leftcenterrightdel
 Top 5 Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 trong khoảnh khắc đăng quang

Bà Lê Tú Cẩm là một trong những đại biểu tham gia phát biểu tại hội thảo Doanh nhân với áo dài truyền thống, tổ chức tại Bảo tàng Áo dài (quận 1, TPHCM) vào sáng 7/10. 

Không chỉ điểm lại giá trị, ý nghĩa của chiếc áo dài trong quá khứ, đồng thời đặt ra nhiều vấn đề trong việc mặc trang phục này ở hiện tại, bà Lê Tú Cẩm còn đề cập đến hình ảnh chiếc áo dài tại các cuộc thi hoa hậu. Bà nêu quan điểm: “Tôi vẫn chưa rõ vì sao, tại các cuộc thi hoa hậu, khi bước vào phần thi trang phục dạ hội thì cứ phải đầm dạ hội? Áo dài Việt Nam không là trang phục dạ hội được sao? Biết bao chiếc áo dài với bàn tay của những nhà thiết kế tài hoa của chúng ta, rất xứng đáng là trang phục dạ hội, không thua kém các bộ váy đầm dạ hội về sự kiêu sa, lộng lẫy, trang trọng, lịch lãm”.

Bà kiến nghị Nhà nước cần quy định, khi đăng quang, hoa hậu phải mặc áo dài. “Nhìn sang lĩnh vực thể dục - thể thao, khi vận động viên Việt Nam đoạt huy chương vàng tại các giải đấu quốc tế, lúc bước lên bục danh dự cũng là lúc lá cờ Việt Nam tung bay. Đối với hoa hậu Việt Nam, khi đăng quang, khoác trên người chiếc áo dài mang đậm quốc hồn, quốc túy là niềm tự hào của cá nhân và của đất nước Việt Nam”, bà chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Top 3 Hoa hậu Việt Nam 2020 mặc áo dài trắng trong khoảnh khắc đăng quang

Những năm gần đây, tại các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam, thí sinh thường mặc trang phục dạ hội trong khoảnh khắc đăng quang. Rất hiếm trường hợp hoa hậu mặc áo dài khi đăng quang. Tại Hoa hậu Việt Nam 2020, top 3 người đẹp đoạt giải cao nhất mặc áo dài trắng trong khoảnh khắc quan trọng nhất, nhằm tri ân màu áo trắng của lực lượng y tế. Tại Miss Peace VietNam 2020, phần trình diễn áo dài được dành đến cuối cùng, lúc đăng quang, thí sinh cũng mặc trang phục này.

Tuy nhiên, ý kiến của bà Lê Tú Cẩm nhận nhiều bình luận trái chiều. Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng cho rằng, việc duy trì bản sắc văn hóa là điều cần thiết. Anh đánh giá, áo dài tuy kín đáo nhưng cũng rất gợi cảm khi tôn lên đường cong cơ thể của phái đẹp. Anh khuyến khích BTC các cuộc thi có thể đưa áo dài vào khoảnh khắc đăng quang, chứ không bắt buộc. Nhưng để dùng áo dài thay thế cho trang phục dạ hội, theo anh không hẳn là tốt. Bởi lẽ, ngoài việc giữ gìn truyền thống thì còn phải tiến tới yếu tố hội nhập, mà âu phục, váy đầm là một trong những điều cấu thành.

leftcenterrightdel
 Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng cho rằng, bên cạnh việc giữ gìn truyền thống, cần phải tính đến yếu tố hội nhập

NTK Sĩ Hoàng không đồng tình với việc phải dùng áo dài thay cho trang phục dạ hội. Anh chia sẻ: “Chúng ta đang sống ở thế giới phẳng, hội nhập quốc tế. Trong bất kỳ văn kiện nào về phát triển văn hóa đều nêu rõ, đậm đà bản sắc, tiên tiến hiện đại. Chúng ta không thể từ chối, hoặc đi ngược với điều đó. Dạ hội là sự hội nhập, còn áo dài là giữ gìn bản sắc. Chúng ta không nên đi từ cực này sang cực kia”.

leftcenterrightdel
 Các doanh nhân trao tặng áo dài cho Bảo tàng Áo dài tại hội thảo vào sáng 7/10

Ngô Hồng Kiên (sinh viên năm 4 ngành du lịch, Đại học Văn hóa TPHCM) cho rằng, thường ở các cuộc thi hoa hậu đều có phần thi áo dài riêng. Riêng Hồng Kiên rất thích phần trình diễn này vì khi mặc áo dài, thí sinh trông vừa thanh lịch, dịu dàng nhưng cũng rất quyến rũ. Kiên còn cho biết, mỗi khi nhìn thấy áo dài đều dâng trào niềm tự hào.

Theo Kiên, phần thi trang phục dạ hội cho thấy vẻ đẹp hiện đại, nóng bỏng của thí sinh. “Sự tồn tại song song giữa hai yếu tố này hoàn toàn ổn. Vì thế, tôi nghĩ không cần thiết hoặc bắt buộc thay váy dạ hội bằng áo dài”, Ngô Hồng Kiên chia sẻ.

Tại buổi tọa đàm này, một số vấn đề về áo dài nam giới, việc mặc áo dài của các doanh nhân trên trường quốc tế… cũng được đề cập, bàn luận sôi nổi. 

Theo phụ nữ TPHCM