leftcenterrightdel
 Dạ cổ hoài lang là vở kịch kinh điển của sân khấu kịch nói TPHCM - Ảnh: Xuân Lộc

Ra mắt từ năm 1994 trên sân khấu 5B, Dạ cổ hoài lang là kịch bản để đời của cố tác giả NSƯT Thanh Hoàng, cũng là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của kịch nói TPHCM. Qua nhiều bản dựng với sự góp mặt của những tên tuổi sân khấu hàng đầu, như: Thành Lộc, Việt Anh, Hồng Vân, Hữu Châu, Hoài Linh, Lê Vũ Cầu… và chính tác giả Thanh Hoàng, Dạ cổ hoài lang cũng là một trong những vở kịch nói ăn khách nhất hơn 20 năm qua.

Lần này, được sự cho phép của gia đình cố NSƯT Thanh Hoàng, “ông bầu” ưa mạo hiểm Gia Bảo cũng thử thách chính mình khi thực hiện vở cải lương Dạ cổ hoài lang để dự Liên hoan sân khấu Cải lương toàn quốc năm 2022. Trong đó, Gia Bảo đảm nhận luôn vai trò kép chính khi vào vai ông Tư - từng gắn liền với tên tuổi NSƯT Thành Lộc trên sân khấu kịch và được NSƯT Hoài Linh thể hiện ở bản điện ảnh.

leftcenterrightdel
 "Ông bầu" Gia Bảo tiếp tục hợp tác với NSƯT Thanh Điền trong một dự án lớn - Ảnh: Mai Nhật

Vào vai ông Năm, người bạn chí cốt của ông Tư trên đất khách, là NSƯT Thanh Điền. Ông cũng đảm nhận vai trò đạo diễn của vở. Là một đạo diễn nhiều kinh nghiệm, từng thành công với vở cải lương Khúc ly hương cũng về tâm sự những người xa xứ, NSƯT Thanh Điền hứa hẹn mang đến một bản dựng đậm đà chất cải lương mà cũng rất mới mẻ cho vở diễn. Bản cải lương của Dạ cổ hoài lang cũng được điều chỉnh một số chi tiết cho phù hợp thời đại, mang hơi thở cuộc sống của những con người năm 2022 vừa trải qua cơn đại dịch nhiều mất mát.

Đảm nhận việc chuyển thể cải lương là cây bút trẻ Lâm Hữu Tặng. Tập tành sáng tác từ năm 2009 khi còn là sinh viên, đến nay, Lâm Hữu Tặng là tác giả của hơn 300 bài ca cổ, trong đó có những sáng tác được khán giả yêu thích, như: Tình má với Năm Căn, Tằm vương tơ, Giấc mơ cánh cò, Em sẽ chờ anh

Thời gian qua, dù dần trở thành tác giả quen của chương trình “Vầng trăng cổ nhạc”, “Chuông vàng vọng cổ” và một số gameshow cải lương, cũng thường được các nghệ sĩ trẻ đặt hàng sáng tác mới nhưng Lâm Hữu Tặng vẫn chủ yếu viết bài ca cổ và ca cảnh cải lương, hiếm khi viết tuồng dài. Cho nên nhận được lời mời chuyển thể một kịch bản nổi tiếng như Dạ cổ hoài lang với Lâm Hữu Tặng là bất ngờ, cũng là thử thách lớn.

leftcenterrightdel
 Tác giả Lâm Hữu Tặng từng là biên tập viên của Đài PTTH tỉnh Bình Phước - Ảnh: FBNV

“Tôi có sáng tác một vở cải lương là Nỗi niềm hối hận về nạn phá thai ở những người trẻ quay hình từ năm 2010. Đến nay, mới lại chuyển thể trọn vẹn một kịch bản cải lương, lại là kịch bản rất nổi tiếng in đậm dấu ấn trong lòng công chúng, công việc diễn ra cũng khá gấp rút nên áp lực là rất lớn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để một tác giả trẻ rèn luyện và trưởng thành, cũng như giới thiệu được năng lực của mình đến rộng rãi giới làm nghề và công chúng” - Lâm Hữu Tặng chia sẻ.

Cơ duyên cho sự hợp tác này đến từ chương trình “Tài tử tranh tài” năm 2016: Lâm Hữu Tặng được một người bạn giới thiệu viết tiểu phẩm Cuối mùa nhan sắc (cảm tác từ truyện của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư) cho Gia Bảo dự thi. Tiết mục được đánh giá cao và nhận được sự yêu thích của đông đảo khán giả.

leftcenterrightdel
 Với Cuối mùa nhan sắc do Lâm Hữu Tặng viết, Gia Bảo đã đạt thành tích cao tại cuộc thi "Tài tử tranh tài" năm 2016 - Ảnh: Vân An

Lâm Hữu Tặng cho biết khi chuyển thể Dạ cổ hoài lang anh tôn trọng tối đa kịch bản gốc, đồng thời tiếp nhận những góp ý, điều chỉnh rất thiết thực từ đạo diễn - là NSƯT Thanh Điền. Qua lần thử sức này, anh cũng củng cố hơn quyết tâm về việc theo đuổi con đường của một soạn giả cải lương chuyên nghiệp.

Vở cải lương Dạ cổ hoài lang còn có sự tham gia của Chuông vàng vọng cổ Nguyễn Văn Khởi (vai người cha), ca sĩ Quốc Đại (vai chàng trai), ca sĩ Lê Như (vai cô cháu gái), diễn viên Nguyên Yunie (vai Lành).

Theo phụ nữ TPHCM