Hàng trăm sinh viên quốc tế tại 3 trường đại học lớn ở London (Anh) đang đồng loạt từ chối đóng học phí, theo The Guardian.
Theo họ, số tiền học lên đến 29.000 bảng Anh/năm, tương đương 40.000 USD, là quá vô lý trong một năm chủ yếu học trực tuyến từ phòng ngủ. Nhiều người còn tức giận hơn vì trường vẫn tăng học phí vào thời kỳ đại dịch, trong khi họ vẫn phải trả cho các dịch vụ ở trường mà hiện không thể sử dụng.
Bắt đầu từ tháng 1, hơn 300 sinh viên tại Đại học Nghệ thuật Hoàng gia, 2/3 trong số đó là du học sinh, tổ chức một cuộc "đình công học phí" trong nỗ lực buộc trường đại học hoàn trả lại tiền cho năm học vừa qua. Theo ước tính, số tiền học mà các sinh viên này nộp sẽ đem lại cho trường khoản thu 4,7 triệu USD.
|
Với các sinh viên quốc tế, việc phải trả hàng chục nghìn USD cho một năm học chỉ học từ phòng ngủ là quá vô lý. Ảnh:Insider. |
Tại Đại học Soas và Đại học Goldmiths (London), khoảng 100 sinh viên cũng đang từ chối đóng tiền học. Trung bình, sinh viên phải trả 25.000 USD/năm.
Các sinh viên quốc tế này cho hay họ hành động dù nỗi lo sợ visa bị thu hồi hiện hữu. Sau khi nhà trường đe dọa đình chỉ học, một số đã rút lui.
Ngày 4/3, Paul Thompson, hiệu phó của trường, xác nhận rằng 93 sinh viên vẫn đang nợ học phí. Đến tuần này, các sinh viên được thông báo sẽ bị đình chỉ nếu không đóng tiền, hoặc chịu đến trao đổi với nhà trường.
Syahadah Shahril, một sinh viên người Singapore tại Đại học Nghệ thuật London, đã giúp tổ chức các cuộc đình công và đang lên kế hoạch với các sinh viên quốc tế khác trước khi làm việc với trường.
Shahril cho biết sinh viên theo học thiết kế và nghệ thuật như cô gặp khó khăn khi các studio đóng cửa còn hội thảo thì hoãn vô thời hạn.
|
Syahadah Shahril, sinh viên người Singapore, đang theo học tại Đại học Nghệ thuật London. Ảnh:The Guardian. |
“Tôi từng chứng kiến cảnh bạn học bị bỏng tay vì phải hàn kim loại ở nhà hoặc vẽ tranh trong những không gian chật chội vì không đủ tiền thuê studio. Sinh viên quốc tế thiệt thòi rất nhiều và chúng tôi đang chứng tỏ rằng mình cũng có tiếng nói", cô kể.
Các yêu cầu chính phủ Anh giảm học phí ngày càng tăng. Một bản kiến nghị mới đòi bồi thường học phí cho sinh viên quốc tế đã nhận được gần 25.000 chữ ký chỉ trong hơn 1 tuần.
"Những người bạn nước ngoài khác tôi nói chuyện cùng đang rất đau khổ. Họ cảm thấy như bị nhà trường vắt kiệt sức lực", Isaac Jones (không phải tên thật nhân vật), đang học thạc sĩ tại Đại học Goldsmiths, nói.
"Bằng tốt nghiệp cuối khóa không phải là lý do tôi ở đây. Tôi đi du học vì cần một studio thực hành và các cơ sở vật chất không có ở nhà", một sinh viên người Đức phàn nàn.
|
Hàng trăm sinh viên quốc tế tại London đang tổ chức cuộc "đình công học phí", nhất quyết không đóng tiền học. Ảnh minh họa:iNews. |
"Tôi thường xuyên lo lắng và cảm thấy cô độc. Tôi quyết định đến Đại học Soas vì những lời hứa hẹn về cơ sở vật chất, điều kiện học tập. Yêu cầu của sinh viên quốc tế hợp lý nhưng đối với chính phủ, mọi chuyện chỉ đáng bàn khi các doanh nghiệp đề nghị cứu trợ tài chính", một sinh viên kinh tế đến từ Mỹ bày tỏ.
Trả lời về hàng loạt yêu cầu cắt giảm học phí, trả lại tiền học, giáo sư Adam Habib, hiệu trưởng của Đại học Soas cho hay sinh viên là đối tượng cần được hỗ trợ.
"Nhưng câu hỏi là ai trả tiền. Nếu bạn yêu cầu các trường đại học cắt giảm tiền học, bản thân ngôi trường cũng sẽ mất khả năng thanh toán. Chính phủ nên đưa ra phương án phù hợp vì cuộc tranh cãi về việc liệu nên hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn hay nên đưa tiền cho người trẻ tuổi vẫn chưa ngã ngũ", vị hiệu trưởng nói.
Simon Marginson, giáo sư tại Đại học Oxford, nói rằng các sinh viên quốc tế đã can đảm khi đứng ra phản đối vì điều này có thể ảnh hưởng đến visa của họ.
“Nếu điều này nhắm mục tiêu đến những điều bất công có thể chứng minh được, ví dụ như sinh viên không được hưởng như những gì nhà trường quảng cáo hay đảm bảo, cuộc đình công có thể gây tiếng vang khắp nước và tạo hiệu ứng mạnh mẽ ở nước ngoài", ông nói.
Theo Zing