|
|
Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Tiền Giang dâng hương tưởng niệm Cố Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập |
Đây là hoạt động nhân Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thập - Cố Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam (10/10/1908 - 10/10/2023).
Tham gia cùng đoàn còn có ông Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang; đại diện lãnh đạo Hội LHPN và Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở tiêu biểu các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ…
Tại đây, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương và các thành viên trong đoàn cũng đã đặt tràng hoa tại Nhà bia liệt sĩ; thắp hương tại đình Long Hưng.
Đồng thời được nghe thuyết minh về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thập, tham quan nhà trưng bày hiện vật của cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ.
Trong sổ cảm tưởng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương viết: "... Là thế hệ cán bộ Hội trong hòa bình, chúng con luôn tự hào vì có người Chủ tịch Hội là Cô, Mẹ Việt Nam anh hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội như Cô. Đọc các cuốn sách về Cô, những câu chuyện về Cô, chúng con rất ngưỡng mộ người Phụ nữ Việt Nam anh hùng và lớp lớp thế hệ phụ nữ đi trước.
Chúng con xin hứa sẽ tiếp bước Cô trong hoạt động Hội để phong trào phụ nữ thực sự sẽ huy động hết được tài năng của phụ nữ cả nước góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường... ".
Bà Nguyễn Thị Thập (1908 - 1996) tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt, được sinh ra trong một gia đình nông dân, có truyền thống yêu nước tại xã Long Hưng, huyện Châu Thanh, tỉnh Tiền Giang.
|
|
Đoàn dâng hoa, dâng hương tại Nhà bia liệt sĩ tại Khu di tích Nam Kỳ Khởi Nghĩa, xã Long Hưng (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Nơi đây ghi danh 614 liệt sĩ của xã Long Hưng, trong đó có 2 liệt sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lưỡng vũ trang nhân dân |
Trọn đời Bà đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ và xây dựng đất nước. Bà là Hội trưởng Hội Phụ nữ Việt Nam (nay là Hội LHPN Việt Nam) từ năm 1956 - 1974, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa III (1961 - 1971), khóa IV (1971 - 1975), khóa VI (1976 - 1981).
Với cương vị là Hội trưởng Hội Phụ nữ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thập luôn dành nhiều thời gian để đến với các cấp Hội, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của chị em để kiến nghị với Đảng và Nhà nước đề ra những chính sách bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em, trong đó có việc xây dựng Luật Hôn nhân và Gia đình. Bà rất tâm huyết trong công tác bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ nữ, nhờ đó phong trào phụ nữ ngày càng phát triển.
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, bà Nguyễn Thị Thập vinh dự được trao tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta; đồng thời, được phong tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Cuộc đời cách mạng kiên trung, anh dũng, bất khuất của Cố Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập trở thành tấm gương sáng ngời để các thế hệ học tập noi theo.
Một số hình ảnh tại lễ dâng hương tưởng niệm Cố Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập:
|
|
Các đại biểu mặc niệm tưởng nhớ công lao to lớn của các Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập và tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân |
|
|
Các thành viên trong Đoàn dâng hương tại Nhà thờ Cố Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập |
|
|
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Mnh Hương viết sổ cảm tưởng |
|
|
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương (bìa phải) cùng các đại biểu tham quan Nhà trưng bày hiện vật của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ |
|
Các thành viên trong Đoàn nghe thuyết minh về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thập |
|
|
Ngày 28/11/1940, tại đình Long Hưng, UBND cách mạng tỉnh Mỹ Tho đã thành lập Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho. Đây là Tòa án nhân dân cách mạng đầu tiên ở Nam Kỳ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) |
|
|
Khu di tích lịch sử Nam Kỳ Khởi Nghĩa là quần thể kiến trúc bao gồm Đình Long Hưng, Nhà bia liệt sĩ, Nhà trưng bày hiện vật lịch sử về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 và Ngôi nhà cổ Nam bộ thờ bà Nguyễn Thị Thập |
|
|
Ngày 23/11/1940, lần đầu tiên trên đất nước Việt Nam, lá cờ đỏ sao vàng được treo trên ngọn cây bàng này trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Lá cờ đỏ sao vàng nay là Quốc kỳ của Việt Nam. |
Đ.Hưng - T.Anh