Theo SCMP, nghiên cứu gần đây do ĐH Sư phạm Hoa Đông (Thượng Hải) thực hiện trên 18.000 thanh thiếu niên cho thấy 60% học sinh 6-18 tuổi tại Trung Quốc mắc chứng cận thị.
Đáng nói, tỷ lệ trẻ mắc các tật khúc xạ gia tăng theo lứa tuổi. Khoảng 1/3 học sinh tiểu học, 65% học sinh cấp 2 và 80% học sinh cấp 3 ở xứ tỷ dân bị cận.
|
Tỷ lệ trẻ em mắc tật khúc xạ mắt ở Trung Quốc gia tăng mạnh theo độ tuổi. Ảnh:China Daily. |
Ngoài ra, nghiên cứu còn kết luận học sinh ở các đô thị lớn có khả năng cận thị thấp hơn các khu vực khác do tiến bộ về nguồn lực y tế. Cụ thể, 70% học sinh ở ngoại ô mắc các tật khúc xạ, còn tại thành thị là 56%.
Các chuyên gia cho rằng tình trạng cận thị gia tăng ở trẻ em Trung Quốc là kết quả của việc dành quá nhiều thời gian học tập, vui chơi trong nhà.
Shi Wenbin, chuyên gia hàng đầu về cận thị và bác sĩ nhãn khoa tại Trung tâm Phòng chống Cận thị Trẻ em ở tỉnh An Huy, nói với SCMP rằng trẻ em không được hoạt động dưới ánh sáng tự nhiên dễ có nguy cơ cận thị sớm.
"Khi áp lực học tập gia tăng, nhiều học sinh Trung Quốc, đặc biệt là các em lớp 12, không thể ra ngoài vui chơi dù chỉ trong 60 phút mỗi ngày", ông chia sẻ.
|
Khi áp lực học tập gia tăng, học sinh Trung Quốc hiếm có cơ hội ra ngoài vui chơi, đón ánh sáng tự nhiên. Ảnh:Getty. |
Chuyên gia họ Shi nói thêm sự thiếu hiểu biết của phụ huynh về tình trạng này có thể khiến các bệnh về mắt ở trẻ trầm trọng hơn. Họ nghĩ rằng vấn đề trên có thể được khắc phục bằng việc đeo kính hay phẫu thuật.
"Các bậc cha mẹ có xu hướng ưu tiên việc học hơn sức khỏe nhãn khoa của con cái", ông lý giải.
Dù các cơ quan quản lý giáo dục đã kêu gọi giảm bớt áp lực học tập cho học sinh, đa số ông bố, bà mẹ vẫn thúc ép con cái tới các lớp bổ túc, làm nhiều bài tập sau giờ học.
Năm 2018, giảm tỷ lệ tật khúc xạ từng là một trong những ưu tiên của chính phủ Trung Quốc. Giới chức xứ tỷ dân cam kết đưa tỷ lệ cận thị xuống dưới 60% ở cấp trung học cơ sở, dưới 70% ở cấp trung học phổ thông vào năm 2030.
Hơn 10 năm trước, chính phủ Trung Quốc ban hành chỉ thị đề nghị các trường học đảm bảo tất cả học sinh có một tiếng tập thể dục ngoài trời. Song, kế hoạch không được thực hiện rộng rãi.
|
Trẻ em các nước Đông Á có tỷ lệ cận thị cao do áp lực học tập. Ảnh:SCMP. |
"Con trai tôi có tiết thể dục, hoạt động ngoại khóa gần như hàng ngày. Nhưng nó và bạn học thường ngồi trên lớp để làm bài tập các môn văn hóa hoặc do thời tiết xấu", Adele Li - mẹ một học sinh 8 tuổi ở Thượng Hải - cho biết.
Cô nói thêm: "Lũ trẻ cũng không được ra sân chơi trong giờ giải lao vì nhà trường sợ xảy ra tai nạn".
Tỷ lệ cận thị ngày càng phổ biến không chỉ là vấn đề của Trung Quốc mà còn là đặc biệt phổ biến ở khắp Đông Á, nơi trẻ em chịu áp lực rất lớn về thành tích học tập.
Số liệu từ Bộ Y tế cho thấy khoảng 17% trẻ em Hong Kong bị cận thị khi bước vào lớp 1. Tỷ lệ này nhanh chóng tăng lên 53% khi các em lên lớp 6.
Tại Tokyo (Nhật Bản), hơn 76% học sinh tiểu học và 95% học sinh trung học cơ sở mắc chứng cận thị, theo nghiên cứu từ ĐH Keio năm 2019.
Trong khi đó, số lượng trẻ em phương Tây mắc các tật về mắt thấp hơn rất nhiều. Tỷ lệ đó ở Mỹ là 9%, Ireland là 14% và Úc là 13%, theo báo cáo năm 2018 trên tạp chí khoa học Nature.
Theo Zing