Tối 7/8, Zhou, nữ nhân viên của Alibaba, đăng tải trên nền tảng nội bộ của công ty kể lại sự việc bị cấp trên trực tiếp cưỡng bức và đối tác kinh doanh của công ty tấn công tình dục trong chuyến công tác.
Đây là giải pháp cuối cùng của Zhou. Cô đã trình báo cảnh sát sớm nhất có thể sau khi vụ việc xảy ra. Vài ngày sau, khi yêu cầu công ty xử lý nhân viên có liên quan, cô phải đối mặt với thái độ thờ ơ.
Zhou sau đó phát tờ rơi và treo băng rôn trong nhà ăn của công ty. Kết cục, cô bị hàng chục nhân viên bảo vệ kéo ra ngoài.
Bài đăng của Zhou nhanh chóng được lan truyền trên mạng, khiến #Alibaba trở thành hashtag thịnh hành nhất, theo Sixth Tone.
Vụ cấp trên cưỡng bức nữ nhân viên giáng đòn nặng nề vào danh tiếng của Alibaba.
Ngay cả những nhân viên kỳ cựu hoặc làm việc ở bộ phận truyền thông, nhân sự của Alibaba - những người hiểu rõ văn hóa doanh nghiệp và thường ra sức bảo vệ danh tiếng công ty - cũng công khai bày tỏ sự thất vọng và tức giận về cách công ty xử lý sự việc.
“Làm việc quần quật tại Alibaba trong hơn một thập kỷ, đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy xấu hổ như thế này”, một nhân viên kỳ cựu viết trên mạng.
3h sáng 8/8, một quản lý cấp trung tại Tmall, nền tảng bán lẻ thuộc Alibaba, nhắn trong cuộc trò chuyện nhóm: “Tôi rất tức giận và không tài nào ngủ được”.
Đó là đêm tủi hổ đối với 250.000 nhân viên hiện tại và nhiều người từng gắn bó lâu năm ở công ty này.
Cuộc điều tra chậm trễ
Khoảng 36 giờ sau khi bài đăng của Zhou khiến cộng đồng mạng Trung Quốc dậy sóng, Alibaba công bố kết quả điều tra.
Theo đó, tối 27/7, 4 nhân viên Alibaba và 4 nhân viên siêu thị Jinan Hualian ăn tối tại nhà hàng ở thành phố Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông. Trong số này có Zhou và cấp trên trực tiếp của cô, họ Wang. Cả hai làm việc tại Taoxianda - nền tảng tạp hóa trực tuyến của Alibaba hợp tác với Jinan Hualian.
Theo lời kể của Zhou, cô bị ép uống rượu vì công việc. Tại bàn, Zhang, nam nhân viên của Jinan Hualian, hôn và sờ soạng cô. Camera ghi lại cảnh Zhou, trong tình trạng say khướt, bị kéo đến căn phòng trống trong nhà hàng. Wang không hề làm gì để ngăn cản Zhang.
Sau đó, Zhou được đưa về khách sạn. Wang lấy được chìa khóa phòng nữ nhân viên ở quầy lễ tân và vào đó tổng cộng 3 lần trong đêm, khi lâu nhất kéo dài hơn 20 phút.
Theo Cảnh sát thành phố Tế Nam, lần thứ 2 vào phòng Zhou, Wang đã cưỡng bức cô. Anh ta đặt mua bao cao su online nhưng không đợi giao hàng đến.
Alibaba là gã khổng lồ công nghệ đầu tiên của Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của các giá trị doanh nghiệp và biến chúng trở thành tâm điểm trong kế hoạch mở rộng của mình.
Khoảng 8h sáng hôm sau, Zhang đến phòng Zhou, mang theo hộp bao cao su, gõ cửa và được cho vào. Ở đó, anh ta đã cưỡng bức cô. Zhang rời đi lúc 9h35, mang theo đồ lót của Zhou và bỏ lại hộp bao cao su. Tới 12h34, sau khi tỉnh dậy và phát hiện sự việc, Zhou báo cảnh sát.
Theo camera giám sát, cảnh sát xác nhận Wang đã vào phòng Zhou. Chiều cùng ngày, cô khám sức khỏe tổng thể, trước khi cùng cảnh sát đến hiện trường vụ án để thu thập chứng cứ.
Ban đầu, Wang thừa nhận với Zhou qua điện thoại rằng anh ta đã quan hệ tình dục với cô. Tuy nhiên, trong suốt 24 giờ bị giam giữ và thẩm vấn, người đàn ông nói với cảnh sát rằng Zhou đã khơi mào mọi chuyện.
Ngày 14/8, cảnh sát bắt giữ Wang và Zhang với cáo buộc cưỡng bức tình dục nhưng không có bằng chứng về hành vi hiếp dâm. Hôm 25/8, Zhang chính thức bị bắt còn Wang vẫn đang được điều tra.
Cách xử lý sai lầm
Sự việc gây phẫn nộ trên là đòn giáng vào văn hóa doanh nghiệp của Alibaba - công ty từng vướng nhiều bê bối, trong đó có tình trạng quản lý ép nhân viên nữ uống rượu và tiếp tay cho khách hàng quấy rối tình dục họ.
Năm 2018, một điều khoản được bổ sung vào Bộ luật Dân sự của Trung Quốc, trong đó quy định người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp khác nhau để chấm dứt quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Tuy nhiên, việc bổ sung không đưa ra các hình phạt cho việc không tuân thủ, mà chỉ khuyến khích chủ lao động thiết lập các biện pháp nội bộ.
Đánh giá từ hồ sơ công khai về cách Alibaba xử lý vụ việc trên, một luật sư từng xử lý nhiều vụ tấn công tình dục ở Trung Quốc tin rằng công ty có thể đã không thiết lập bất kỳ biện pháp nội bộ nào hoặc nếu có, họ đã không tuân thủ.
Do đó, trong vụ việc này, Alibaba phải chịu trách nhiệm vì đã không đề cao trách nhiệm của mình để giải quyết thỏa đáng các trường hợp quấy rối và tấn công tình dục, luật sư nói.
Alibaba từng vướng không ít bê bối tình dục, trong đó chấn động nhất là vụ Chủ tịch Tmall Jiang Fan bị phát hiện ngoại tình với hot girl Zhang Dayi vào tháng 4 năm ngoái.
Ngày 2/8, Zhou cùng chồng đến Hàng Châu - nơi đặt trụ sở chính của Alibaba. Cô báo cáo hành vi của Wang với người giám sát của anh ta cũng như nhân viên nhân sự. Zhou yêu cầu công ty sa thải Wang và cho cô nghỉ phép. Tối hôm đó, một cuộc điều tra nội bộ được tiến hành.
Hôm 5/8, Zhou nhận được phản hồi “vô lý” khiến cô không nói nên lời: “Vì danh dự của Zhou, Wang sẽ không bị cách chức”.
Trong báo cáo điều tra, Alibaba cho biết sau cáo buộc của Zhou, bộ phận nhân sự và các giám đốc điều hành cấp cao nhận thấy lời kể của cô về sự việc hoàn toàn trái ngược với Wang. Họ quyết định đợi kết quả điều tra của cảnh sát thay vì lập tức đình chỉ Wang.
Sau vụ việc, một giám đốc tại Alibaba nhận xét cách xử lý vụ việc của công ty “thật đáng xấu hổ” và “không thể hiểu nổi”. Tuy nhiên, trong công ty khổng lồ này, hầu hết nhà quản lý đều không chắc chắn họ nên áp dụng biện pháp nào khi giải quyết các khiếu nại về quấy rối tình dục.
Tại Alibaba, mọi thứ trong công ty đều theo định hướng kinh doanh, tập trung nhiều vào hiệu suất hơn là phúc lợi của cá nhân nhân viên.
Những tin nhắn phản hồi của các quản lý cấp cao về bài đăng của Zhou trên nền tảng nội bộ của công ty làm tăng thêm sự phẫn nộ của công chúng. Các câu trả lời bị đánh giá là thờ ơ và thiếu sự đồng cảm.
Sau đó, theo thông báo từ Alibaba, liên quan tới phát ngôn về vụ việc, một trong những quản lý cùng giám đốc nhân sự phải từ chức vì xử lý sai. Còn Wang, người liên quan trực tiếp tới vụ việc, bị sa thải vĩnh viễn và không có cơ hội được tái tuyển dụng.
Một người quen thuộc với phong cách quản lý của Alibaba tin rằng có 2 lý do mang tính hệ thống đằng sau cách xử lý không tốt trong vụ việc này.
Đầu tiên là mọi thứ trong công ty đều theo định hướng kinh doanh, tập trung nhiều vào hiệu suất hơn là phúc lợi của cá nhân nhân viên. Đây là lý do Wang không bị đình chỉ vào thời điểm các cáo buộc phát sinh.
Lý do thứ 2 là áp lực quá lớn mà các nhà quản lý đặt ra đối với nhân viên cấp thấp hơn; cấp trên trực tiếp quyết định việc đề bạt hoặc sa thải cấp dưới. Điều này khiến Zhou gần như không thể từ chối đi công tác cùng sếp trực tiếp hoặc uống rượu mà anh ta mời cô.
Trường hợp của Zhou một lần nữa phơi bày sự nhếch nhác trong văn hóa doanh nghiệp của Alibaba trước công chúng, rằng công ty vẫn chưa xử lý những mặt thô thiển và đánh mất kỷ luật của mình.
Theo Zing