Tình trạng sa thải nhân viên hàng loạt của các ông lớn công nghệ
Trong tuần vừa qua, các công ty ở Thung lũng Silicon - cái nôi của công nghệ thế giới - đã ra quyết định sa thải hơn 20.000 nhân viên. Trong đó, các công ty lớn như Twitter, Meta hay Amazon đều có tỷ lệ nhân viên bị sa thải ở mức 2 con số. Điều này có nghĩa là hàng chục ngàn kỹ sư, nhân viên bán hàng và nhân viên hỗ trợ thuộc ngành công nghiệp quan trọng nhất và được trả lương cao nhất đã mất việc làm.
Khi ngồi trước máy tính để thực hiện cuộc họp trực tuyến kéo dài 10 phút trên nền tảng Zoom vào ngày 9/11, CEO Meta Mark Zuckerberg đã phải làm một việc mà mình chưa từng làm trước đây, đó là tuyên bố sa thải 13% nhân viên công ty, tương đương với 11.000 người lao động mất việc.
“Hôm nay tôi phải chia sẻ những thay đổi khó khăn nhất trong lịch sử của Meta", ông viết trong bức thư gửi nhân viên. “Tôi đã quyết định giảm 13% quy mô lực lượng lao động của chúng ta và để hơn 11.000 nhân viên tài năng rời khỏi công ty. Đồng thời công ty cũng đang thực hiện một số bước bổ sung để đạt đến mục tiêu trở thành một công ty tinh gọn, hiệu quả bằng cách cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết và kéo dài thời gian đóng băng tuyển dụng đến hết quý I”.
Việc sa thải hàng loạt nhân viên diễn ra trong bối cảnh vô cùng khó khăn của Meta. Vào cuối tháng 10, công ty này đã đưa ra dự báo thu nhập quý IV khá ảm đạm, khiến các nhà đầu tư hoảng sợ không nhỏ và cổ phiếu của công ty này giảm gần 20%.
Trong khi các chi phí bỏ ra trong quý III tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới con số 22,1 tỷ USD, thì tổng doanh thu của công ty lại giảm 4% xuống còn 27,71 tỷ USD. Thậm chí, thu nhập hoạt động của công ty còn giảm 46% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 5,66 tỷ USD.
Tương tự như Meta, khoảng 50% lực lượng lao động của Twitter đã bị Elon Musk sa thải, với con số ít nhất là 4.400 nhân viên hợp đồng. Việc cắt giảm nhân lực này được thực hiện với mục tiêu tác động đến quy trình kiểm duyệt nội dung và các dịch vụ cơ sở hạ tầng vốn đã được áp dụng từ trước đến nay.
Chỉ sau 2 tuần kể từ khi chính thức tiếp quản nền tảng mạng xã hội này, Musk đã sa thải một nửa nhân viên của Twitter, trong đó hầu hết là những giám đốc điều hành hàng đầu. Bên cạnh đó, hai giám đốc điều hành là ông Yoel Roth và bà Robin Wheeler đã chủ động nộp đơn từ chức.
Điều này đã dẫn đến những lo ngại sâu sắc cho tình hình phát triển của Twitter, và chính vị tỷ phú cũng cho hay ông không loại trừ khả năng công ty mới của mình sẽ bị phá sản.
Nối tiếp bước đi của Meta và Twitter, Amazon - “ông vua” bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới cũng có kế hoạch sa thải khoảng 10.000 nhân viên trong các công ty của mình và sẽ được áp dụng ngay trong tuần này.
Theo New York Times, việc cắt giảm dự kiến sẽ tập trung vào nhóm thiết bị, bộ phận bán lẻ và bộ phận nhân sự. Theo các chuyên gia, đây sẽ là đợt cắt giảm nhân sự lớn nhất của Amazon kể từ khi thành lập, với 3% nhân viên công ty và gần 1% lực lượng lao động của tập đoàn trên toàn cầu, chủ yếu là những người làm việc theo giờ.
Bên cạnh đó là hàng loạt các công ty công nghệ khác như Apple, Microsoft... quyết định sa thải số lượng lớn nhân viên hoặc ít nhất là đóng băng tuyển dụng và thắt chặt chi tiêu.
Cái giá phải trả cho sự bành trướng thời kỳ Covid
Như một biểu hiện chung, các ông lớn công nghệ đã chứng kiến một sự gia tăng “kinh khủng" của lưu lượng truy cập và doanh thu trong thời kỳ đại dịch. Việc giãn cách xã hội cùng các quy định cách ly buộc mọi người phải ở nhà trong suốt một thời gian dài, và họ phải tìm ra cách để giải trí thông qua các trang mạng xã hội hay các dịch vụ trực tuyến.
Nhu cầu cao bất thường đã khuyến khích các công ty trong ngành thuê và mở rộng quy mô nhiều hơn mức cần thiết. Ngay cả những người thành lập công ty cũng phải thừa nhận bước đi sai lầm của mình lúc đó.
Giờ đây, các công ty này đang buộc phải có sự điều chỉnh mạnh mẽ. Mọi người không còn ở nhà để phòng chống Covid, các hoạt động ngoài trời nay đã trở thành xu hướng sau khoảng thời gian dài bị “giam" ở nhà, điều đó đồng nghĩa với việc người tiêu dùng không còn dán mắt vào các thiết bị điện tử, và hiển nhiên doanh thu của những công ty công nghệ giảm sút nhanh chóng.
Bên cạnh đó, các công ty cũng đang phải tìm kiếm lợi nhuận trong bối cảnh lãi suất gia tăng và lạm phát gây áp lực lớn lên chi phí của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và nguồn thu nhập.
Số phận của những nhân viên bị sa thải sẽ đi về đâu?
Tuy bị sa thải bởi các công ty lớn là một nuối tiếc lớn đối với nhiều nhân viên vốn đã gắn bó lâu trong công việc, nhưng tương lai của họ cũng sẽ không quá ảm đạm. Theo Vox, những nhân sự này sẽ được đón nhận bởi nhiều công ty khác vì dữ liệu cho thấy nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ vẫn còn rất cao, chỉ riêng năm 2022 đã có khoảng 175.000 vị trí cần thêm người ứng tuyển.
Mặt khác, việc các công ty công nghệ sa thải hàng loạt có tính chất khác với việc sa thải mà chúng ta nghĩ, hay nói đúng hơn là cắt giảm nhân sự. Trong trường hợp này, việc bị đuổi không thuộc về lỗi của nhân viên mà do công ty muốn tái cấu trúc hoặc giảm bớt số lượng nhân lực. Cũng vì thế, những nhân viên thuộc danh sách cắt giảm nhân sự sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn từ chính công ty sau khi nghỉ việc.
Chính sách hỗ trợ sau nghỉ việc của mỗi công ty sẽ có sự khác biệt nhất định tùy thuộc vào hợp đồng giữa công ty và người lao động. Điển hình là đối với các nhân viên thuộc Meta.
Theo đó, Zuckerberg cho biết những nhân viên thuộc danh sách cắt giảm sẽ được nhận 16 tuần lương cố định cùng với 2 tuần bổ sung cho mỗi năm làm việc tại công ty. Nếu nhân viên có thâm niên càng cao, thì khoản tiền hỗ trợ được nhận lại càng nhiều. Ngoài ra, công ty Meta cũng sẽ chi trả bảo hiểm y tế trong 6 tháng kể từ ngày nghỉ việc.
Tương tự, tại một số quốc gia khác như Úc, sau khi nhân viên nhận được thông báo cắt giảm nhân sự, công ty cũng phải chi trả một số khoản tiền như: khoản thanh toán thay cho thông báo nghỉ việc, khoản tiền trợ cấp thôi việc, đồng thời còn có thêm một khoản tiền “tip" cho nhân viên, cùng với toàn bộ những ngày phép còn lại quy ra thành tiền.
Không những thế, khi tìm kiếm những công việc mới, họ sẽ cũng có nhiều cơ hội hơn vì đã từng làm trong những công ty công nghệ lớn. Điều này sẽ giúp cho năng lực của người lao động được đánh giá cao hơn nhiều so với những ứng viên chưa có kinh nghiệm.
Nhìn chung, các nhân viên sau khi nghỉ việc sẽ không phải quá lo lắng về chi phí tiêu dùng, thay vào đó họ sẽ có thể an tâm tìm kiếm cho mình một công việc khác hoặc có thời gian nghỉ ngơi nếu muốn.
Sông Thương - Nguồn: Tổng hợp