Một người đàn ông câu cá cạnh con sông Chao Phraya ở thủ đô Bangkok, Thái Lan giữa dịch COVID-19 - Ảnh: AFP
Thông tin được công bố trên Đài Channel News Asia ngày 28-4 với tiêu đề: "Bangkok thở không khí sạch hơn trong suốt đại dịch COVID-19 và các chuyên gia muốn điều đó kéo dài".
Cụ thể, mức trung bình PM2.5 - các hạt bụi mịn có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet hầu hết được sản sinh do xe cộ, các nhà máy và nhiều ngành công nghiệp nặng - đã giảm 22% ở các khu vực đường phố ở thủ đô Bangkok và giảm 15% ở các trạm quan trắc không khí từ ngày 15-3 tới 10-4.
Tiến sĩ Supat Wangwongwatana, nguyên cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm Thái Lan, cho biết thêm lượng bụi PM10 - thường được sản sinh do nông nghiệp, xây dựng... - cũng giảm đáng kể và mức cacbon monoxit (CO) đã giảm gần một nửa.
"Giờ đây chất lượng không khí rất tốt. Ở một số khu vực, chất lượng không khí thậm chí nằm trong chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Cuộc khủng hoảng này đã chứng minh được rằng khi con người ở trong nhà và ngừng sử dụng xe cộ, mức ô nhiễm không khí cũng giảm theo" - tiến sĩ Supat bình luận.
Chính phủ Thái Lan đã thực thi các biện pháp làm việc tại nhà, thực hiện lệnh giới nghiêm từ 22h tối ngày hôm trước tới 4h sáng ngày hôm sau, và ra lệnh đóng các ngành kinh doanh không thiết yếu nhằm giảm thiểu sự lây lan của dịch COVID-19.
Đầu tuần này, Thái Lan cho biết sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp vì COVID-19 đến cuối tháng 5, nhưng sẽ xem xét nới lỏng một số hạn chế với các ngành kinh doanh và hoạt động công chúng. Nước này đã ghi nhận tổng cộng 2.931 ca nhiễm và 52 ca tử vong do COVID-19 tính đến ngày 27-4.
Kết quả của việc thực hiện các biện pháp trên là xe cộ đổ ra đường ít hơn. Trước đây, xe cộ đông nghẹt là một trong những nguyên nhân chính gây ra khói bụi làm ô nhiễm không khí ở Bangkok và các thành phố khác của Thái Lan, đặc biệt trong những tháng đầu năm.
Trong khi mức ô nhiễm ở Bangkok giảm đi, các nghiên cứu trên khắp thế giới cũng cho thấy chất lượng không khí ở nhiều nơi đã cải thiện khi người dân ở lại trong nhà để tránh dịch COVID-19.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo mức độ ô nhiễm ở nhiều nước, gồm cả Thái Lan, có khả năng sẽ quay lại như trước đây sau đại dịch, khi nhiều hoạt động như du lịch và công nghiệp sẽ tăng lên.
Theo tuoitre