Thiến hóa học để răn đe, không tái phạm
Sáng 27/5, Đoàn giám sát của Quốc hội đã báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em”.
Theo đó, từ ngày 1/1/2015 đến 30/6/2019, Đoàn giám sát triển khai kế hoạch giám sát, yêu cầu Chính phủ, 14 bộ, ngành và các địa phương báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương đề xuất thiến hóa học và công khai danh tính kẻ xâm hại tình dục trẻ em
Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn này có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ bị xâm hại. Ngoài ra, còn số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, bị bỏ rơi và tảo hôn.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) đánh giá, vấn đề xâm hại trẻ em có "nhiều điều nóng mà rất buồn!". Qua tiếp xúc cử tri, nhiều người khi nhắc đến vấn đề này đều bức xúc, ám ảnh. Cử tri mong muốn xử lý nghiêm khắc các đối tượng xâm hại tình dục.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh, đối tượng bị bạo hành, xâm hại tình dục không ngờ tới nhưng phổ biến trong nhiều vụ án lại chính là người thân quen, thậm chí là cha mẹ ruột, ông bà của trẻ. Trong khi đó, việc xử lý vụ việc còn thiếu cơ chế và tính hiệu quả. “Liệu còn bao nhiêu trẻ em đang kêu cứu trong tuyệt vọng mà chưa được hồi đáp?” - ĐBQH tỉnh Quảng Bình đau xót.
Để ngăn chặn, xử lý các vụ việc gây đau lòng và bức xúc trong xã hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng nghiên cứu các phương tiện bảo vệ pháp luật, tăng cường khung pháp lý, hình phạt, tội danh đối với các đối tượng xâm hại trẻ em.
Đại biểu kiến nghị: “Cần mở rộng hình thức phạt như thiến hóa học, nâng mức xử phạt hành chính, công khai danh tính kẻ xâm hại để răn đe, chống tái phạm, đảm bảo an toàn cho trẻ”. Theo đại biểu Phương, hình thức thiến hóa học đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng đối với tội danh này.
Bên cạnh đó, các bộ ngành liên quan cần nghiên cứu cách khai thác lời khai của trẻ em khi bị xâm hại, cần có người giám định tâm lý, người giám hộ, có thể ghi hình để làm bằng chứng khi xét xử. Bố trí xử án bí mật, bảo vệ danh tính cho trẻ em tại tòa cũng như công tác đưa tin để không làm ảnh hưởng đến trẻ sau này.
Trẻ ngồi ở nhà vẫn bị xâm hại qua không gian mạng
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Kạn) đặt vấn đề về việc trẻ bị xâm hại trên không gian mạng. Sự phát triển của Internet khiến trẻ em thành công dân số từ rất sớm, có nhiều mối quan hệ trên mạng và có nhiều cơ hội để học tập, phát triển. Tuy nhiên, Internet cũng mang lại các các tác động xấu, những mặt trái và đặt ra nhiều nguy cơ.
Theo đại biểu Thủy, Việt Nam thuộc "top" các nước có tỷ lệ người dùng Internet cao nhất thế giới với khoảng 64 triệu người, trong đó 1/3 là tuổi chưa thành niên. Một cuộc khảo sát mới đây cho biết, cứ 4 trẻ được khảo sát có 1 trẻ có kỷ niệm, ấn tượng đau buồn trên mạng, 1/3 số trẻ được khảo sát cho biết mình là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng.
Đặc biệt, với công nghệ mạng, việc xâm hại trẻ em trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Đại biểu Thủy chỉ ra phương thức của những đối tượng vi phạm như: lập phòng chat ảo để tìm kiếm trẻ em, thả tin nhắn làm quen....
Các đối tượng này thường lấy tài khoản giả, tâm sự với trẻ rồi sau đó chuyển từ chủ đề học hành sang giới tính, tình dục và cho trẻ xem clip sex. Tiếp theo, đối tượng dụ trẻ khoe các bộ phận cơ thể trên mạng rồi ghi hình lại và sử dụng để ép trẻ phải nghe theo lời chúng, biểu diễn sex…
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy khẳng định, việc xâm hại trên mạng để lại hậu quả rất lớn. Nếu bị xâm hại ở xã hội thì có thể chỉ một vài người biết tới, nhưng lên mạng thì nỗi đau này sẽ theo các em suốt cả đời. Đáng lo ngại hơn, trẻ ở trong nhà cũng có thể bị xâm hại bởi các đối tượng hoạt động phi biên giới.
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy phân tích về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em trên mạng xã hội
“Trẻ em thông minh, thích công nghệ nhưng lại quá non nớt trước những kẻ xấu”, chính vì vậy, đại biểu Thủy nhấn mạnh, việc gia đình trao cho trẻ điện thoại thông minh nhưng lại không hướng dẫn cho trẻ cách sử dụng an toàn là mối đe dọa.
Thực tế, lo lắng mạng có thể ảnh hưởng tới con cái, nhiều phụ huynh cấm con sử dụng điện thoại, một số lại khác kiểm soát điện thoại chặt chẽ, xâm phạm quyền riêng tư… khiến trẻ cảm thấy bị theo dõi, đóng cửa với bố mẹ, tìm đến các quán Internet...
Do đó, đại biểu Thủy kiến nghị, các bậc cha mẹ cần hướng dẫn con tham gia mạng xã hội một cách an toàn. Bên cạnh đó, cần đưa nội dung giảng dạy này vào nhà trường để trẻ vừa được hưởng lợi từ các cơ hội trên mạng xã hội, vừa bảo vệ mình.
Theo chuyên gia, thiến hóa học là biện pháp tiêm (hoặc uống) hormone kháng hormone sinh dục nam testosterone, khiến nồng độ testosteron trong cơ thể giảm xuống mức thấp, từ đó làm giảm nhu cầu, ham muốn về tình dục, thậm chí cả suy nghĩ về tình dục cũng biến mất.
Người bị thiến hóa học sẽ phải tiêm thuốc hàng tháng và hoàn toàn có thể tìm lại bản năng sau khi ngưng sử dụng thuốc.
Thuốc cũng có những tác dụng phụ như gây đau ngực, ngực phát triển to hơn bình thường, giảm lượng cơ, giảm cân, mệt mỏi và giảm cholesterol tốt trong cơ thể. |
Theo phunuonline