Từ điểm đến giá rẻ thành hạng sang

“Giải Oscar ngành du lịch” - World Travel Awards (WTA) khu vực châu Á - châu Đại Dương 2022 vừa diễn ra đánh dấu 1 năm “bội thu” của du lịch Việt Nam. Với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam đoạt 2 giải: Điểm đến hàng đầu châu Á và Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á. Hàng loạt địa phương, gần 30 khách sạn, resort cùng rất nhiều công ty du lịch, lữ hành và cả các hãng hàng không của Việt Nam giành hạng nhất tại các hạng mục. Nhưng việc này không còn làm những tín đồ du lịch cũng như những người quan tâm đến ngành này bất ngờ. Nhiều năm gần đây, báo chí nước ngoài liên tục dành những lời tôn vinh ngành du lịch Việt Nam trên mọi phương diện; số lượng các giải thưởng tại WTA của Việt Nam cũng luôn cao.

Du lịch VN không thể là giá rẻ mà phải phát triển theo hướng khác biệt, đặc sắc. Du lịch ngay từ đầu phải là đẳng cấp, vượt lên xứng tầm.

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN

Tại lễ trao giải năm nay, Việt Nam lần đầu tiên có doanh nghiệp du lịch được vinh danh Tập đoàn du lịch hàng đầu châu Á, là Sun Group. Chúng ta có khách sạn boutique sang trọng hàng đầu - Capella Hanoi; Khu nghỉ dưỡng sang trọng dành cho đám cưới hàng đầu châu Á - J.W Marriott Phu Quoc Resort… Cũng giải thưởng này năm 2020, sân bay đầu tiên do tư nhân đầu tư tại Việt Nam, sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) xuất sắc vượt qua nhiều ứng cử viên nặng ký để giành giải Sân bay có hệ thống phòng chờ thương gia hàng đầu châu Á. Mới đây nhất, tạp chí du lịch Cruise Passenger giới thiệu Việt Nam là một trong các điểm đến sang trọng, có trải nghiệm hấp dẫn hàng đầu thế giới.

Nhìn lại thời điểm cách đây khoảng 5 - 7 năm, Việt Nam bên cạnh thiên nhiên tươi đẹp thì luôn được nhắc đến trong danh sách bình chọn các điểm đến có mức giá phải chăng nhất trên thế giới. Năm 2014, trang Elite Daily xếp Việt Nam vào top điểm đến có giá rẻ nhất thế giới. Năm 2015, chúng ta tiếp tục có mặt trong danh sách những điểm đến với chi phí khoảng 10 USD/ngày của Gobankingrates - chuyên trang nổi tiếng về tài chính cá nhân và ngân hàng. Báo chí thế giới góp phần kéo khách tới Việt Nam, đầu tiên nhờ giá rẻ. Thậm chí, tới năm 2019 - thời hoàng kim của du lịch Việt, thông tin vị tỉ phú Ấn Độ tới Phú Quốc tổ chức lễ cưới cũng đủ khuấy đảo truyền thông trong nước và quốc tế. Họ ngạc nhiên, không ngờ “thiên đường du lịch giá rẻ” lại là nơi tổ chức tiệc cưới sang trọng bậc nhất thế giới.

Đây cũng chính là cột mốc đánh dấu cuộc lột xác ngoạn mục của ngành du lịch. Thế giới dần biết đến Việt Nam như một điểm đến dành cho các “đại gia”.

Cuộc đổi ngôi ngoạn mục của du lịch Việt Nam - ảnh 1

Cầu Vàng ởĐà Nẵngthu hút nhiều chú ý của du khách trong và ngoài nước

N.T

Từng địa phương lột xác

Nói về cuộc đổi ngôi của du lịch Việt Nam, nhìn rõ nhất là sự lột xác của mỗi địa phương, mà trong đó Quảng Ninh là một điển hình. Từ bức tranh du lịch buồn tẻ, đơn điệu những năm đầu 2000, tỉnh này đã vươn lên như một trong những điểm đến ấn tượng nhất Việt Nam, thu hút tới 1/3 tổng lượng khách quốc tế của cả nước (giai đoạn trước dịch). Có một thời nói đến Quảng Ninh, nhiều người nghĩ ngay đến “đặc sản” than đá và vịnh Hạ Long. Song, du lịch Quảng Ninh như một “người đẹp ngủ quên”, không chịu chăm chút, sáng tạo sản phẩm, chỉ loanh quanh với tour đi vịnh, tắm biển. Đây cũng là lý do du lịch Quảng Ninh từng được định vị với những tính từ “nghèo nàn, đơn điệu”.

 Công cụ theo dõi xu hướng du lịch Google Destination Insights đã hiển thị sự gia tăng mạnh mẽ lượng tìm kiếm về du lịch VN. Theo đó, lượng tìm kiếm thông tin khách sạn, resort ở VN tăng cao trong tháng 8, gấp 7 lần so thời điểm tháng 3; còn tìm kiếm về hàng không quốc tế đến VN tăng 3 lần. Top 10 quốc gia tìm kiếm nhiều nhất về du lịch VN lần lượt là: Mỹ, Singapore, Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, Thái Lan, Đức, Pháp, Anh, Malaysia. Các điểm đến được cộng đồng quốc tế tìm kiếm nhiều nhất đều là các trung tâm du lịch nổi tiếng của VN, gồm: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết, Huế, Vũng Tàu.
 
Vậy mà chỉ sau vài năm, Quảng Ninh đã lột xác. Cầu Bãi Cháy ra đời, theo sau là tổ hợp vui chơi giải trí Sun World Halong Complex, “cú hích” sân bay Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long… giúp thủ phủ “vàng đen” nhanh chóng đón 12 triệu lượt khách vào năm 2018, gấp đôi mục tiêu đã đặt ra trong quy hoạch phát triển tổng thể du lịch vịnh Hạ Long 10 năm trước. Lượng khách du lịch 1 năm đến Quảng Ninh gấp 10 lần dân số của tỉnh. Khách quốc tế đạt 5,2 triệu lượt, chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2018. Kinh tế Quảng Ninh từ đó nổi lên như một ngôi sao sáng với mức tăng trưởng từ 8,8% năm 2014 lên mức 2 con số qua các năm, thu nhập bình quân đầu người đã vượt 6.700 USD - gấp đôi mức trung bình cả nước.

Tương tự, dù được ví như “đảo thiên đường” với quần thể 28 hòn đảo lớn nhỏ, nhưng những năm 2000, người ta vẫn chỉ biết tới Phú Quốc là 1 trong 20 bãi biển hoang sơ đẹp nhất châu Á (đánh giá của CNN). Chỉ đến khi có sự xuất hiện của hàng loạt nhà đầu tư lớn với chiến lược phát triển hạ tầng du lịch bài bản, Phú Quốc mới thật sự lột xác. Với sự góp mặt của loạt tập đoàn lớn như Vingroup, Sun Group, BIM Group, CEO Group… Phú Quốc đã chuyển mình thành một trong những vùng đất sở hữu nhiều khách sạn, resort sang trọng, đẳng cấp thế giới. Từ JW Mariott, Vinpearl, Novotel, Melia… có tới 9/10 thương hiệu khách sạn nổi tiếng thế giới đã quy tụ về đây. Bắc đảo có Safari, Phú Quốc United Center; Nam đảo là Sun Group với các khu nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới, cáp treo Hòn Thơm và thị trấn Địa Trung Hải… những sản phẩm quy mô lớn biến Phú Quốc không chỉ thành thỏi nam châm hút khách du lịch trong và ngoài nước mà còn được kỳ vọng sẽ trở thành “hub” du lịch của thế giới. Khách du lịch tới Phú Quốc trong những năm qua liên tục tăng, trung bình từ 25 - 30%/năm.

Hay với Sa Pa (Lào Cai) hơn 10 năm trước, cảnh thiên nhiên hoang sơ chỉ giúp thị trấn này đón vài trăm nghìn lượt khách mỗi năm. Nhưng chỉ 3 năm sau khi công trình cáp treo Fansipan kỷ lục, Khu du lịch Sun World Fansipan Legend cùng công trình khách sạn 5 sao Hotel de la Coupole MGallery Sa Pa ra đời, thị trấn sương mù đã thay đổi chóng mặt. Giai đoạn năm 2016 - 2019, lượng khách tới Lào Cai tăng 144%. Cuối 2019, doanh thu từ du lịch của tỉnh là 19.200 tỉ đồng, gấp 4 lần năm 2016. Riêng du lịch Sa Pa tăng trưởng bình quân 20 - 30% mỗi năm.

Còn rất nhiều tỉnh, thành đã và đang lột xác, tạo dựng được chân dung phát triển mới, vượt lên một đẳng cấp khác, đời sống người dân được cải thiện mạnh mẽ nhờ cuộc đổi ngôi của ngành công nghiệp không khói.

Cuộc đổi ngôi ngoạn mục của du lịch Việt Nam - ảnh 2

Phú Quốc, một trong những điểm đến thu hút du khách hạng sang của thế giới

NGÔ TRẦN HẢI AN

Phải đẳng cấp và khác biệt

Nhận xét về nguyên nhân tạo nên sự tăng trưởng vượt bậc trong một thập niên qua cũng như hành trình hồi phục thần kỳ của ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Giải thưởng WTA Graham Cooke nhấn mạnh: “Du lịch Việt Nam cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ, phát huy được những giá trị tài nguyên, bản sắc của mình và có những điểm sáng mang tính đột phá. Nếu xác định một yếu tố đằng sau sự thành công của du lịch Việt Nam sau một thập niên qua, thì đó là cách mà Chính phủ Việt Nam đã hợp tác rất tốt với khu vực tư nhân để tạo điều kiện cho sự phát triển vượt bậc”.

Đây cũng là quan điểm xuyên suốt của TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Theo ông, từ khi Nghị quyết 08 của Chính phủ được ban hành, định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sun Group định hình chân dung du lịch hiện đại cho Đà Nẵng và Sa Pa; Vingroup cũng làm như vậy với Phú Quốc, Nha Trang. Muốn du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì mô hình “kéo đại bàng về xây tổ” như vậy phải được nhân rộng trên khắp cả nước, bởi du lịch Việt Nam chỉ có thể đột phá khi phát triển thành đẳng cấp và khác biệt.

Theo TS Trần Đình Thiên, tài nguyên sẵn có của Việt Nam rất tốt, là đẳng cấp cao nên ngay từ đầu phải định hướng đầu tư làm du lịch xứng đáng với tài nguyên đó. Về nguồn nhân lực, Việt Nam có các doanh nghiệp, tập đoàn tiềm lực lớn, có thể xây dựng những khách sạn, resort đẳng cấp.

Cuộc đổi ngôi ngoạn mục của du lịch Việt Nam - ảnh 3

Du khách tham quan Cầu Vàng, một điểm đến điển hình của du lịch hiện đại Đà Nẵng

N.T

Thế nhưng, du lịch giai đoạn trước dịch quá chú trọng đặt nặng vấn đề lượng khách năm nay phải tăng hơn năm trước. Du lịch chỉ tăng về lượng mà không có về chất, không đi vào chiều sâu. Bởi vậy, có những thời điểm vì muốn “ăn nhanh”, muốn tăng số người, thì lại mở cửa, tạo điều kiện cho kiểu khách “đi cả làng”. Những tour giá rẻ, tour “0 đồng” đón khách ồ ạt nhưng dịch vụ, thương mại, kinh tế của địa phương không thu được nhiều mà ngược lại còn gây tổn hại cho hạ tầng du lịch, làm hạ cấp hình ảnh của điểm đến. “Tư duy này cần phải thay đổi, đặc biệt là khi chúng ta đang có điều kiện làm lại sau đại dịch và đang dần định hình ở một tầm mới. Du lịch Việt Nam không thể là giá rẻ mà phải phát triển theo hướng khác biệt, đặc sắc. Du lịch ngay từ đầu phải là đẳng cấp, vượt lên xứng tầm”, TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Theo Thanh niên