Đàn ông Mỹ ngại tiêm vắc xin hơn phụ nữ
Cập nhật lúc 22:04, Thứ hai, 05/07/2021 (GMT+7)
Số liệu thống kê về giới tính trong tỷ lệ tiêm chủng cho kết quả khá bất ngờ, đàn ông Mỹ do dự trước vắc xin COVID-19 hơn nữ giới, dù các cuộc thăm dò trước khi chiến dịch tiêm chủng diễn ra cho kết quả ngược lại.
Nữ giới tỏ rõ sự quan tâm và quyết đoán hơn với việc tiêm vắc xin so với nam giới - Ảnh: Getty Images
Phụ nữ quyết đoán hơn trong vấn đề chăm sóc sức khỏe
Từ khi triển khai vắc xin đến nay, các chuyên gia tỏ ra lo lắng về dự báo tỷ lệ đi tiêm sẽ thấp ở phụ nữ, bởi khảo sát trước đó cho hay họ đắn đo với vắc xin nhiều hơn đáng kể so với nam giới. Thế nhưng, số liệu trên thực tế đã đảo chiều một cách bất ngờ. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, tính đến ngày 21/6, trong 91,3% người dân đã nhận được ít nhất một liều vắc xin trên toàn quốc, phụ nữ nhiều hơn đàn ông đến 9,5 triệu người. Tại 42 bang thu thập dữ liệu về giới, tỷ lệ phụ nữ tiêm chủng cũng cao hơn trung bình 10% trong tháng qua.
Lời giải thích đầu tiên cho khoảng cách trên: Phụ nữ được ưu tiên tiếp cận vắc xin sớm hơn. Tuy nhiên, tìm hiểu sâu, người ta thấy đây không phải là nguyên nhân chính. Vấn đề được nhấn mạnh hơn chính là khác biệt về ý thức và hành vi giữa phụ nữ và nam giới. Đại dịch COVID-19 đã góp phần “tố cáo” tính cố hữu của đàn ông là ngại gặp bác sĩ và thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá cùng các chất gây nghiện khác.
Các nhà nghiên cứu khác gần như nhất trí với nhận định rằng “nam tính truyền thống” chính là yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe nam giới. Nghiên cứu về việc đeo khẩu trang của chuyên gia sức khỏe James Mahalik (Đại học Boston) cho thấy, cánh mày râu có mức độ đồng cảm thấp trong đại dịch COVID-19, dẫn đến họ ít tin tưởng vào cộng đồng khoa học. Từ đó, ông Mahalik cho rằng điều tương tự cũng xảy ra trong quan điểm của họ về vắc xin.
Về hành vi tiêm chủng, nhà xã hội học Jennifer Reich (Đại học Colorado Denver) nói rằng, phụ nữ đã quen đưa ra quyết định liên quan sức khỏe bản thân và gia đình. Nhờ kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe phụ nữ và sinh sản, chị em cũng quen với việc đi bác sĩ khám định kỳ và yếu tố này khiến phái nữ có xu hướng nghĩ đến việc phòng ngừa bệnh tật nhiều hơn, trong khi đàn ông có xu hướng không quan tâm. Bà cho rằng nhờ thường xuyên tiếp xúc với các dịch vụ y tế và quan tâm đến sức khỏe, phụ nữ đã không nghi ngại gì khi vắc xin ngừa COVID-19 được triển khai.
Thay đổi quan niệm tiêm chủng ở cánh mày râu
José Rodríguez - nhân viên cộng đồng tại các điểm khám sàng lọc và tiêm vắc xin COVID-19 ở West Virginia - nói rằng thông tin sai lệch là rào cản lớn trong việc thuyết phục nam giới đi tiêm chủng. Đây cũng chính là mối quan tâm hàng đầu của nghiên cứu về sự khác biệt giới tính trong chuyện ai nhạy cảm với “tin giả” về COVID-19 hơn? Ngay từ đầu đại dịch, nam giới - đặc biệt những người có khuynh hướng bảo thủ - tin vào các thuyết âm mưu về COVID-19 hơn phụ nữ.
Các chuyên gia đưa ra giải pháp “dĩ độc trị độc”. Tiến sĩ Jonathan Metzl - Giám đốc Trung tâm Y dược, Sức khỏe và Xã hội thuộc Đại học Vanderbilt - dùng chính yếu tố “nam tính truyền thống” để hóa giải quan niệm anti-vaccine của mày râu. “Coi vắc xin như một cách để tăng cường sức mạnh cơ thể chống lại virus có thể là một cách để thu hẹp khoảng cách”, Metzl nói.
Nước Mỹ đang nỗ lực để làm điều đó. Một số bang công bố các sáng kiến tiêm chủng mới, chẳng hạn “quà tặng” đi kèm vắc xin là giấy phép săn bắn và câu cá, bia miễn phí hay thậm chí cả súng trường tùy chỉnh cho những người đi tiêm. Mặc dù các sáng kiến này không nêu “đích danh” nam giới là đối tượng được hướng đến, nhưng rõ ràng kiểu khuyến khích này đã đánh vào các sở thích mạnh mẽ của cái gọi là “nam tính truyền thống”.
Ngoài các chiêu đánh vào tính cách của phái mạnh, cách tốt nhất nữa để tăng tỷ lệ tiêm chủng ở những người đàn ông do dự là cung cấp thông tin chính xác về vắc xin ở mọi nơi. Theo Reich, dù là cách thức nào, các giải pháp thực sự phải mang tính giáo dục và trao cho mọi người quyền hiểu thông tin theo cách có thể kiểm chứng được.
Theo phunuonline