Cuoc song cua nu sinh Afghanistan sau khi bi Taliban cam den truong hinh anh 1
 (Nguồn: news.yahoo)

Số trường Madrasa (trường  trung học Hồi giáo) trên khắp Afghanistan đã tăng lên nhanh kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền hồi tháng 8 năm 2021. Đồng thời, lượng nữ sinh tham gia các lớp học này cũng ngày càng tăng sau khi các em bị cấm tới trường học thông thường.

Mọi giấc mơ đều tan biến

Hình ảnh một hàng dài các nữ sinh đang đung đưa qua lại và đọc thuộc lòng những câu kinh Koran, dưới sự giám sát của một giáo sỹ trong các Madrasa ngày càng trở nên phổ biến hơn ở thủ đô Afghanistan.

Farah ( tên thật của cô bé đã được thay đổi để bảo vệ danh tính của em cũng như những nữ sinh khác được AFP phỏng vấn cho câu chuyện này ), 16 tuổi, với một chiếc khăn che kín gương mặt và tóc, chia sẻ: “Chúng em cảm thấy chán nản vì bị từ chối quyền được đi học. Đó là lúc gia đình quyết định rằng ít nhất chúng em nên tới đây. Nơi duy nhất còn chào đón chúng em đi học giờ chỉ còn Madrasa."

Thay vì học Toán và Văn học, các cô gái tập trung vào việc học thuộc những câu kinh Koran được viết bằng tiếng Arab - thứ ngôn ngữ mà đa phần các em không hiểu. Với những ai muốn tìm hiểu sâu hơn về ý nghĩa của từng câu kinh riêng lẻ, sẽ có giáo viên dịch lại và giải thích bằng ngôn ngữ địa phương cho các em.

Các phóng viên AFP đã đến thăm 3 Madrasa ở Kabul và thành phố phía nam Kandahar, nơi số lượng nữ sinh đã tăng gấp đôi kể từ năm ngoái.

Đối với Farah, tham vọng trở thành luật sư của em đã tan thành mây khói khi chính quyền Taliban cấm các cô gái đến trường cấp 2 truyền thống, và vài tháng sau đó là lệnh cấm theo học đại học. “Giấc mơ của tất cả mọi người đã tan biến," Farah nói.

Sự bế tắc trong giáo dục

Chính quyền Taliban cho tới nay vẫn giữ vững cách lý giải khắt khe của họ về đạo Hồi.

Một số quan chức Afghanistan cho biết các phán quyết được thông qua bởi nhà lãnh đạo tối cao Hibatullah Akhundzada và nhóm cố vấn tôn giáo của ông - những người chống lại việc cho phụ nữ đi học.

Akhundzada đã ra lệnh xây dựng hàng trăm Madrasa mới khi ông thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan dựa trên luật Sharia.

Các nhà chức trách ở Kabul đã đưa ra một số lý do cho việc đóng cửa các trường nữ sinh - bao gồm nhu cầu tách biệt các lớp học và đồng phục Hồi giáo mà phần lớn đã có sẵn và khẳng định các trường học cuối cùng sẽ được mở cửa trở lại.

Giáo dục là điểm mấu chốt gây ra sự bế tắc giữa chính quyền Taliban với cộng động quốc tế, vốn đã lên án việc tước bỏ các quyền tự do của phụ nữ và trẻ em gái.

Hosna, một cựu sinh viên đại học y, đang dạy ở một madrasa ở Kandahar với hơn 30 nữ sinh trong lớp học chia sẻ: “Việc học ở trường đại học giúp xây dựng tương lai, giúp chúng tôi nhận thức được các quyền của mình. Nhưng không có tương lai nào ở các Madrasa. Tất cả đang tới đây học chỉ vì họ đã bất lực”.

Tình bạn và sự phân tâm

Giá trị giáo dục của các Madrasa là chủ đề tạo ra những cuộc tranh cãi gay gắt, bởi các chuyên gia cho rằng những lớp học này không cung cấp các kỹ năng cần thiết để có việc làm tốt khi trưởng thành.

Abdul Bari Madani, một học giả thường xuyên xuất hiện trên truyền hình địa phương để thảo luận về các vấn đề tôn giáo cho hay: “Với điều kiện hiện tại, nhu cầu giáo dục hiện đại phải là ưu tiên hàng đầu. Cần phải nỗ lực để thế giới Hồi giáo không bị bỏ lại phía sau… Buông bỏ giáo dục hiện đại chẳng khác nào phản bội quốc gia."

Cuoc song cua nu sinh Afghanistan sau khi bi Taliban cam den truong hinh anh 2
 Nữ sinh tới trường học tại Kabul, Afghanistan, ngày 23/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bất chấp sự phản đối, chính quyền Taliban có quan điểm khác. Niamatullah Ulfat, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu Hồi giáo của Sở giáo dục tỉnh Kandahar cho biết chính quyền đang “suy nghĩ cả ngày lẫn đêm về cách gia tăng số lượng Madrasa."

Chia sẻ với AFP, Ulfat nói: “Sáng kiến hiện nay là chúng ta có thể mang thế hệ mới của đất nước ra thế giới, với sự đào tạo tốt, giáo dục tốt và đạo đức tốt."

Yalda, người có cha là kỹ sư và mẹ là giáo viên dưới chế độ được Mỹ hậu thuẫn nhưng bị Taliban lật đổ, đã đứng đầu lớp ở trường cũ. Nhưng khi theo học tại Madrasa, Ulfat vẫn vượt trội so với chúng bạn và đã thuộc lòng kinh Koran trong vòng 15 tháng. 

 Một Madrasa ở ngoại ô thủ đô Kabul được chia thành hai dãy nhà - một dành cho nữ sinh và một dành cho nam sinh. Tuy nhiên, các lớp học vẫn được tổ chức vào những thời điểm khác nhau để đảm bảo không có sự tương tác nào giữa hai giới. Trên thực tế, đa số các Madrasa nằm trong một tòa nhà cũ, một số lớp học nhỏ còn không có điện do những hạn chế về tài chính mà ban quản lý của trường phải đối mặt. Tuy nhiên, hàng chục học sinh vẫn tham gia các lớp học miễn phí này.

Farah cho rằng cô vẫn là 'người may mắn' khi được cha mẹ cho phép tham gia các lớp học ở Madrasa. “Madrasa không thể giúp tôi thành bác sỹ… Nhưng nó vẫn tốt. Nó tốt cho việc mở rộng kiến thức tôn giáo của chúng tôi," cô gái 16 tuổi chia sẻ với AFP.

Một số nữ sinh nói với AFP rằng việc tham gia Madrasa mang lại cơ hội để được ở bên bạn bè.

“Em tự nhủ rằng một ngày nào đó các trường học bình thường có thể mở cửa và việc học sẽ được tiếp tục. Nếu không, em sẽ quyết tâm học, bằng cách này hay cách khác. Bây giờ có điện thoại thông minh và Internet… Trường học không phải là nơi duy nhất để được dạy học” - Farah chia sẻ thêm./.

Theo TTXVN/Vietnam+