leftcenterrightdel
 Nguồn: environmentaldefence.ca

Chính phủ Canada đang triển khai những kế hoạch đầy tham vọng nhằm giảm ô nhiễm nhựa thông qua cách tiếp cận toàn diện đối với toàn bộ vòng đời của nhựa.

Cách tiếp cận này nhằm nỗ lực dịch chuyển Canada khỏi mô hình kinh tế tuyến tính (vốn gây ra những áp lực về suy giảm tài nguyên và gia tăng chất thải), hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn - có thể giữ nhựa trong nền kinh tế, nhưng loại bỏ những tác động tiêu cực đến môi trường thông qua tỷ lệ tái sử dụng, tái sản xuất cao hơn, sản phẩm được thiết kế tốt hơn,...

Theo kế hoạch, Chính phủ Canada sẽ cấm các công ty nhập khẩu hoặc sản xuất 6 sản phẩm nhựa gồm túi nylon, hộp đựng thức ăn, ống hút, que khuấy, dao kéo và đai buộc 6 lon vào cuối năm nay.

Các sản phẩm này sẽ bị cấm bán từ cuối năm sau và cấm xuất khẩu từ cuối năm 2025.

Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada, ông Steven Guilbeault thừa nhận Canada không phải là nước đầu tiên cấm đồ nhựa, nhưng khẳng định quốc gia Bắc Mỹ này nằm trong số các nước đi đầu.

Ông Guilbeault cho rằng ngoài lệnh cấm một số sản phẩm, việc ban hành quy định để đảm bảo rằng các công ty sản xuất nhựa sử dụng ngày càng nhiều nhựa tái chế cũng là một phần của giải pháp.

Canada dự định ban hành các tiêu chuẩn để buộc các công ty sử dụng nhựa tái chế nhằm tăng khả năng tái chế.

Tại Canada, một số nhà bán lẻ đã hành động trước chính phủ. Sobeys đã loại bỏ túi nylon sử dụng một lần tại các quầy thanh toán vào năm 2020, Walmart "nối gót" vào tháng 4/2022.

Loblaws thông báo sẽ cấm túi nylon vào mùa Xuân năm 2023. Nhiều cửa hàng bán đồ ăn nhanh cũng đã thay thế ống hút nhựa bằng phiên bản giấy trong vài năm qua.

Năm 2023, Chính phủ Canada dự kiến sẽ xây dựng các quy chuẩn ghi nhãn mới liên quan đến dấu hiệu “có thể tái chế” trên sản phẩm và các quy định về ghi nhãn đối với sản phẩm nhựa có thể tự hủy.

Sau khi có quy chuẩn này, Canada sẽ đưa ra các hướng dẫn cụ thể về việc cấm nhập khẩu những sản phẩm có bao bì bằng nhựa không mang biểu tượng tái chế.

Mặc dù chưa có quy định bắt buộc về việc ghi nhãn bao bì nhựa mang biểu tượng tái chế, nhưng hiện nay các doanh nghiệp thực phẩm chế biến Canada đã bắt đầu ráo riết thiết kế và tìm nhà cung cấp các loại bao bì thực phẩm bằng nhựa có khả năng tái chế.

Các quy định mới của Canada về bao bì bằng nhựa có thể tác động đến xuất khẩu thực phẩm chế biến và các sản phẩm khác của Việt Nam sang thị trường này.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Ottawa, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada, khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến của Việt Nam cần đặc biệt lưu ý đến những quy định mới về rác thải nhựa của Canada.

Đây là chiến lược tổng thể của Canada nhằm loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa vào năm 2030 và tiến tới nền kinh tế tuần hoàn trong công nghiệp nhựa.

Chiến lược này được kỳ vọng sẽ giảm lượng khí thải CO2 trung bình 1,8 triệu tấn/năm, đem lại hàng tỷ CAD lợi nhuận và tạo thêm 42.000 việc làm mới.

Theo bà Trần Thu Quỳnh, các doanh nghiệp bán lẻ khi nhập hàng vào Canada chắc chắn sẽ đặt ra các yêu cầu trên với các nhà sản xuất của Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần cùng hợp tác để phát triển theo hướng bền vững và tuần hoàn hơn nữa.

Cuoc chien chong
 Ảnh minh họa. (Nguồn: environmentaldefence.ca)

Công ty Basse, một doanh nghiệp sản xuất, đóng gói các loại hạt và mứt trái cây lớn của Canada, chuyên cung cấp/gia công cho các nhãn hàng và chuỗi siêu thị lớn của Bắc Mỹ, đã thông báo kế hoạch chuyển đổi toàn bộ bao bì của công ty vào năm 2023.

Hiện nay, Basse nhập khẩu hàng sơ chế từ Việt Nam và đóng gói tại Canada theo các hợp đồng gia công OEM (Original Equipment Manufacturer - phương thức sản xuất ủy thác, nhà sản xuất sẽ nhận yêu cầu từ người đặt hàng và phát triển mô hình sản phẩm theo yêu cầu đó.

Sản phẩm hoàn thành sẽ được gắn thương hiệu của người đặt hàng). Basse - hiện rất quan tâm đến khả năng thiết kế và sản xuất bao bì của Việt Nam - đang tiến tới lập nhà máy tại Việt Nam và đóng gói tại Việt Nam.

Dự kiến, các yêu cầu mới đối với bao bì sản phẩm nhựa sẽ tập trung vào hàm lượng tái chế (ví dụ nhựa resin), phương pháp tái chế xây dựng theo khuyến nghị của các cơ sở tái chế ở Canada. Canada sẽ hạn chế các sản phẩm sử dụng bao bì nhiều lớp (multi packaging) nếu không cần thiết.

Trong những năm gần đây, các sản phẩm thực phẩm chế biến của Việt Nam đã có nhiều cải tiến, vừa đa dạng về mẫu mã, vừa phong phú về cách chế biến và đặc biệt đã rất chú trọng đến chất lượng, hình thức bao bì, hướng dẫn sử dụng.

Thị trường Canada vì vậy khá ưa chuộng các sản phẩm thực phẩm chế biến có nguồn gốc từ Việt Nam. Ẩm thực Việt Nam ở Canada được đánh giá cao vì tính cân bằng dinh dưỡng, vừa dễ ăn, vừa tốt cho sức khỏe.

Trong 20 năm qua, dân số Canada có nguồn gốc châu Á đã tăng đều đặn trung bình 4,3%/năm, hiện chiếm 17,7% tổng dân số của quốc gia Bắc Mỹ này, tức khoảng trên 6 triệu người vẫn giữ tập quán ăn uống truyền thống.

Trong giai đoạn 2012-2021, giá trị xuất khẩu vào thị trường Canada đối với các sản phẩm thực phẩm chế biến của Việt Nam đã tăng gần gấp đôi, từ mức 54 triệu USD năm 2012 lên 100 triệu USD năm 2021.

Nhờ được hưởng ưu đãi thuế từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), nhóm thực phẩm chế biến của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu rất mạnh.

Cụ thể, trong giai đoạn 2018-2021, mức tăng trưởng xuất khẩu đối với nhóm chè, cà phê và gia vị là 52%; với nhóm chế phẩm từ ngũ cốc (bánh tráng, bún phở miến, bột ngô, bột gạo…) là 46,8%; và nhóm hạt, mứt trái cây, nước trái cây có mức tăng trưởng 53%.

Theo dữ liệu của Canada, năm 2019, đã có 15,5 tỷ túi nylon, 4,5 tỷ dao kéo nhựa, 3 tỷ que khuấy, 5,8 tỷ ống hút, 183 triệu đai buộc 6 lon bằng nhựa và 805 triệu hộp đựng thức ăn được bán ở nước này.

Một nghiên cứu của Deloitte năm 2019 cũng cho thấy chưa đến 1/10 rác thải nhựa tại Canada được tái chế. Bởi vậy, nỗ lực của Chính phủ Canada ứng phó với cuộc khủng hoảng "ô nhiễm trắng" toàn cầu đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo doanh nghiệp và người dân nước này.

Kết quả thăm dò dư luận do Abacus Data thực hiện cho thấy 90% người Canada ủng hộ lệnh cấm của liên bang đối với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và gần 70% cho rằng lệnh cấm này nên được mở rộng để bao gồm nhiều mặt hàng hơn.

Sự ủng hộ, đồng lòng của người dân sẽ đem lại kết quả tích cực cho Chính phủ Canada trong nỗ lực đẩy lùi "ô nhiễm trắng".

Theo TTXVN/Vietnam+