Chưa bao giờ nghĩ đến chiến thắng
Trong khu vườn tràn ngập cây xanh và ánh nắng ở ngoại ô Paris, Mai Vũ nghỉ ngơi tìm lại sự cân bằng sau hành trình tại Cannes. “Dĩ nhiên tôi vẫn luôn mong tạo ra một bộ phim mang dấu ấn riêng nhưng tôi không chuẩn bị tinh thần cho những việc đang diễn ra”, chị nói.
Theo Mai Vũ, những tác phẩm được đề cử trong cùng hạng mục đều có cách kể chuyện, đặt vấn đề rất sắc sảo, thể hiện cá tính mạnh, dễ tạo ấn tượng. Vì lẽ đó, chị chưa bao giờ nghĩ mình sẽ chiến thắng. Thế nên lúc minh tinh Kate Winslet gọi tên, chị sững sờ, không thể tin vào tai mình. Phải chờ đến khi Kate Winslet gọi tên lần nữa, Mai Vũ mới mạnh dạn bước lên nhận giải.
Lý giải cho sự lựa chọn của ban giám khảo, Kate Winslet nói thể loại phim này phản ánh tương lai của ngành công nghiệp điện ảnh. Mục đích của giải thưởng nhằm khuyến khích các nhà làm phim nữ thể hiện tiếng nói, vượt qua khó khăn thiếu kinh phí - một trong những nguyên nhân khiến nam giới lấn lướt nữ giới trong ngành công nghiệp điện ảnh.
Đường nào mà không khó khăn
“Không nhiều người tin chúng tôi có thể làm được khi không có kinh phí. Tất cả đều làm bằng đam mê của tuổi trẻ, hy sinh rất nhiều”, Mai Vũ nói khi nhận giải. Sự khởi đầu của những người trẻ với điện ảnh chưa bao giờ dễ dàng.
Phim là tác phẩm tốt nghiệp của Mai Vũ khi theo học ngành điện ảnh ở Anh. Tháng Một, Trường Điện ảnh & Truyền hình Quốc gia Vương quốc Anh (National Film and Television School - NFTS) gửi bản dựng thô đến La Cinef. Đến tháng Ba, Mai Vũ nhận tin tác phẩm được đề cử để tranh giải. Chị bất ngờ, vỡ òa, tập trung hết sức lực cho bản dựng hoàn chỉnh.
Phim dài khoảng chín phút nhưng chị và cộng sự mất hơn một năm để thực hiện và hầu như không có ngày nào nghỉ ngơi. Phim sản xuất theo kiểu stop-motion nên mọi chi tiết nhỏ nhất đều phải đảm bảo đúng đường dây, sắp xếp hợp lý, tính toán kỹ lưỡng. Riêng phần quay, chị và ê-kíp mất tận tám tháng. “Đây là lần đầu tôi làm phim chuyên nghiệp. Trước đây, tôi nghĩ gì kể đó nhưng nay câu chuyện phải có cấu trúc, chạm đến trái tim khán giả. Điều này là sự tổng hòa của nhiều yếu tố: nhịp phim, cảm xúc, cách dựng phim, âm nhạc…
Không phải lúc nào nội dung phim cũng hình thành như mong muốn vì mọi thứ chưa rõ ràng. Rất nhiều lần, tôi hoang mang, không biết điều mình làm là đúng hay sai. Vậy nhưng, tôi không bỏ cuộc mà vẫn bước tiếp. May mắn, chưa có cái sai nào phải trả giá quá lớn”, chị cười nhớ lại.
Câu chuyện Mai Vũ mang đến Cannes lần này nhẹ nhàng nhưng khiến không ít người trăn trở. Ông Sang từ quê nhà sang thăm con gái và cháu đang sống tại Mỹ. Một lần, ông muốn làm món gỏi cuốn nhưng con gái lại muốn nấu mì ống và phô mai. Từ đây, những khác biệt về thế hệ được đặt ra, trong bối cảnh cuộc sống có quá nhiều thay đổi.
"Mẹ tôi cảm nhận câu chuyện này sâu sắc nhất. Tôi dựa vào hình ảnh của chị gái sống tại Mỹ để xây dựng nhân vật nữ. Chị gái tôi hay đùa chị không muốn mọi người xem phim này vì chị sắm vai phản diện. Hình ảnh người bố trong phim cũng được tôi lấy cảm hứng từ bố mình. Tôi không cố để kể câu chuyện khác biệt mà tôn trọng sự chân thật để từ đó gợi mở nhằm giúp mỗi người hiểu và tìm sự kết nối lại giữa các thế hệ trong gia đình. Tôi sẽ quay lại Việt Nam với mong muốn sản xuất một bộ phim mang tinh thần Việt dành cho người Việt”.
Mai Vũ
|
Điều bất ngờ, ê-kíp làm phim lại đến từ nhiều quốc gia như: Anh, Đan Mạch, hà Lan, Ba Lan, Ý, Mexico… chính nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các cộng sự, Mai vũ có động lực bước qua những khó khăn.
“Chúng tôi không đặt nặng áp lực, thay vào đó là tâm thế vui chơi, tìm hiểu. với mỗi trải nghiệm, các bạn nước ngoài thích thú khi biết thêm về văn hóa Việt Nam còn tôi cũng có cơ hội bước vào thế giới của họ. chẳng hạn, cách sinh hoạt của gia đình Mexico tương đối giống việt nam còn người Anh độc lập hơn nhưng họ đều yêu gia đình. câu chuyện của tôi kể về gia đình, mang tính đại chúng cao và ai cũng có thể hòa mình vào đó”, chị kể.
Sau một đêm, Mai Vũ đã bước sang trang mới trong sự nghiệp. Trong bối cảnh số lượng nhà làm phim nữ vẫn còn hạn chế, chiến thắng này càng có ý nghĩa. Bởi lẽ, khi tin và theo đuổi đến cùng, ai cũng có thể hái được quả ngọt mà không bị giới hạn bởi định kiến về giới. Hành trình cọ xát những năm qua khi học tập tại Anh càng giúp Mai Vũ tin vào sức mạnh và năng lực của phụ nữ.
“Cơ hội cho phụ nữ ngày càng nhiều. Ê-kíp của tôi tám người nhưng chỉ có ba nam. các bạn nữ đều tài năng. nhiều người đảm nhận các vị trí mà nam giới thường chiếm ưu thế. Có thể những định kiến trước nay vô tình khiến phụ nữ bị khu biệt. Đừng quên, sức mạnh của phụ nữ là sự mềm mỏng, dẻo dai và kiên trì”.
Ai cũng hạnh phúc theo cách riêng
Từ nhỏ, Mai Vũ đã ấn tượng với phim hoạt hình. Thật khó để lý giải tình yêu đó. Dường như nghề này đã chọn chị.
“Tôi là người hướng nội. Khi làm việc cùng lúc với nhiều người, năng lượng bên trong tôi cạn rất nhanh. Dù bền bỉ, tôi muốn có thời gian làm việc giãn ra. Việc sản xuất phim trên phim trường với ê-kíp đông người rất thú vị nhưng tôi không phù hợp. Tôi thích làm những việc giúp bản thân thấy vui, thoải mái”, chị nói.
|
Mai Vũ làm việc với ê-kíp |
Mai Vũ tập tành nhào nặn đất sét để kể những câu chuyện theo kiểu stop-motion mà theo chị khi nhìn lại “không muốn cho ai xem”. Sự khởi đầu này như một người bước đi trong đường hầm tối, chẳng biết phía trước là gì vì không có người hướng dẫn. Mọi kiến thức chị đều chỉ học, tìm hiểu qua mạng, thực hành rồi tự sửa sai. Chị chủ động tìm đến đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn để xin lời khuyên, sự hỗ trợ tinh thần.
Qua một số lần thử sức ở các sân chơi, chị bén duyên với ê-kíp sản xuất Xin chào bút chì, luân phiên làm đạo diễn, biên kịch. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm nên việc sản xuất thời điểm này hết sức vất vả, làm đến đâu rút kinh nghiệm đến đó. Việc bước ra thế giới bên ngoài trở nên bức thiết, để phá bỏ những khó khăn, rào cản trước đây, đặc biệt khi tại Việt Nam chưa có trường lớp đào tạo bài bản việc sản xuất phim hoạt hình.
Giấc mơ gỏi cuốnđược chiếu trong hạng mục La Cinef của Liên hoan phim Cannes, dành cho việc tìm kiếm tài năng mới. Năm nay, 16 tác phẩm được chọn trong số 1.528 phim gửi về. |
“Tôi nghĩ nhà làm phim nào cũng cần có người hướng dẫn, hỗ trợ, nhất là nhà làm phim trẻ. Sau này, khi ra nước ngoài học, tôi thấy có nhiều người hỗ trợ người trẻ hơn, trước là thầy cô trong trường, tiếp đến là những tiền bối… Khi có khó khăn, họ giúp tìm cách tháo gỡ, chẳng hạn giúp các nhà làm phim trẻ tin vào bản thân hơn hoặc nhìn câu chuyện với góc nhìn khác hơn. Tôi nghĩ việc này cần được đẩy mạnh để khuyến khích các tài năng trẻ phát triển”, chị tâm sự.
Mười năm qua, nhiều bạn bè của Mai Vũ đã có cuộc sống ổn định nhưng chị vẫn tìm hiểu, hoàn thiện bản thân và “vẫn nghèo”. “Nhiều người khi có tiền sẽ dành mua nhà, mua xe nhưng tôi lại dành cho việc làm phim. Mỗi người đều cố gắng xây dựng cuộc sống ổn định, hạnh phúc nhưng thước đo hạnh phúc của mỗi người khác nhau”, chị nói.
* (Mai Vũ tên thật Vũ Thị Phương Mai, sinh năm 1992, tại TP.HCM)
Theo phunuonline.com.vn