Lim kể về cuộc sống khó khăn sau 9 năm đào tẩu tại căn hộ nhỏ ở Seoul hôm 29/8. Ảnh: AFP.
Lim là một trong số hơn 33.000 người Triều Tiên chạy trốn khỏi tình cảnh khốn khó ở quê nhà để đào tẩu tới Hàn Quốc. Việc chuyển tới một xã hội hoàn toàn khác, phải thích nghi với công việc mới và việc làm mẹ với cô không dễ dàng chút nào.
"Cuộc sống ở Hàn Quốc trái ngược hẳn với những gì tôi nghĩ", Lim nói.
9 năm sau khi sang Hàn Quốc, cô vẫn vật lộn để kiếm sống. Hàng trăm mẹ đơn thân người Triều Tiên cũng gặp tình huống tương tự Lim. Hoàn cảnh của họ gây chú ý sau vụ hai mẹ con Han Sung-ok, một người mẹ đơn thân vừa vật lộn kiếm việc làm vừa chăm sóc con trai 6 tuổi động kinh, chết đói trong căn hộ ở Seoul hồi tháng 7.
Tin tức về cái chết của mẹ con Han gây chấn động khắp Hàn Quốc và thúc đẩy cộng đồng người đào tẩu Triều Tiên mở chiến dịch kêu gọi Seoul xem xét lại chương trình hỗ trợ người tị nạn.
"Han chạy khỏi Triều Tiên, nơi có nhiều người chết đói, nhưng cuối cùng cô lại chết đói ở Hàn Quốc", Heo Kwang-il, một nhà vận động, nói.
Đa số người Triều Tiên đào tẩu tìm đường sang Trung Quốc trước khi tới Hàn Quốc. Là con gái cả, Lim rời quê hương năm 24 tuổi tới Trung Quốc với mục tiêu kiếm tiền gửi về nuôi sống gia đình, nhưng cũng giống nhiều người khác, cô trở thành nạn nhân của bọn buôn bán người. Lim bị bán làm vợ cho một người đàn ông Trung Quốc, chịu cảnh ngược đãi và sinh cho ông ta một đứa con.
Sau 4 năm sống như tù ngục, Lim bỏ trốn cùng con gái đến Seoul. Ban đầu, cô nhận làm việc vặt vì không ai giúp trông con. Lim từng nghĩ tới việc tự tử vì không thể chu cấp đầy đủ cho con hay gia đình ở quê nhà.
Rất nhiều lần Lim nghi ngờ quyết định của mình. "Đôi lúc tôi muốn quay lại Triều Tiên", Lim nói. Giờ cô làm bồi bàn, thỉnh thoảng để dành đủ tiền gửi về cho gia đình ở quê thông qua trung gian.
Những người Triều Tiên mới đến gặp nhiều khó khăn để thích nghi với văn hóa và kinh tế Hàn Quốc. Tình cảnh của những người mẹ Triều Tiên đơn thân lại khó khăn hơn bội phần khi không được gia đình hỗ trợ.
"Vì phải chăm sóc con trẻ, nên họ chỉ có thể tìm công việc bán thời gian và không ổn định", Kim Sung-kyung, giáo sư Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Hàn Quốc, cho hay. "Điều này trở thành vòng tròn luẩn quẩn khiến họ không thể kiếm tiền hay ổn định cuộc sống".
Chính phủ Hàn Quốc cấp 6.600 USD cho người đào tẩu mới đến để giúp họ ổn định cuộc sống. Họ có thể xin thêm trợ cấp, nhưng đa số từ bỏ vì thủ tục quá phức tạp, đặc biệt với những người không được đi học ở Triều Tiên do gia cảnh khó khăn.
Một người đàn ông dựng chân dung của Han Sung-ok và con trai tại nơi tổ chức tang lễ ở Seoul hôm 29/8. Ảnh: AFP.
Truyền thông Hàn Quốc cho hay Han đã tìm cách xin trợ cấp nhưng từ bỏ sau khi không thể cung cấp giấy tờ chứng minh hoàn cảnh khó khăn theo yêu cầu của một quan chức quận.
"Người ta đến miền nam, mang theo 'Giấc mơ Hàn Quốc' nhưng cuối cùng, nhiều người bị trầm cảm và bệnh tật", Lee Na-kyung, một người đào tẩu hiện là nhà vận động cho cha mẹ đơn thân và người khuyết tật Triều Tiên, cho hay.
Lee đến Hàn Quốc năm 2006 cùng con và chồng. Chồng là người khuyết tật, gia đình họ sớm trở nên vô gia cư sau khi tiêu hết tiền chữa bệnh. Lee tự nhận bản thân là "trường hợp thành công hiếm có" vì tính cách hiếu thắng đã giúp cô ổn định được chỗ ở mới, kiếm được công việc đầu tiên là nhân viên đọc đồng hồ gas và sau đó trở thành nhân viên xã hội.
Nhiều mẹ đơn thân tới Hàn Quốc "không có người để trò chuyện và cảm thấy bị cắt đứt với thế giới", Lee cho biết. "Họ nói ngay cả khi sống cảnh nghèo đói ở Triều Tiên, họ chưa bao giờ cảm thấy bị cô lập".
Theo
vnexpress