Một nhà máy khai thác than mới đi vào hoạt động ở Trung Quốc. Các chuyên gia dự báo những cơ sở hạ tầng năng lượng sẽ đem đến hậu quả lớn về sức khỏe và khí hậu trong tương lai - Ảnh: XINHUA
Nhờ lệnh giãn cách xã hội tại nhiều quốc gia, theo báo NatGeo, bao gồm hạn chế đi lại và giảm hoạt động sản xuất, lượng khí thải gây ô nhiễm trên thế giới cũng giảm.
Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu giảm trong năm nay do dịch COVID-19 chỉ khoảng 8%.
So với mức 415 phần triệu cuối năm 2019 và 418,12 phần triệu (ppm) lượng khí thải CO2 mà Đài quan sát Mauna Loa (Hawaii) đo được trong tháng 5 thì chẳng khác nào muối bỏ bể.
Thế giới vẫn đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu khi lượng CO2 gia tăng trong khí quyển vẫn đang đạt mức cao. Đặc biệt là khi tất cả những hoạt động giãn cách xã hội trên thế giới hiện nay chỉ là tạm thời.
Đến một lúc nào đó, khi thế giới đẩy lùi được COVID-19, các hoạt động thường nhật sẽ lại tiếp tục, việc sản xuất ồ ạt hơn trước. Tựa như thể đại dịch là một điểm tạm hoãn để chuẩn bị cho một đợt "tấn công" mới, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể còn tăng cao hơn trước khi có đại dịch.
Một ví dụ điển hình nhất là chất lượng không khí tại Trung Quốc, quốc gia đầu tiên thực hiện cách ly xã hội khi COVID-19 xuất hiện và cũng là một trong những quốc gia bắt đầu mở cửa trở lại sớm nhất.
Chất lượng không khí tại Bắc Kinh được cải thiện đáng kể vào thời điểm dịch bệnh đạt đỉnh, nhưng đến tháng 5, khi việc kinh doanh sản xuất mở cửa trở lại thì bầu không khí lại ô nhiễm như cũ.
Tình trạng ô nhiễm không khí tại Trung Quốc có thể còn tệ hơn trong tương lai khi chính phủ và quan chức các địa phương đang thúc đẩy kinh tế bằng việc gia tăng sản xuất, xây dựng các nhà máy nhiệt điện và một loạt cơ sở hạ tầng mới.
Tại Mỹ, đại dịch ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế buộc nhiều đơn vị sản xuất xin viện trợ từ ngân sách chính phủ. Các ngành công nghiệp như nhiên liệu hóa thạch, nhựa, hàng không và ô tô đang chiếm lợi thế, đặc biệt là dầu khí.
Điều đó có nghĩa là khi những ngành công nghiệp này có vốn để sản xuất trở lại, bầu khí quyển sẽ có nguy cơ bị ô nhiễm thêm.
Bên cạnh đó, diện tích rừng Amazon vẫn đang tiếp tục giảm do việc khai thác gỗ bất hợp pháp đã được "tranh thủ" đẩy nhanh khi lực lượng chức năng tập trung cho chiến dịch phòng tránh dịch, theo NatGeo.
Không chỉ tại Trung Quốc, Brazil và Mỹ mà còn ở nhiều quốc gia khác, việc chính phủ thực hiện nhiều cải cách để đẩy mạnh sản xuất, du lịch sẽ thúc đẩy người dân đi lại, hoạt động nhiều hơn. Kinh tế khởi sắc trở lại đồng nghĩa với việc môi trường cũng ô nhiễm hơn.
"Kịch bản này sẽ giống như năm 2007-2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới khiến nhiều đơn vị sản xuất tạm ngừng, khí thải nhà kính cũng giảm nhưng sau đó đã nhiều hơn", bà Corinne Le Quéré - giáo sư nghiên cứu biến đổi khí hậu tại Đại học East Anglia (Anh), cho biết.
Theo tuoitre