walters Canada, chia sẻ.

Theo zingnews