Trong 2 thập kỷ qua, thế giới đã phải chống lại Ebola, SARS và nhiều dịch cúm. Những dịch bệnh này đều gây nhiều thương vong nhưng mức độ ảnh hưởng đến xã hội và kinh tế không nặng nề như Covid-19. Tại sao?
SARS và MERS: Chết người, nhưng không dễ lây nhiễm
Cuối năm 2002, một virus mới từ động vật bắt đầu gây nên các bệnh hô hấp ở Trung Quốc. Trong nửa đầu 2003, Hội chứng hô hấp cấp nặng (SARS) lây lan ra 26 quốc gia, khiến 8.098 người nhiễm và ít nhất 774 người tử vong. SARS xuất phát từ loại virus tương tự với virus gây nên Covid-19 (SARS-CoV-2), nhưng hậu quả của chúng không giống nhau; dù SARS có tỷ lệ tử vong khá cao - ở mức 9,6% - so sánh với con số tạm tính ở Covid-19 là 1,4%.
Hình ảnh xe cứu thương chở bệnh nhân cấp cứu bao trùm toàn thế giới khi hơn 2 triệu người nhiễm bệnh. Ảnh: AP.
Một bệnh hô hấp khác, do một chủng virus corona khác gây ra, là MERS, có tỷ lệ tử vong còn cao hơn, 34%. Nhưng MERS gây ra ít ca tử vong hơn Covid-19. Tính đến tháng 1/2020, có 2.519 ca nhiễm MERS và 866 ca tử vong được ghi nhận.
SARS và MERS không có mức độ tàn phá nghiêm trọng như Covid-19 vì chúng không dễ lây nhiễm. Thay vì lây lan trong không khí, lây từ người qua người như bình thường, cơ chế lan truyền của SARS và MERS đòi hỏi tiếp xúc gần hơn rất nhiều: giữa các thành viên trong gia đình, giữa người chăm sóc và bệnh nhân (hoặc trong trường hợp của MERS là từ lạc đà trực tiếp sang người). Những virus này không lây lan khi chưa có triệu chứng. Một khi đã mắc bệnh, họ thường ở nhà hoặc nhập viện, khiến việc lây virus rộng rãi là rất khó.
"Xét theo mức độ rộng, trừ một vài trường hợp lây nhiễm diện rộng, hầu hết các ca nhiễm SARS đều thuộc trường hợp chăm sóc y tế, khi tiếp xúc với aerosol (giọt nhỏ hơn giọt bắn) do nối ống hay khám bệnh cho bệnh nhân. Về cơ bản là bạn có thể kiểm soát SARS bằng cách nâng cao kiểm soát nhiễm bệnh và ngăn chặn trong bệnh viện", Stephen Morse - nhà dịch tễ về bệnh truyền nhiễm ở Trường Y tế Cộng đồng Mailman thuộc Đại học Columbia - nhận định.
Đồ hoạ mô tả cú hắt hơi có thể đẩy các giọt bắn xa hơn 6 feet.
Điều này rất khác với Covid-19, bởi Covid-19 có thể bị lây từ những người không có triệu chứng (và liệu những người này có triệu chứng sau đó, hay hoàn toàn không có triệu chứng trong quá trình bệnh, vẫn chưa rõ). Virus này còn dễ lây từ người sang người. Tóm lại, điều đó nghĩa là những người không biết rằng mình dễ lây nhiễm vẫn đi ra ngoài bình thường, các tiếp xúc bình thường của họ cũng đủ để lây virus cho người khác. Đây là lý do tại sao social distancing (giãn cách cộng đồng ) trở thành một phần quan trọng trong chiến dịch chống nCoV.
Dịch cúm heo: dễ lây nhưng không nguy hiểm bằng
Mùa xuân 2009, một phiên bản mới của virus cúm H1N1 - loại virus gây nên dịch cúm Tây Ban Nha 1918 - xuất hiện và bắt đầu lan rộng. Dịch cúm heo gây tử vong cho 151.700 - 575.400 người trong 12 tháng đầu, đến tận tháng 4/2010, theo ước tính từ CDC. Thậm chí cúm này có thể đã lây cho 1 tỷ người đến cuối năm 2010.
Cúm heo dễ dàng lây từ người sang người như Covid-19, và có thể là từ những người chưa có triệu chứng. Hệ số lan truyền R0, cách tính số người bị nhiễm từ một người của dịch này là 1,4 đến 1,6, thấp hơn một chút so với Covid-19 với 1,5 đến 3,5, nhưng điều này vẫn cho thấy H1N1 là một virus dễ lây nhiễm.
Trung tâm thương mại vắng bóng người
Vậy tại sao dịch cúm heo không gây quá tải cho hệ thống y tế và khiến nền kinh tế phải dừng lại? Điểm khác biệt chính là bệnh này nhẹ hơn và ít nguy hiểm chết người hơn. Vẫn có khoảng tỷ lệ tử vong cho dịch cúm, nhưng ở mức cao nhất là dưới 0,1% - thấp hơn nhiều so với con số của Covid-19.
Anthony Fauci - Giám đốc Viện Quốc gia về Bệnh dị ứng và truyền nhiễm, thành viên đội phản ứng nhanh với Covid-19 của Nhà Trắng - cho biết vào hồi tháng 2: "Dịch bệnh năm 2009, dịch cúm heo H1N1 lây lan rất dễ nhưng tỷ lệ tử vong thấp. Đó là lý do tại sao chúng không được gọi là dịch bệnh nghiêm trọng". Ngay cả với tỷ lệ tử vong thấp, cúm heo vẫn có tổng số ca tử vong cao vì dễ lây nhiễm. Với tỷ lệ tử vong và tỷ lệ lây nhiễm đều cao hơn, Covid-19 yêu cầu những biện pháp mạnh tay để ngăn chặn thiệt hại.
Ebola: nghiêm trọng nhưng khó lây
Ebola xuất hiện lần đầu vào năm 1976, thế giới đã trải qua nhiều đợt dịch kể từ thời điểm đó, bao gồm cả một lần ở Tây Phi từ 2014-2016. Đây là căn bệnh nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong là 50%, theo WHO. Nhưng chỉ có hơn 11.000 người chết trong đợt dịch 2014-2016, chủ yếu ở khu vực nơi virus này xuất hiện.
Giống SARS và MERS, Ebola không dễ lây. Người nhiễm bệnh không lây virus cho đến khi họ có triệu chứng. Và ngay cả khi ấy, virus cũng khó lây vì nó chỉ truyền qua tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể của người nhiễm, như máu, mồ hôi và nước tiểu, chứ không phải qua giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi. Trừ khi bạn chăm sóc bệnh nhân hoặc chạm vào thi thể sau khi họ qua đời, có rất ít khả năng bạn nhiễm bệnh. Ebola gây ra những triệu chứng rất nghiêm trọng và dễ nhận biết như sốt, mệt mỏi, nôn mửa và tiêu chảy. Người bệnh không lan truyền virus cho đến khi họ ốm, mà một khi đã ốm họ sẽ biết ngay.
William Hanage - nhà dịch tễ ở Trường Y tế T.H.Chan của Harvard - cho biết: "Nếu bạn muốn thấy những căn bệnh dễ kiểm soát, cách lây lan đều có liên quan đến triệu chứng, trong đó bao gồm cả SARS và Ebola. Nếu bạn trong khu vực có Ebola, bạn sẽ chắc chắn được liệu người mà bạn đang nói chuyện có nguy cơ lây bệnh hay không".
Điều này khiến việc cách ly người nhiễm và bảo vệ sức khỏe của nhân viên y tế dễ hơn, đây là trường hợp xảy ra trong đợt dịch 2014-2016. Nó tạo nên sự khác biệt lớn giữa Ebola với Covid-19 khi Covid có thể lây khi không có triệu chứng. Các dịch bệnh khác đều thiếu một trong các mắt xích quan trọng mà Covid-19 có, khiến chúng không trở thành đại dịch toàn cầu.
Angela Rasmussen - nhà virus học ở Đại học Columbia nhận xét: "nCoV là một cơn bão hoàn hảo". Covid-19 có thể nhẹ đến mức nhiều người bị bệnh mà không biết mình bị. Nó cũng dễ lây, có thể bị lây từ những người chưa có triệu chứng và đủ nghiêm trọng để gây tử vong cho số lượng lớn người nhiễm. Tất cả những điều trên gộp lại khiến Covid-19 trở thành dịch bệnh khó nắm bắt và kiểm soát.
Theo ione.net