Đài Mỹ: Việt Nam có thể tránh được suy thoái kinh tế nhờ phòng dịch sớm - Ảnh 1.

Nhà máy sản xuất cáp của Công ty Trường Phú ở tỉnh Hải Dương - Ảnh: REUTERS

"Họ sẽ không thể miễn dịch với sự suy giảm nhu cầu ở ngoài thế giới... Nhưng chúng tôi không đoán rằng họ sẽ rơi vào suy thoái" - ông Sian Fenner, trưởng kinh tế gia về châu Á tại Oxford Economics, nhận định.

Theo ông Fenner, Việt Nam có thể đạt được điều này nhờ sớm hạn chế đi lại và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, giúp ngăn đợt sóng lây nhiễm rộng khắp toàn quốc. Ngoài ra, kinh tế Việt Nam còn hưởng lợi nhờ chuỗi cung ứng dần được đa dạng hóa.

Ngày 4-5, Việt Nam đã trở thành một trong số những quốc gia đầu tiên của Đông Nam Á nới lỏng giới hạn khi hàng triệu học sinh, sinh viên quay lại trường sau 3 tháng ở nhà. Việt Nam đóng cửa các trường học từ đầu tháng 2 năm nay ngay khi các ca nhiễm tại địa phương (không phải từ nước ngoài) đầu tiên xuất hiện.

Dù có chung đường biên giới cùng Trung Quốc, nơi virus bùng phát đầu tiên, Việt Nam đến nay vẫn chỉ ghi nhận 271 ca nhiễm trong số hơn 95 triệu dân và không có ca tử vong, đồng thời chưa ghi nhận ca nhiễm mới tại địa phương trong gần 3 tuần.

Nói về thành công này, không ít chuyên gia nhìn về kinh nghiệm của Việt Nam thời dịch SARS 2003. Vào thời điểm đó, Việt Nam là quốc gia đầu tiên được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) loại khỏi danh sách có lây nhiễm tại địa phương.

Dù vậy, ông Gareth Leather, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á của Hãng tư vấn Capital Economics, cảnh báo việc tháo dỡ các biện pháp giới hạn sẽ không thể ngăn nền kinh tế Việt Nam suy giảm mạnh trong năm nay.

Ông Leather cho rằng nguyên nhân chính khiến tăng trưởng của Việt Nam suy yếu chính là tình hình ảm đạm chung của thế giới.

"Việt Nam là một trong những nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại nhiều nhất của khu vực với xuất khẩu chiếm hơn 70% GDP, và vì thế sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn đa số", ông Leather giải thích.

Xuất khẩu của Việt Nam đã suy giảm 12,1% trong tháng 3-2020 so với trước đó một năm, trong khi ngành du lịch vốn đóng góp 4% cho GDP vẫn còn "thoi thóp", chuyên gia của Capital Economics lưu ý.

Ông Leather dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 sẽ đạt 0,5%, thấp hơn nhiều so với con số 7% năm 2019. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam sẽ đạt 2,7%.

Theo tuoitre