Một nạn nhân bạo lực gia đình trong đại dịch Covid-19 tại Pháp được chính phủ nước này trợ giúp
Đại dịch Covid-19 khiến phụ nữ trẻ em bị đe dọa trong chính ngôi nhà của mình
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang được xem là bóng tối của đại dịch Covid-19. Nguy cơ bạo lực gia đình gia tăng trong bối cảnh đại dịch bùng phát khi có rất ít hoặc không có nơi trú ẩn và dịch vụ trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình.
Sự can thiệp của cảnh sát giảm đi, nhiều tòa án đóng cửa... cũng là những nhân tố khiến bạo lực gia đình có khả năng gia tăng. Thế giới chứng kiến xu hướng đáng báo động này với tỷ lệ bạo lực với phụ nữ và trẻ em tăng từ 30% đến 300%.
Ước tính tổn thất từ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu vào khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tương đương 1,5 nghìn tỷ USD.
Một đêm ế ẩm của Tuấn và chiếc xe bán hàng rong của 2 anh em.
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tuyên bố đẩy lùi nạn bạo hành phụ nữ và trẻ em trở thành một phần quan trọng trong công tác ứng phó với đại dịch Covid-19 bởi tình trạng này chính là "đại dịch bóng tối" đe dọa sức khỏe, tinh thần và cả sinh mạng của phụ nữ và trẻ em ngay trong chính ngôi nhà của họ.
Nguyên nhân chính là do sinh kế bị ảnh hưởng, làm nảy sinh tâm lý bức bối, khó kiểm soát với nhiều người và bạo lực rất dễ xảy ra, nhất là trong những gia đình từng xảy ra các sự việc bạo lực. Gia đình, lẽ ra là nơi an toàn cho phụ nữ và trẻ em, lại trở thành một nơi đáng sợ khi họ có thể bị đánh đập và xúc phạm.
Giai đoạn hạn chế đi lại và giãn cách xã hội do dịch bệnh khiến cả nạn nhân và những kẻ gây ra bạo lực ở cùng nhau cả ngày lẫn đêm. Điều này khiến nạn nhân có thể gặp nhiều khó khăn hơn trong việc nhờ can thiệp hay giúp đỡ từ người khác.
Vấn nạn trẻ em bị xâm hại trên internet trong đại dịch Covid-19
Vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em thông qua các trang mạng xã hội cũng gia tăng đáng báo động. Các nhà điều tra Australia đã ghi nhận số vụ trẻ em bị lạm dụng tình dục trực tuyến tăng tới 136%. Mặt khác, giáo dục là một trong những lĩnh vực chịu hệ lụy nặng nề nhất khi đại dịch tạo ra sự gián đoạn hệ thống giáo dục lớn nhất trong lịch sử, ảnh hưởng tới gần 1,6 tỷ học sinh - sinh viên (chiếm khoảng 94%) toàn thế giới. Theo LHQ, gần 24 triệu trẻ em có nguy cơ không thể quay lại trường học trong năm 2020.
Cuộc khủng hoảng dịch bệnh khiến thế giới phải chứng kiến tình trạng thất học, bạo lực, lao động trẻ em, nạn tảo hôn, mang thai ở tuổi vị thành niên và suy dinh dưỡng... tăng mạnh, đặc biệt ở trẻ em châu Phi. Về dài hạn, do tình trạng không được tới lớp và tỷ lệ bỏ học tăng cao, thế hệ học sinh hiện tại có nguy cơ mất khoản 10 tỷ USD thu nhập trong tương lai, tương đương 10% GDP toàn cầu.
Khi dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, phụ nữ đang chịu đựng gánh nặng từ tình trạng gián đoạn kinh tế và xã hội rất nghiêm trọng. Nhiều ngành công nghiệp trong nền kinh tế chính thức bị ảnh hưởng trực tiếp là du lịch, nhà hàng, sản xuất thực phẩm, nơi có sự tham gia của lực lượng lao động nữ rất cao. Phụ nữ cũng chiếm một tỷ lệ lớn trong nền kinh tế phi chính thức và nông nghiệp trên toàn thế giới mà ở đó, phụ nữ thường không có bảo hiểm y tế và không được hưởng lợi từ mạng lưới an sinh xã hội.
Ngoài ra, phụ nữ phải chăm lo nhiều việc nhà. Trung bình phụ nữ làm công việc chăm sóc không được trả lương cao gấp 3 lần so với đàn ông ngay cả trước khi Covid-19 hoành hành. Do vậy, khi nhiều quốc gia đã đóng cửa các trường học trên cả nước, học sinh nghỉ học, lệnh hạn chế di chuyển được ban bố và người già dễ nhiễm bệnh, họ lại phải làm việc nhiều hơn. "Thách thức từ tình hình dịch bệnh nguy cấp khiến thực trạng bất bình đẳng giới hiện tại thêm căng thẳng. Nếu không có sẵn người chia sẻ công việc chăm sóc con cái hoặc việc nhà, mọi thứ sẽ đổ dồn vào người phụ nữ. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm dạy học từ xa, đảm bảo gia đình có đủ thức ăn cũng như đồ dùng, và chính họ là người đứng ra ứng phó với cuộc khủng hoảng này", bà Laura Addati - chuyên gia về chính sách kinh tế và quyền phụ nữ tại Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) - cho hay.
Thống kê của Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho thấy, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội đã tăng 50%. Số lượng nạn nhân được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà Bình Yên tăng 80% so cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng nhận được nhiều hơn những cuộc gọi tư vấn hoặc đề nghị can thiệp có liên quan đến bạo lực trẻ em và phụ nữ. Cùng với đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng khiến cho 60% trẻ em gặp khó khăn, áp lực trong việc học tập; 42% trẻ chưa có kiến thức hoặc chưa thành thạo các kỹ năng sử dụng internet an toàn; 48% trẻ tham gia khảo sát gặp áp lực do bị mắng và khoảng 8% bị đánh. |
Nhóm PV