Nhiều tháng qua, các chủ nhà hàng ở Beirut đã đánh cược khi đổ thời gian và tiền bạc vào một dự án kinh doanh mới có tên "The Barn".

Được xem là một quán ăn lành mạnh tại Gemmayzeh, khu phố vừa mang nét lịch sử vừa hiện đại của Beirut, "The Barn" được dự kiến khai trương vào 10/8 để cung cấp các thực phẩm hữu cơ cùng một quầy bar bằng đá cẩm thạch. Nhưng vụ nổ tại cảng Beirut 6 ngày trước đó đã thổi bay các cánh cửa kim loại và biến nhà hàng thành đống đổ nát.

Ngồi cạnh những gì còn sót lại, Rabih Mouawad, người sáng lập "The Barn" nói rằng vụ nổ, mà giới chức cho là do lượng hóa chất lớn tích trữ nhiều năm ở bến cảng, đã cho thấy đất nước cần phải thay đổi.

"Nếu phải có bước ngoặt nào đó cho Lebanon, đó chính là vụ nổ. Chúng tôi vừa bị tấn công bởi một quả bom nguyên tử. Nếu nó không thay đổi được gì, sẽ chẳng có gì có thể làm được nữa", ông nói.

Tại ba khu phố bị tàn phá, với ba số phận khác nhau gồm nghèo, trung lưu và thượng lưu, thảm kịch đã tập hợp mọi người đoàn kết chống lại chính phủ bị chỉ trích là tham nhũng và yếu kém. Hàng chục cuộc trao đổi tại các khu vực này đều cho thấy người dân ở các tầng lớp khác nhau sục sôi vì thất bại của giới lãnh đạo đất nước và đang đòi hỏi thay đổi mạnh mẽ hơn trước.

Một người đàn ông nằm ngủ bên ngoài căn nhà bị phá hủy sau vụ nổ ở khu phố Quarantine, thủ đô Beirut, tuần trước. Ảnh: NYTimes.

Lebanon vốn "sa lầy" trong chồng chất khủng hoảng, khiến việc phục hồi sau vụ nổ trở nên khó khăn hơn. Ngay cả trước khi Covid-19 gây suy thoái toàn cầu, nền kinh tế Lebanon đã lao dốc, hệ thống tiền tệ sụp đổ và ngân hàng từ chối cung cấp tiền cho người dân. Mất điện khiến nhiều khu vực chìm trong bóng tối và biểu tình phản đối chính phủ liên tục xảy ra.

Sau đó, một kho chứa với 2.750 tấn amoni nitrat đã bất ngờ phát nổ tại bến cảng ngày 4/8, khiến hơn 150 người chết, khoảng 6.000 bị thương và hàng chục nghìn người rơi vào cảnh không nhà cửa. Tình hình hiện tại càng khiến yêu cầu thay đổi chính phủ trở nên cấp bách.

Gemmayzeh, nằm ở phía nam bến cảng với phần lớn người dân theo Cơ đốc giáo, là khu phố trung lưu với nhiều nhà thờ bằng đá và các tòa nhà lịch sử với mái vòm hướng ra ngoài phố. Những bậc thang đẹp như tranh vẽ được bao phủ bởi bức vẽ graffiti nghệ thuật xuất hiện giữa các tòa chung cư. Khu phố chính tràn ngập quán bar, nhà hàng nằm san sát, nơi những khách quen thường tới suốt đêm.

Đây là nơi Mouawad và đối tác Chantal Salloum thử vận may với "The Barn" khi quyết định đầu tư 450.000 USD. Nhưng vụ nổ đã biến khu phố trở nên đổ nát, hoang tàn.

"Chúng tôi không muốn từ bỏ và chúng tôi không muốn rời khỏi đất nước này", Mouawad nói.

Nhưng đồng thời ông cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề khác. Làm thế nào để xây dựng lại? Khi nào ngân hàng mở cửa lại và liệu họ có cho vay tiền? Hàng hóa nhập khẩu sẽ ra sao khi bến cảng bị tàn phá? Giá của kim loại và kính sẽ là bao nhiêu khi nhu cầu giờ tăng vọt?

Trên phố, Angel Saadeh, 65 tuổi, đang dọn dẹp căn hộ đổ nát, nơi bà đã nuôi lớn 6 đứa con từ khi kết hôn năm 1971.

"Nói với thế giới rằng chúng tôi cần viện trợ là những quả bom nguyên tử để ném xuống các chính trị gia ở đây, chứ không phải tiền", bà hét lên.

Sau đó, khi các tình nguyện viên đang dọn dẹp trên phố hô vang khẩu hiệu "người dân muốn lật đổ chế độ", bà Saadeh vội chạy tới cửa sổ và giơ cao nắm đấm thể hiện sự đồng tình.

Còn Quarantine, từng là nơi cách ly du khách có nguy cơ lây nhiễm bệnh trong quá khứ, lại giống như một nơi bị lãng quên. Đây là khu phố nghèo nàn, ô nhiễm và đông đúc nằm giữa bến cảng, đường cao tốc chính và cơ sở xử lý rác thải, khiến mùi hôi thối tràn ngập các căn chung cư cũ nát.

"Quarantine không bao giờ được quan tâm", Fakhrideen Shihadi, cư dân khu phố, chia sẻ.

Việc nằm ngay cạnh huyết mạch kinh tế của đất nước cũng không giúp mang lại nhiều tiền cho người dân khu vực. Các công việc tốt và cả các khoản thu nhập bất chính đã rơi vào tay các đảng phái chính trị để chia cho những người trung thành hoặc gây quỹ hoạt động.

"Cảng này toàn wasta", Shihadi sử dụng từ Arab để nói về các mối quan hệ gia đình, giáo phái hay chính trị mà người Lebanon dựa vào để tìm kiếm việc làm hoặc dịch vụ.

Không có wasta chống lưng, anh phải nghỉ việc tại một công ty xử lý rác thải năm 2017 và chuyển sang việc cân rác cho cơ sở xử lý tại bến cảng này. K hi kinh tế suy thoái, ông chủ của anh đã dừng trả lương từ 3 tháng trước. Dù vậy, anh vẫn tiếp tục làm vì không muốn mất việc.

Sau đó, vụ nổ xé toạc khu phố, phá tung các bức tường và giết chết 4 người hàng xóm của Shihadi, trong khi đường phố tràn ngập khói bụi và người bị thương. Anh cùng gia đình đã may mắn thoát chết khi kịp chạy khỏi khu chung cư cũ nát.

Người dân ở đây cũng như nhiều khu phố bị ảnh hưởng nặng nề khác sau vụ nổ nhận được rất ít giúp đỡ từ chính phủ.

"Các tổ chức cứu trợ có thể đến, nhưng chúng tôi không trông đợi gì từ chính phủ. Ở đây, mọi người tự giúp nhau", Shihadi nói.

Và đó chính xác là những gì xảy ra ở Beirut. Buổi sáng sau hôm xảy ra vụ nổ, hàng trăm nhân viên tình nguyện từ khắp thành phố đã tới, mang theo xẻng và chổi, để dọn dẹp.

Tại một khu đất trống cạnh nhà thờ, nhóm tình nguyện viên phân phát nước, bánh và đồ ăn do các công ty quyên góp. Một người đàn ông thậm chí lái chiếc xe chở kem tới phân phát cho mọi người.

Bệnh viện công tại khu phố, nơi thường điều trị cho trẻ em, người nghèo và người bị tai nan giao thông ở con đường cao tốc gần đó, cũng bị tàn phá nghiêm trọng tới mức phải đóng cửa.

Bác sĩ Michel Matar, người đứng đầu hội đồng quản trị bệnh viện, tự hỏi làm thế nào để bệnh viện này cũng như cả Lebanon có thể vượt qua thảm họa mới.

"Chúng tôi không tiến về phía trước mà đang tụt lùi. Chúng tôi không thể tiếp tục như vậy", Matar nói.

Yahia al-Osman, một người lao động, ngồi bên ngoài tòa nhà khi tình nguyện viên phát bánh mì kẹp và dọn dẹp đường phố. Rất ít thứ còn sót lại trong căn hộ 4 tầng của anh.

"Chúng tôi đã chết dần ở đây trước khi vụ nổ xảy ra. Chúng tôi sẽ phải làm gì sau đó?", anh nói.

                    Người dân chờ nhận thực phẩm và đồ cứu trợ tại Beirut hôm 6/8. Ảnh: NYTimes.

Những bức vẽ graffiti với nội dung "cách mạng cho người dân", "hạ gục những kẻ thống trị", hay "mối đe dọa: tham nhũng", xuất hiện nhiều tại khu phố trung tâm thủ đô Beirut.

Sau khi cuộc nội chiến dài 15 năm kết thúc năm 1990, trung tâm thành phố đã được xây dựng lại với nguồn đầu tư từ Vịnh Ba Tư và nhóm người Lebanon giàu có, nhằm lấy lại danh tiếng "Thụy Sĩ của Trung Đông" cho Lebanon.

Những con đường lát đá cuội xung quanh tháp đồng hồ nổi tiếng, nằm cạnh tòa nhà nghị viện gợi nhắc tới hình ảnh của Paris, Pháp. Khu phố cũng có nhiều ngân hàng, công ty du lịch và một trung tâm thương mại hào nhoáng với rất nhiều nhãn hiệu xa xỉ.

Nhưng khu vực này chưa bao giờ thực sự "lột xác".

Hầu hết người Lebanon không có đủ khả năng chi trả cho các tòa chung cư hay nhà hàng ở khu vực này, trong khi chính trị hỗn loạn và nỗi lo lắng về Herbollah, nhóm phiến quân do Iran hỗ trợ, khiến nhiều du khách giàu có sợ đặt chân tới đây. Do đó, nhiều năm gần đây, nhiều khu vực ở trung tâm thành phố không khác gì "thị trấn ma".

Biểu tình phản đối chính phủ bùng nổ từ mùa thu năm ngoái, khi người dân yêu cầu loại bỏ giới chính trị mà họ cáo buộc đang phá hoại đất nước. Các lực lượng an ninh phản ứng bằng cách rào chắn lối vào nghị viện, trong khi các nhà lập pháp được đoàn xe thiết giáp hộ tống đến dự phiên họp mà hiếm khi giải quyết được vấn đề của đất nước. Khi nghị viện ngày càng giống "pháo đài", bên ngoài tràn ngập các hình vẽ graffiti chí trích chính phủ và đụng độ giữa người dân với lực lượng an ninh.

Sau đó, vụ nổ tấn công trung tâm thành phố, phá nát ô cửa sổ của các chung cư, cửa hiệu xa xỉ, và khiến người biểu tình phẫn nộ tràn xuống đường. Cuối tuần qua, khu bực này đã trở thành chiến trường của các vụ đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình yêu cầu thay lãnh đạo.

Hassan Hijazi, 19 tuổi, thợ cơ khí ôtô và Karim Shamiyeh, 19 tuổi, nhân viên phục vụ bàn, ngồi nghỉ ngơi sau khi giúp người dân dọn dẹp nhà cửa sau vụ nổ. Họ phát điên khi tiền mất giá trị, chứng kiến những người trẻ như họ không có quan hệ phải vật lộn kiếm việc và sự tắc trách của chính phủ đã dẫn tới vụ nổ thảm khốc.

"Chúng tôi không thể tiếp tục, nếu không đoàn kết với nhau và loại bỏ tất cả chính trị gia hiện tại. Nhưng tôi không biết chúng tôi phải làm như thế nào", Hijazi nói.

Theo vnexpress