leftcenterrightdel
 

Trong các cuộc phỏng vấn với CNA, nhiều người làm việc tại trụ sở châu Á - Thái Bình Dương đã bày tỏ sự thất vọng về cách lãnh đạo và hình thức giao tiếp của gã khổng lồ mạng xã hội, đồng thời không hài lòng với chính sách sa thải được cung cấp.

Nhìn ở bức tranh lớn hơn, một nửa trong số 7.500 lực lượng lao động toàn cầu của Twitter đã bị cho thôi việc khi tỷ phú Elon Musk tiếp quản Twitter với giá 44 tỷ USD vào cuối tháng 10.

“Về việc cắt giảm, thật không may vì không có lựa chọn nào khác khi công ty đang lỗ hơn 4 triệu USD/ngày”, Musk viết trên Twitter về chủ đề này.

Thất vọng

Những tập đoàn công nghệ khác bao gồm công ty mẹ của Facebook là Meta và Microsoft cũng hưởng ứng động thái này khi sa thải hàng nghìn nhân viên trong năm nay. Sàn thương mại điện tử Shopee đã cắt giảm việc làm trong 3 đợt kể từ tháng 6/2022.

Abigail, nhân viên cũ, bất ngờ thất nghiệp vào tháng 11. Cô cho biết hành động của mạng xã hội “chú chim xanh” không giống như những gì đang xảy ra ở các doanh nghiệp khác do quy mô tuyệt đối và cách thức lộn xộn.

Carmen, một cựu nhân viên khác, nói rằng việc thay đổi quyền sở hữu tại Twitter giống như một "sự tiếp quản thù địch".

“Tôi thực sự không nghĩ rằng đây là điều nên làm trong quá trình chuyển đổi. Tôi hiểu với quản lý mới, lãnh đạo mới, họ sẽ muốn thay đổi. Nhưng họ thực sự không nghĩ đến hàng nghìn nhân viên trên toàn cầu. Không có sự đồng cảm, khác xa so với Twitter trước đây, nơi chúng tôi luôn đảm bảo đặt sự minh bạch và thấu hiểu lên hàng đầu”, cô nói.

Carmen đang trên đường đi làm thì nhận được email từ công ty vào 8h20. Nội dung ghi rằng quyền truy cập của những người bị đuổi việc sẽ không hoạt động, đồng thời khuyên họ không nên đến văn phòng.

Vì thế, cô quyết định trở về nhà trong sự khó hiểu.
leftcenterrightdel
Các nhân viên ở đảo quốc sư tử thất vọng trước cách xử lý của Elon Musk. Ảnh: CNBC 

Trong vòng một giờ, các đồng nghiệp của cô ở khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi thông báo cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Khi điều này lan sang các văn phòng ở Mỹ, mọi người bắt đầu chuẩn bị tinh thần.

Nhiều nhân viên của Twitter đã theo dõi tin đồn về việc sa thải hàng loạt trên các bản tin và bài đăng tại Blind, một diễn đàn ẩn danh dành cho giới công nghệ.

Do đó, một số đã lường trước được sự việc, nhưng họ vẫn bị bất ngờ bởi mọi thứ diễn ra quá nhanh.

“Tôi cảm thấy rất buồn. Khi biết rằng rất nhiều đồng đội cũng mất việc, suy nghĩ đầu tiên của tôi là: 'Chà, những điều mà chúng tôi đã cống hiến chẳng là gì cả’”, cô nói với CNA.

Sự gián đoạn dường như ảnh hưởng đến cả những nhân sự vẫn đang làm việc. Carmen cho hay vài người nói với cô rằng họ cảm thấy tội lỗi khi là người sống sót sau làn sóng cắt giảm.

“Đó cũng là khoảng thời gian kỳ lạ khi các quản lý cũng bị đuổi. Họ đến văn phòng vào thứ 2 tuần sau mà không biết chuyện gì đang xảy ra”, cô nói thêm.

Người ra đi hay ở lại đều lạc lõng

Abigail cho biết có những nhóm phải chia tay với toàn bộ cấp trên. Vì thế, họ trở nên lúng túng và không biết phải làm gì.

“Twitter mà tôi biết là nơi thực sự cam kết phục vụ cho cuộc trò chuyện của công chúng. Mọi người tự hào về cách giao tiếp đồng cảm. Nhưng tôi không thấy điều đó ở ban lãnh đạo mới”, Abigail bày tỏ.

Ban đầu, nhiều lao động ở mạng xã hội này không coi việc đổi chủ là vấn đề tiêu cực do những thành công của vị tỷ phú giàu nhất thế giới với vai trò doanh nhân.

“Tôi đoán không ít người trong chúng tôi đã nghĩ rằng Twitter dưới thời Elon vẫn có thể hoạt động kinh doanh như bình thường. Chúng tôi không mong đợi sự biến động hoàn toàn này”, Carmen than thở.

Carmen nhớ như in cảm giác thất vọng vào ngày cùng các đồng nghiệp chờ đợi thông tin chính thức về vụ sa thải. Tuy nhiên, tất cả đều không nhận được hồi âm từ ban quản lý.

leftcenterrightdel
Những người may mắn không nằm trong đợt cắt giảm cảm thấy hoang mang khi cấp trên bị đuổi. Ảnh: Tech Central 

“Trong quá trình bàn giao, tôi không nghĩ việc đuổi CEO ngay lập tức là điều bình thường. Nhưng đó là những gì đã xảy ra. Kể từ đó, rất nhiều (giám đốc điều hành) cấp cao khác đã bị cho thôi việc hoặc chủ động từ chức. Thành thật mà nói, ngay cả khi không nằm trong danh sách cắt giảm, tôi nghĩ mình cũng không muốn làm việc tại nơi này”, cô nói.

Theo một email nội bộ, các nhân viên bị sa thải tại Twitter Singapore đã nhận được thỏa thuận nghỉ việc vào ngày 9/11 và gia hạn đến 16/11 để trả lời.

Carmen cho hay họ được hướng dẫn nghỉ làm trong thời gian thông báo, trong khi vẫn còn trong biên chế (gọi là chính sách "garden leave").

Điều này thường được thực hiện để đưa nhân sự cũ ra khỏi văn phòng trước khi họ ứng tuyển chỗ mới, có thể nhảy sang đối thủ cạnh tranh.

Abigail và Carmen được trả nửa tháng lương cơ bản cho mỗi năm làm việc tại Twitter.

Tại Singapore, theo luật, người sử dụng lao động phải báo cáo cho Bộ Nhân lực (MOM) về quyết định cắt giảm nhân sự trong vòng 5 ngày sau khi thông báo với bất kỳ nhân viên nào.

Theo Zingnews