leftcenterrightdel
 Đại biểu Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, thảo luận tại tổ 14 ngày 23/5. Ảnh: PVH

Tại tổ 14 gồm các đoàn: Khánh Hòa, Đồng Tháp, Hải Dương, các đại biểu đánh giá cao và ghi nhận những kết quả trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia bình đẳng giới năm 2023; trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt; đồng thời có nhiều chính sách được ban hành, thực hiện với phụ nữ và trẻ em.

Thảo luận tại tổ 14, đại biểu Hà Thị Nga - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: Công tác bình đẳng giới năm 2023 là năm gặt hái được nhiều thành công. Đặc biệt, ngày 9/4/2024, Việt Nam chính thức được bầu vào Hội đồng chấp hành Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ nhiệm kỳ 2025 - 2027. Qua đó cho thấy sự ghi nhận, đánh giá rất cao của cộng đồng quốc tế với thành tựu thúc đẩy bình đẳng giới của Việt Nam.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng, nước ta có những nền tảng, điều kiện thuận lợi thực hiện bình đẳng giới, có sự chỉ đạo của Đảng, điều hành cụ thể và linh hoạt của các cấp chính quyền trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải quyết liệt và thực chất hơn nữa thực hiện bình đẳng giới, trong tổ chức triển khai và đảm bảo tính bền vững của các kết quả đã đạt được.

Với kết quả của một số chỉ tiêu, đại biểu Hà Thị Nga cho biết: Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 tăng 11 bậc so với năm 2022 là điều đáng mừng; tuy nhiên vẫn có những vấn đề cần phải quan tâm với các chỉ số thành phần, cụ thể như:

Thứ nhất, chỉ số về trao quyền cho phụ nữ trong chính trị tuy cải thiện 17 bậc (từ vị trí 106 của năm 2022 lên vị trí số 89 trên 146 quốc gia, vùng lãnh thổ có đánh giá), nhưng tỷ lệ phụ nữ giữ "vị trí ra quyết định" lại có thứ hạng thấp (chỉ xếp thứ 114/146 quốc gia); những vị trí Bộ trưởng và tương đương hiện nay là rất thấp.

Trong báo cáo, Chính phủ đánh giá các chỉ tiêu phụ nữ tham chính đã tiệm cận được các mục tiêu đặt ra, nhưng phụ nữ chủ yếu ở các vị trí tham mưu, còn vị trí lãnh đạo vẫn hết sức khiêm tốn so với tiềm năng. Mặc dù Chính phủ đã ban hành chương trình tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp, hoạch định chính sách, nhưng sự chuyển biến vẫn còn chậm chạp.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh phiên họp tại tổ 14 gồm đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Hải Dương, Khánh Hòa. Ảnh: PVH 

 

Thứ 2, chỉ số về lĩnh vực y tế vẫn thuộc nhóm thấp, đứng thứ 144 trong 146 quốc gia (giảm 3 bậc so với năm 2022). Đặc biệt là chỉ số về tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam hiện nay đang ở mức độ không cân bằng, rất cần được quan tâm trong thời gian tới. (Theo Bộ Y tế, tỷ số giới tính khi sinh 113,6 bé trai/100 bé gái, so với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 là 111 bé trai/100 bé gái).

Thứ 3, về lĩnh vực lao động, việc làm, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt, thậm chí có những chỉ tiêu đạt ngay sau khi thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, như mục tiêu về tỷ lệ nữ giám đốc, chủ doanh nghiệp hợp tác xã đạt 28% (đạt ngay khi xây dựng chiến lược).

Mặc dù vậy, theo đại biểu Hà Thị Nga, trong bối cảnh chuyển đổi số, sự bùng nổ của khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo, những thách thức và tác động rất khác biệt giữa phụ nữ và nam giới. Mức độ tiếp cận và điều kiện thích ứng của doanh nghiệp do nữ làm chủ với nam giới là rất khác nhau. 

Bên cạnh đó, chênh lệch về mức thu nhập giữ nam và nữ còn khá lớn và có xu hướng ngày càng tăng khi lao động nữ thường gặp khó khăn hơn trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề do phải thực hiện thiên chức làm mẹ, làm vợ và gánh nặng gia đình. Lao động nữ cũng có nguy cơ mất việc do sự thay thế của trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là ở lao động giản đơn hiện nay. Theo đó, đại biểu Hà Thị Nga đề nghị Chính phủ tiếp tục có sự quan tâm, có những giải pháp mạnh mẽ hơn để tạo ra cơ hội cho lao động nữ tiếp cận với việc làm, thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa nam giới và phụ nữ.

Thứ 4, một số quy định của pháp luật về bình đẳng giới và lồng ghép giới còn thiếu đồng bộ, nhất quán, dễ dẫn đến bình đẳng một cách hình thức hoặc gia tăng khoảng cách giới. Cụ thể tại Nghị định 83 năm 2022 của Chính phủ, quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, nhưng lại thiếu đồng bộ, nhất quán với các văn bản hiện hành.

Cụ thể như Nghị định số 135 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu cho thấy tuổi nghỉ hưu của nam và nữ thu hẹp khoảng cách chênh lệch chỉ còn 2 năm vào năm 2035 (độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là 60 và nam là 62).

Còn Nghị định số 83 quy định cơ quan có thẩm quyền quyết định nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức, nhưng phải đảm bảo tuổi nghỉ hưu "không vượt quá 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ". Như vậy, giữa các văn bản của Chính phủ đã không thống nhất về độ tuổi và khoảng cách tuổi nghỉ hưu. Theo đó, đề nghị Chính phủ rà soát lại để có sự đảm bảo tính thống nhất trong các văn bản của Chính phủ trong chỉ đạo về nội dung này.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về việc xây dựng Bộ chỉ số đánh giá về bình đẳng giới cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố. Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đề nghị Chính phủ sớm có chỉ đạo triển khai thực hiện thí điểm Bộ chị số này ở một số địa phương, qua đó có đánh giá và triển khai diện rộng trên cả nước, tạo ra sự thống nhất trong hệ thống dữ liệu cũng như thực hiện mực tiêu bình đẳng giới đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

PV