Trong bức ảnh cuối cùng Nicole Gee chia sẻ từ Afghanistan với gia đình ở Mỹ, cô đang mặc bộ quân phục bụi bặm với khẩu súng trường trong tay. Giữa Kabul hỗn loạn và bạo lực, đôi tay ấy đang cẩn thận nâng niu một em bé, theo New York Times.

Đó là khoảnh khắc được ghi lại trên tiền tuyến của sân bay, nơi thuỷ quân lục chiến Mỹ đang nỗ lực đưa hàng chục nghìn người qua các cổng dây thép gai chen chúc và nguy hiểm. Cảnh tượng này khiến nhiều người ấm lòng. Nó thể hiện ngay cả trong tình cảnh hỗn loạn, vẫn có những tấm lòng dành thời gian để an ủi những gia đình đang ở trong cảnh khốn cùng.

Trong một tin nhắn ngắn đi kèm bức ảnh, nữ trung sĩ nói: "Tôi yêu công việc của mình”.


Hy sinh vì nhiệm vụ cao cả


Nicole Gee là một trong 13 lính Mỹ thiệt mạng khi tay súng đánh bom liều chết xé toạc đám đông ở cổng sân bay, cướp đi sinh mạng của gần 200 người vào tuần qua. Đây là số thương vong lớn nhất của quân đội Mỹ ở Afghanistan từ năm 2011

                                         Trung sĩ thủy quân lục chiến Nicole Gee vài ngày trước vụ tấn công. Ảnh: New York Times.


Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 28/8 đã chính thức xác minh danh tính các quân nhân đã thiệt mạng. Gia đình và bạn bè đã bày tỏ lòng thành kính trước cuộc đời và sự hy sinh của họ.

“Gee tin vào những gì mình đang làm. Cô ấy thích trở thành lính thủy đánh bộ”, Gabriel Fuoco, anh rể của Nicole Gee, cho biết.

Trung sĩ Gee, 23 tuổi, ở California, là một trong hai nữ quân nhân Mỹ thiệt mạng ở cổng sân bay. Người còn lại là nữ trung sĩ thủy quân lục chiến, Johanny Rosario Pichardo, 25 tuổi, ở Massachusetts.

Trung sĩ Rosario từng được đơn vị tuyên dương vào tháng 5 vì sự thể hiện xuất sắc trong công việc vốn thường được giao cho người có cấp bậc cao hơn.

“Sự phục vụ của cô ấy không chỉ góp phần quan trọng trong việc sơ tán hàng nghìn phụ nữ và trẻ em, mà còn thể hiện lý tưởng của một lính thuỷ đánh bộ: Đặt bản thân vào nguy hiểm để bảo vệ các giá trị của Mỹ”, thượng úy thủy quân lục chiến John Coppola nói về Rosario trong một tuyên bố.

Hai nữ trung sĩ tình nguyện đảm nhận công việc khám xét những phụ nữ và trẻ em khác khi họ đi qua cổng. Tại đất nước Afghanistan vốn bảo thủ về văn hóa, việc này nhất được phải do phụ nữ thực hiện.

              Vụ đánh bom tại cổng Abbey của sân bay Kabul khiến 13 lính Mỹ thiệt mạng, trong đó có 2 nữ trung sĩ. Ảnh: CNN.


Gee và Rosario cũng là hai gương mặt nổi bật trong một lực lượng đang dần thay đổi, đặt phụ nữ vào các vai trò chiến đấu và lãnh đạo nhiều hơn.

Trong phần lớn lịch sử quân sự Mỹ, phụ nữ không được phép tham gia chiến đấu. Một số ít được nhận vào thủy quân lục chiến để đảm nhận công việc văn thư.

Sự thay đổi trong vai trò của phụ nữ trong quân đội


Kate Germano, một trung tá thủy quân lục chiến đã nghỉ hưu, cho biết vào năm 2001, khi bắt đầu cuộc chiến ở Afghanistan, các nữ lính thủy đánh bộ không được giao nhiệm vụ tại cổng.

Tuy nhiên, cuộc giao tranh kéo dài hàng thập kỷ diễn ra ở các nước Hồi giáo bảo thủ đã buộc quân đội phải phát triển.

Tuy nhiên, Thủy quân lục chiến cho phép phụ nữ tham gia chiến đấu một cách chậm rãi và tương đối miễn cưỡng. Phụ nữ hiện chiếm khoảng 9% trong lực lượng thuỷ quân lục chiến, vẫn là một con số khá khiêm tốn so với các ngành quân đội khác.

Bà Germano cho biết: “Nhưng số phụ nữ gia nhập quân đội đều tăng thêm sau từng năm. Phụ nữ đang đảm đương những nhiệm vụ ngày càng tương tự nam giới”.

Trao thêm quyền cho phụ nữ, giúp họ tiếp cận với giáo dục và việc làm là một trong những mục tiêu của Mỹ ở Afghanistan trong nhiều năm. Khi Taliban tiến vào Kabul, bôi bẩn các quảng cáo có hình phụ nữ mặc trang phục phương Tây và yêu cầu phụ nữ ở trong nhà, sự tiến bộ đó đang sụp đổ.

Khi thủy quân lục chiến tiếp quản các cổng sân bay, hai trung sĩ trẻ nhận thấy mình đang đứng ở ranh giới giữa một xã hội đang mở ra cơ hội với phụ nữ và một xã hội đang đóng cánh cửa với họ.

                    Trung sĩ Gee trên đường băng tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, Afghanistan. Ảnh: New York Times.


Trung sĩ Gee không bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó cô có thể gia nhập quân đội. Nhưng khi người yêu thời trung học của cô, Jarod Gee, gia nhập thủy quân lục chiến, cô quyết định tiếp bước.

Cô được bạn bè và gia đình mô tả là người hoạt bát, tự tin và mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Gee đã thể hiện xuất sắc trong thủy quân lục chiến.

Gia đình Gee cho biết cô không e ngại những công việc đòi hỏi khắt khe của thủy quân lục chiến, nơi phần lớn lực lượng là nam giới.

Ông Fuoco chia sẻ: “Gee là một người tiên phong. Khi làm điều gì đó, Gee sẽ hết lòng với nó. Tôi thực sự nghĩ rằng cô ấy rất cố gắng để vượt qua nam giới”.

Điều đó bao gồm cả những thành tựu về mặt thể lực. Gee giữ kỷ lục về thể lực. Bên cạnh đó, cố cũng không ngại thể hiện sự tốt bụng và dịu dàng vốn có.

Ở quê nhà và căn cứ, bạn bè và gia đình đã tập trung lại để tưởng nhớ những người đã ngã xuống. Ở nhiều bang, các thống đốc đã ra lệnh treo cờ rủ.

Một nữ lính thủy đánh bộ từng làm việc với Gee nói trong một cuộc phỏng vấn rằng bạn của cô là “một người có tâm hồn đẹp và dám đương đầu”.

Tuy nhiên, một lính thuỷ đánh bộ giấu tên khác chia sẻ suy nghĩ của cô không chỉ hướng tới những đồng đội đã thiệt mạng.

“Chúng tôi vẫn còn những đồng đội đang đối mặt với nguy hiểm ở đó (Afghanistan). Chúng tôi cũng phải suy nghĩ cho sự an toàn của họ".

Theo Zing