Bộ trưởng Y tế  Eteni Longondo tuyên bố cấm dứt chiến dịch hôm 25/6. Tiến sĩ Matshidiso Moeti, giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Phi cho biết thông báo được đưa ra sau 42 ngày nước này không ghi nhận thêm ca nhiễm mới.

"Đó là nhiệm vụ không hề dễ dàng, đôi khi tưởng như bất khả thi", ông Moeti nói.

Trong gần hai năm, khoảng 16.000 người đã chiến đấu không ngừng nghỉ trên tuyến đầu để chống lại đợt bùng phát thứ 10 ở nước này. Đợt bùng phát được các tổ chức y tế khu vực và thế giới ghi nhận là lớn thứ nhì trong lịch sử. 

Dù đã có hai loại vaccine ngừa Ebola, căn bệnh vẫn cướp đi sinh mạng của hơn 2.200 người. Các công tác ứng phó từ chính phủ liên tục nhận được thái độ ngờ vực và bạo lực từ cộng đồng các tỉnh đông bắc. Congo vẫn đang đối mặt với đợt dịch thứ 11 tại Mbandaka, thành phố phía tây tỉnh Equateur. 

Nhân viên y tế Congo đưa một bệnh nhân mắc Ebola vào điều trị, ngày 28/3. Ảnh: Reuters

Tiến sĩ Moeti cho biết thế giới có thể rút ra rất nhiều kinh nghiệm sau khi vượt qua Ebola và áp dụng đẩy lùi Covid-19. 

"Một trong số những bài học quan trọng nhất phối hợp chặt chẽ và cho phép cộng đồng nắm bắt thông tin về dịch bệnh, để họ đóng góp vai trò của mình theo những cách khác nhau. 

Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết họ "hoan nghênh" thông tin này, song không quên cảnh báo cuộc chiến tại Congo vẫn chưa kết thúc. 

Edouard Beigbeder, đại diện của UNICEF, cho biết tổ chức đã triển khai nguồn nhân lực và tài chính lớn cho khu vực phía đông đất nước, nhằm ứng phó với đợt bùng phát mới. Cơ quan cũng cung cấp nước sạch, dịch vụ vệ sinh và hỗ trợ tâm lý xã hội cho trẻ em, đồng thời giáo dục nâng cao nhận thức cho hàng triệu người về cách tự bảo vệ bản thân khỏi Ebola. 

"Những kinh nghiệm quý giá giúp chúng tôi khắc phục dịch bệnh ở tỉnh Equateur, đồng thời ứng phó Covid-19", ông nói.

Bệnh Ebola gây sốt, xuất huyết, mệt mỏi và đau bụng. Khoảng một nửa số bệnh nhân đã tử vong. Virus truyền sang người từ bệnh nhân hoặc động vật mang mầm bệnh. Đợt bùng phát lớn nhất là vào năm 2014 tại Guinea, Liberia và Sierra Leone, giết chết hơn 11.000 người. Kể từ đó, các nhà nghiên cứu đã phát triển thành công vaccine và phương pháp điều trị.

Theo vnexpress