Sinh ra ở Tampa (Florida, Mỹ), thiếu tướng Vincent Buggs phải xa quê hương để đóng quân tại Iraq vào những năm 2000.

Trong thời gian này, Buggs vẫn giữ liên lạc với văn phòng cựu sinh viên của Đại học Nam Georgia (Mỹ), nơi ông từng theo học, để hỏi thăm về đội bóng và cập nhật những sự kiện của trường.

Trong một lần trò chuyện, một phụ nữ làm việc tại văn phòng nói với Buggs rằng cháu gái 5 tuổi của cô (học lớp K5 tại trường mầm non tư thục David Emanuel Academy, thành phố Stillmore) đang thực hiện một dự án đặc biệt.

Các học sinh của lớp mầm non K5 chụp cùng với những lá cờ Buggs gửi về từ Iraq. Ảnh: David Emanuel Academy

Cô bé và bạn sẽ gửi thư, quà cho một người có hiểu biết, được đi nhiều nơi để hỏi về những kỳ quan, kiến thức địa lý của thế giới. Cô giáo đề nghị Buggs trở thành bạn thư của những đứa trẻ, kể cho chúng nghe những câu chuyện tại Iraq và nhận được sự đồng ý của ông.

Câu chuyện đầu tiên Buggs kể cho những đứa trẻ của lớp mầm non K5 là sự khan hiếm nước tại Iraq và cách những người lính sử dụng lạc đà để vận chuyển, tiết kiệm nước.

Một tháng sau, Buggs gửi email cho Sandra Mosley, chị gái của người phụ nữ làm việc tại văn phòng cựu sinh viên, hỏi thăm về dự án và phản ứng của lũ trẻ. "Bọn trẻ cực kỳ hào hứng về câu chuyện của anh", Sandra trả lời.

Sau đó, Buggs hỏi xin tên các thành viên của lớp K5 để ghi lên những lá cờ ông mang theo và gửi từ Iraq về.

Bức ảnh chụp học sinh mầm non cầm những lá cờ do Buggs gửi về được đăng trên một tờ báo địa phương, mở đầu cho một mối quan hệ đặc biệt, kéo dài hơn một thập kỷ.

13 học sinh của lớp K5 bắt đầu gửi cho Buggs thư và những gói quà, còn ông gửi lại cho lũ trẻ những câu chuyện, đặc sản từ bất cứ nơi nào mình đóng quân. "Cháu nhớ chú ấy luôn gửi chocolate cho Kinder và điều đó thật thú vị", Jenna Mosley, con gái 17 tuổi của Sandra Mosley, nói.

Đối với Buggs, dù xuất phát từ một dự án, những lá thư và các món quà nhỏ bé đến từ lũ trẻ là động lực tinh thần rất lớn, giúp ông vượt qua những ngày tháng khó khăn khi đóng quân tại Iraq.

"Khi ngồi trong boong-ke, nơi chỉ vừa đóng quân được vài tháng với sự cô đơn bủa vây, tôi nhận được thư hỏi thăm và động viên của lũ trẻ. Việc này đã giúp tôi có thêm động lực và tha thiết mong được trở về quê hương", Buggs nói.

Buggs và những học sinh mầm non lớp K5, nay đã là học sinh phổ thông năm cuối. Ảnh: David Emanuel Academy

Hơn ba thập kỷ phục vụ trong quân đội, đã nhiều lần Buggs muốn đến Stillmore để một lần được gặp gỡ những người bạn nhỏ tuổi nhưng chưa có cơ hội.

Cuối tuần vừa rồi, ông trở lại Georgia Southern sau hơn 6 giờ lái xe và quyết định dừng chân ở Stillmore để gây bất ngờ cho 6 cô gái đang là học sinh phổ thông năm cuối của Học viện David Emanuel.

"Cháu rất ngạc nhiên khi chú Buggs đến. Chúng cháu chưa bao giờ nghĩ mình lại có tác động như vậy đến cuộc đời chú ấy. Thật tuyệt khi biết chúng cháu đã giúp chú có động lực vượt qua chiến tranh trong nhiều năm", Boslie Boots, 17 tuổi, nói.

Đối với Buggs, gặp lại lũ trẻ như một cách làm sống lại ký ức. "Tôi hy vọng mọi người hiểu tình cảm, sự quan tâm chân thành sẽ có tác động như nào đến một con người. Đó có thể là động lực sống của họ, giúp họ vượt qua khó khăn hoặc thậm chí là thay đổi thế giới", người lính nói.

Theo vnexpress