|
|
Phụ nữ Afghanistan bị buộc phải dùng khăn che mặt tại nơi công cộng |
Thổi bùng làn sóng lên án
Sắc lệnh được một phát ngôn viên của Bộ Tuyên truyền Đạo đức và Phòng chống tệ nạn Afghanistan đưa ra tại cuộc họp báo ở thủ đô Kabul vừa qua. Theo đó, phụ nữ nên mặc áo chadori (áo khoác từ đầu đến chân) vì đây là truyền thống và sự tôn trọng. Những phụ nữ không quá già hoặc quá nhỏ tuổi phải che mặt, ngoại trừ mắt, theo luật Sharia để tránh khêu gợi những người đàn ông không phải là mahram (họ hàng nam giới). Cũng theo sắc lệnh này, phụ nữ chỉ được rời khỏi nhà khi cần thiết. Những người thân trong gia đình là nam giới sẽ bị trừng phạt nếu phụ nữ trong nhà vi phạm các quy định về trang phục. Hình phạt có thể là triệu tập, ra tòa, thậm chí đi tù.
Từ ngày 8/5/2022, tại thủ đô Kabul, nhiều phụ nữ trên đường phố đã phải đội những chiếc khăn choàng lớn như trước đây hay khi ra sân bay hoặc lên xe buýt, họ phải có nam giới đi kèm. Những phụ nữ trẻ ở thủ đô Kabul nói rằng, các tay súng Taliban đã đi tuần trên nhiều con phố để tìm cớ tra hỏi, đe dọa và đánh đập phụ nữ vì mặc quần áo sặc sỡ, quần jean hoặc đi ra ngoài mà không có nam giới đi cùng.
Sắc lệnh này đã gây ra một làn sóng lên án từ nước ngoài. Nhiều nước muốn việc viện trợ nhân đạo cho Afghanistan và công nhận chính phủ của Taliban phải liên quan đến việc khôi phục quyền phụ nữ. Phái đoàn Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) đã lên án sắc lệnh bắt buộc che mặt và gọi đây là "cuộc tấn công mới nhất nhằm vào quyền phụ nữ". Tuyên bố từ UNAMA cho biết, quyết định này trái với những lời cam kết tôn trọng và bảo vệ nhân quyền ở Afghanistan, bao gồm quyền của phụ nữ và trẻ em gái từng được các đại diện của Taliban đưa ra với cộng đồng quốc tế trong những cuộc thảo luận và đàm phán suốt 10 năm qua.
|
|
Phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan sống trong cảnh bị tước quyền và nạn đói hoành hành |
Mỹ cũng tuyên bố bày tỏ lo ngại về sự suy yếu quyền của phụ nữ ở Afghanistan, sau khi chính quyền Taliban ra lệnh cho phụ nữ Afghanistan phải che kín mặt và cơ thể ở nơi công cộng. Thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: "Chúng tôi vô cùng lo ngại rằng các quyền và tiến bộ mà phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan đã đạt được và được hưởng trong 20 năm qua đang bị xói mòn. Mỹ đang thảo luận về vấn đề này với các quốc gia và đối tác khác. Việc Taliban tìm kiếm tính hợp pháp và sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế phụ thuộc hoàn toàn vào hành vi của lực lượng này, đặc biệt là việc Taliban thực hiện các cam kết bằng hành động".
"Lời hứa gió bay"
Trong lần đầu tiên nắm quyền ở Afghanistan giai đoạn 1996-2001, Taliban bắt buộc phụ nữ phải trùm kín từ đầu đến chân, phụ nữ không được rời khỏi nhà mà không có nam giới đi cùng và trẻ em gái không được đi học. Taliban áp dụng các luật lệ hà khắc. Những cuộc hành quyết công khai thường xuyên diễn ra như treo cổ, chặt tay và chân người phạm tội, hay đánh đập, ném đá đến chết phụ nữ bị buộc tội ngoại tình. Chỉ đến khi chế độ cai trị của Taliban bị lật đổ năm 2001, người phụ nữ mới dám mơ ước về việc được đi học, đi làm. Tuy nhiên, lực lượng Taliban vẫn luôn âm thầm tìm cơ hội trỗi dậy.
Sau khi giành quyền kiểm soát Afghanistan hồi tháng 8/2021, Taliban hứa hẹn xây dựng hình ảnh ôn hòa hơn, tôn trọng các quyền của phụ nữ trong "khuôn khổ của đạo Hồi". Nhưng những hành động gần đây của Taliban cho thấy, lực lượng này không giữ cam kết, khiến giấc mơ của phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan tan vỡ. Taliban đã giải thể Bộ Phụ nữ, một cơ quan chủ chốt trong việc thúc đẩy quyền phụ nữ thông qua luật pháp của chính quyền cũ và thay thế bởi Bộ Tuyên truyền Đức hạnh và Phòng, chống tệ nạn. Luật "Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ" được ký năm 2009 nhằm bảo vệ phụ nữ khỏi bị xâm hại và ép buộc kết hôn cũng bị bãi bỏ.
Phụ nữ Afghanistan ngày càng phải chịu đựng thêm các quy định khắt khe theo luật Sharia mà Taliban diễn giải và áp dụng. Họ bị cấm làm việc trong văn phòng Chính phủ, ngân hàng, công ty truyền thông... Phụ nữ muốn sử dụng chung phương tiện để đi quãng đường dài (xa hơn 72km) hoặc lên máy bay cần có người thân là nam giới đi cùng. Thậm chí, Taliban còn yêu cầu các kênh truyền hình của Afghanistan ngừng chiếu phim và vở kịch có diễn viên nữ. Phụ nữ Afghanistan cũng được yêu cầu đến thăm các công viên ở Kabul khác ngày với nam giới.
Việc đóng cửa các trường trung học cùng một số hạn chế Taliban đặt ra đối với phụ nữ đi làm hay yêu cầu phụ nữ phải có người tháp tùng khi di chuyển đường dài đã vấp phải chỉ trích từ các nhóm nhân quyền. "Sự thật là quan điểm của Taliban về quyền phụ nữ, nhân quyền và tự do cá nhân không thay đổi trong 20 năm qua", Nilofar Akrami, một giảng viên tại trường Đại học Kabul, nói với báo Arab News.
Đối với cô Akrami, bất kỳ hy vọng nào về việc trao quyền cho phụ nữ ở Afghanistan đã tiêu tan từ lâu. "Taliban vẫn tàn bạo như những năm 1990 và đối với phụ nữ, họ còn đối xử tồi tệ hơn. Họ học cách đeo "một chiếc mặt nạ" để đánh lừa thế giới", cô nói thêm.
Hồi tháng 3/2022, Taliban đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên thế giới sau khi họ ra lệnh đóng cửa các trường trung học dành cho nữ sinh, hạn chế phụ nữ nơi làm việc. Giới chức Taliban cho biết, nguyên nhân đóng cửa trường học là thiếu giáo viên nữ, vấn đề về cơ sở vật chất, sự chậm trễ trong chấp thuận các loại đồng phục thích hợp, cũng như "các yêu cầu về văn hóa và tôn giáo". Điều này vấp phải sự lên án rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Ngân hàng Thế giới đã đình chỉ các dự án trị giá 600 triệu USD nhằm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và những lĩnh vực khác.
Mỹ cũng hủy bỏ đàm phán ở Doha (Qatar) nhằm giải quyết vấn đề kinh tế của Afghanistan. Chỉ khi Taliban chấp nhận đảm bảo quyền con người, bao gồm phụ nữ, trẻ em gái và người thiểu số và dừng hỗ trợ các tổ chức khủng bố quốc tế, việc thiết lập quan hệ ngoại giao hay viện trợ trực tiếp mới được tính đến. Việc Taliban liên tiếp đưa ra những quy định cực đoan với phụ nữ được nhận định sẽ càng khiến lực lượng này khó có thể nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế, giữa lúc Afghanistan đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng. Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, gần 24 triệu người, chiếm khoảng 60% dân số nước này, phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng.
Nhu Thụy (Nguồn: Arab News, Guardian)