Mới đây, mạng xã hội rầm rộ chia sẻ câu chuyện của Lại Thế Tuấn - một thanh niên Việt Nam đang sống và làm việc tại Nhật Bản. Nguyên văn bài đăng của Tuấn:
"Nói thật là giờ mình vẫn còn run khi nhớ lại hình ảnh ông cụ, dường như đã 70% không thể cứu được nữa vì cụ có vẻ khá cao tuổi và gầy yếu. Số là hàng ngày đúng 16h30 mình mở quán rồi mang rèm ra trước cửa để treo, đang say mê chỉnh cái rèm sao cho vừa mắt thì đằng sau có tiếng hô to: "TSUUUUU".
"Mình tên Tuấn nhưng người Nhật họ không phát âm được nên gọi mình như vậy". Giật mình quay lại thấy ông chủ nhà chỉ tay vào ông cụ đang loạng choạng cố bấu víu vào cột bê tông rìa đường chuẩn bị ngã.
Chuyện xảy ra quá nhanh không kịp nghĩ, mà chỗ mình đứng tới chỗ ông cụ cũng hơn 2m nếu mà chạy thì không kịp nên mình nhảy úp người 2 tay đưa ra phía trước cố đỡ lấy phần đầu ông cụ.
Nhưng không đỡ được hết mà phần phía sau thái dương bên phải của cụ vẫn bị đập xuống đường và chảy máu, cú nhảy cũng khiến phần ngực mình bị dập và đau cùng phần sau tay bị trầy.
Lúc này sau khi đỡ được cụ mình gọi lớn mọi người xung quanh gọi cấp cứu nhưng nhìn cụ đã thấy không còn thở, áp sát tai vô ngực nghe thì tim không đập nữa, nên mình dùng CPR ngay.
Sau một hồi hô hấp thì cụ bắt đầu thở khan và giật lên từng hồi, nước mắt bên phải cụ tràn ra. Đúng lúc đó xe 4 chỗ của sở Phòng cháy chữa cháy đi ngang qua thấy và ngay lập tức mang máy tạo nhịp tim ra hỗ trợ. Từ đó thì xe cứu thương rồi cơ quan chức năng tới xem xét và dùng máy kích tim 1 vài lần rồi chuyển cụ đi viện".
Những hình ảnh Tuấn chia sẻ về sự việc.
Bên dưới bài viết là sự tán thưởng của dân mạng dành cho Tuấn. Chưa hết, nhiều người còn cho rằng, Tuấn rất bình tĩnh và có kiến thức y tế cơ bản rất tốt, trong tình huống nguy cấp vẫn biết sử dụng phương pháp CPR để giúp nạn nhân.
Theo đó, CPR là hồi sức tim phổi bằng cách kết hợp ấn ngực và hô hấp nhân tạo để phục hồi lượng máu giàu oxy tới não bệnh nhân. Đây là kỹ thuật được thực hiện trong các trường hợp cấp cứu như tai nạn, ngạt nước, ngạt thở, điện giật, ngộ độc, hít phải khói thuốc hoặc đột tử ở trẻ sơ sinh.
Lại Thế Tuấn đứng ngoài cùng bên phải
Vì những điều nói trên, Tuấn được lực lượng chức năng có đưa cho một tấm thẻ với nội dung: "Người thực hiện sơ cứu dũng cảm CHIBA FIRE BUREA. Cảm ơn bạn đã cung cấp dịch vụ sơ cứu cho đến khi dịch vụ khẩn cấp đến. Cảm ơn bạn rất nhiều vì lòng dũng cảm và lòng tốt của bạn. Sở Cứu hỏa Trung tâm Thành phố Chiba".
Được biết, Thế Tuấn du học ngành thiết kế tại Đại học Shiseikan, Nhật Bản từ năm 2014 và hiện đang làm chủ một quán đồ nướng kiểu Nhật. Tuấn kể lại: "Lúc đó, cụ ông đứng gần vị trí đỗ xe bus, cái cột biển báo ghi ngày giờ xe tới nhỏ quá khiến cụ mất thăng bằng, cố bám vào nhưng không được.
Ở bên Nhật, đường nào cũng có cái gờ màu vàng nổi lên cho người khiếm thị đi, nếu cụ ngã vào chỗ đó thì rất nguy hiểm. Khi cụ đang chới với, ông chủ nhà gọi tên mình, mình đang đứng cách cụ khoảng 2mét. Chạy tới thì không kịp nên mình nhảy tới luôn, đỡ được nửa đầu cụ nhưng vẫn bị va xuống đất, chảy máu.
Sau đó, mình gọi bà chủ nhà lấy khăn sạch dùng thấm máu và kê đầu cụ lên. Thấy cụ không thở, nghe tim không đập nên mình hô hấp nhân tạo cho cụ. Lúc đấy cụ yếu lắm, phải hô hấp một lúc sau mới thở đươc. Đúng lúc đó, xe Phòng cháy chữa cháy đi ngang nên có người qua lấy máy trợ tim trợ giúp."
Tấm thẻ khen tặng của Sở Cứu hỏa Trung tâm Thành phố Chiba dành cho Thế Tuấn
9x cho biết thêm, anh đã học những kĩ năng sơ cứu từ khi là sinh viên năm thứ 2, qua một khóa học hè tại trường ở tỉnh Yamaguchi. Khi được đại diện Sở Cứu hỏa khen tặng, Tuấn vẫn rất run nên chỉ nhận lấy tấm thẻ chứ không nghĩ được gì.
Hành động của Tuấn không chỉ cứu một mạng người mà còn góp phần quảng bá hình ảnh tốt đẹp về con người Việt Nam đến với nước bạn.
Thế Tuấn cho biết thêm Nhật Bản là nước có nền giáo dục tốt, kinh tế xã hội và các lĩnh vực so với các nước khác cũng rất đáng ngưỡng mộ. 7 năm học tập và sinh sống tại nước bạn, 9x đã có cho mình nhiều trải nghiệm đáng quý, hiểu biết thêm nhiều về văn hóa, lịch sử và con người của đất nước mặt trời mọc.
"Về tình hình dịch bệnh Covid-19, từ đầu năm mới tới hết giãn cách, số lượng người nhiễm ở mức thấp. Khi hết giãn cách, mọi người đổ ra đường đi chơi, đi ăn nhiều nên từ cuối tháng 3 và cả tháng 4 số lượng người nhiễm tăng cao.
Công việc kinh doanh của mình cũng bị ảnh hưởng nên mình phát triển thêm về hướng đồ ăn mang về. Trước mắt thì cũng vất vả, mình vẫn muốn có thể quay về quê nhà Phú Thọ và sinh sống, làm việc", Tuấn chia sẻ.
Theo vietnamnet