Bối cảnh phim diễn ra vào năm 1920 tại Trung Quốc, khi cô gái 19 tuổi Tùng Liên (Củng Lợi) bỏ học và làm vợ tư cho một người đàn ông giàu có. Thời khắc êm đềm sau đám cưới chóng trôi qua khi Tùng Liên biết mình phải cạnh tranh sự sủng ái với những người vợ khác. Mỗi đêm, cô vợ nào được chồng lựa chọn thì trước phòng sẽ thắp đèn lồng. Ai qua đêm cùng ông ta thì ngày hôm sau sẽ được hưởng một số đặc quyền trong gia đình.
Người vợ cả đã lớn tuổi và sinh được một con trai nên không còn tha thiết tranh đoạt với các phu nhân. Tuy nhiên, vợ hai (Tào Thúy Phân) và vợ ba (Hà Tái Phi) đều muốn kéo chồng về phía mình. Trong khi Tùng Liên trẻ nhất và sở hữu nhan sắc lẫn học thức, hai người kia cũng có những “vũ khí” riêng. Bà hai giỏi đấm bóp và chiều chồng còn bà ba từng là một đào hát.
Ngay cả người hầu của Tùng Liên là Yến Nhi (Khổng Lâm) cũng nuôi mộng trở thành phu nhân. Cô luôn cho rằng mình có thể quyến rũ ông chủ để đạt địa vị không thua gì bà tư. Trong ngôi biệt phủ cao sang và rộng lớn, những người đàn bà lao vào cuộc tranh đoạt chỉ để tạo ra những bi kịch xé lòng.
“Tốt hay xấu, tất cả chỉ là vai diễn. Nếu em diễn hay, em sẽ đánh lừa được người khác. Nếu diễn dở, em chỉ có thể đánh lừa được bản thân” - lời của một nhân vật như tóm tắt sự khắc nghiệt trong gia tộc. Ở nơi đó, những người phụ nữ phải liên tục “diễn kịch” để đạt được điều mình muốn.
|
VớiĐèn lồng đỏ treo cao, đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã thật sự bật lên thành một tiếng nói đại diện cho điện ảnh Trung |
Tùng Liên xuất thân là một cô gái có học thức, được tiếp cận với văn minh nước ngoài. Chẳng may, cha phá sản và tự tử nên cô mới phải bỏ học đi làm vợ lẽ, đổi lại cuộc sống ổn định cho gia đình. Bởi thế, Tùng Liên có phần xa lạ với những tục lệ trong nhà chồng. Phải mất một thời gian, cô mới hiểu được những luật chơi và học cách ứng biến.
Tùng Liên hiểu được quyền lực tối thượng của lão gia - bằng mọi cách phải tranh giành sự sủng ái của ông. Cô đồng thời nhận ra bộ mặt thật của những bà vợ khác, cũng như tầm quan trọng của việc sinh được con trai. Thế nhưng, Tùng Liên vẫn không thể tránh khỏi số phận bi kịch. Hay nói đúng hơn, áp lực khủng khiếp từ cuộc sống ngột ngạt đó đã khiến cô hành động thiếu suy nghĩ và không còn lối thoát.
Trương Nghệ Mưu đã khéo léo hòa quyện câu chuyện lớn của thời đại vào câu chuyện nhỏ của một cá nhân. Đèn lồng đỏ treo cao mang tính lịch sử vì đã chạm đến vấn đề phổ quát của dân tộc Trung Quốc suốt mấy thế kỷ. Chế độ đa thê và nam quyền đã khiến hàng triệu phụ nữ phải sống cảnh chồng chung và đau khổ. Xã hội đó không cho phép phụ nữ theo đuổi tiếng gọi của con tim. Bề ngoài, mọi thứ có vẻ rất tráng lệ nhưng bên trong thì cực kỳ khắc nghiệt.
Nghệ thuật điện ảnh duy mỹ của Trương Nghệ Mưu
Sinh năm 1951, đạo diễn họ Trương đã lớn lên trong giai đoạn đầy biến động của Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc. Trong thời đại nghệ sĩ bị kỳ thị, ông từng phải làm nhiều nghề để kiếm sống. Dù vậy, ông vẫn nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật, đặc biệt là niềm đam mê nhiếp ảnh và hội họa. Khi Cách mạng văn hóa kết thúc, Trương Nghệ Mưu đã quá tuổi nhập học Học viện Điện ảnh Bắc Kinh nhưng vẫn kiên trì gửi tác phẩm để thuyết phục trường nhận mình.
Sau vài dự án ở vị trí quay phim và diễn viên, ông trở thành đạo diễn và thăng hoa tài năng. Với Đèn lồng đỏ treo cao, Trương Nghệ Mưu đã thật sự bật lên thành một tiếng nói đại diện cho điện ảnh Trung Quốc. Nhờ đam mê hội họa, nhiếp ảnh và chuyên môn quay phim, không khó hiểu khi phim của Trương Nghệ Mưu luôn gây choáng ngợp về mặt thị giác.
Đèn lồng đỏ treo cao mê hoặc lòng người không chỉ nhờ câu chuyện mà còn ở nghệ thuật quay phim, sử dụng màu sắc và đặt ẩn ý vào hình ảnh. Từng sự lựa chọn của Trương Nghệ Mưu đều đắt giá và phục vụ cho ý tưởng tổng thể của bộ phim.
Bối cảnh phim là một ngôi biệt thự rộng lớn nhưng luôn vắng người. Sự trống trải này như một sức ép vô hình lên các nhân vật. Trương Nghệ Mưu còn sử dụng nhiều cảnh được quay từ mái nhà xuống. Góc quay rộng nhưng luôn gây cảm giác hẹp do cách phối cảnh khiến các kiến trúc xung quanh như "ép chặt" lối đi, tạo nên sự gò bó và phù hợp với chủ đề phim, cuộc sống khắc nghiệt của những người vợ trong chế độ đa thê.
Sự tù túng còn thể hiện qua cách đặt máy quay, khiến nhiều nhân vật luôn nằm lọt thỏm trong khung cửa. Từ các bà vợ đến gia nhân đều thường xuyên xuất hiện với góc quay này. Điểm độc đáo của phim là người chồng hầu như không được quay rõ mặt. Ảnh hưởng của ông chỉ được tạo ra nhờ giọng nói uy quyền. Trương Nghệ Mưu dường như muốn khái quát hóa những người đàn ông gia trưởng của Trung Quốc. Đó là một mẫu người có thể xuất hiện ở bất kỳ gia đình quyền quý nào.
Đúng như tên gọi, màu đỏ là chủ đạo trong tác phẩm. Màu đỏ tượng trưng cho hỉ sự nhưng cũng là màu của quyền lực, máu và sự tranh giành. Càng về sau, khi tiết trời sang đông, màu sắc càng ngả sang màu trắng, như chính lòng dạ của nhân vật chính ngày càng lạnh lẽo.
Bộ phim có hai đạo cụ nổi bật là đèn lồng và sáo. Đèn lồng là biểu tượng cho chiến thắng của những cô vợ được lựa chọn. Hầu hết diễn biến chính trong phim đều liên quan đến đèn lồng, như thước đo cho địa vị và khao khát quyền lực của các nhân vật. Trong khi đó, cây sáo lại đại diện cho tình cảm của nhân vật chính, vừa chớm nở đã bị dập tắt phũ phàng.
Sẽ là thiếu sót nếu bỏ quên tài năng của ba diễn viên nữ quan trọng trong phim. Với Củng Lợi, trước phim này, cô đã được biết đến qua Cao lương đỏ và Cúc đậu. Đèn lồng đỏ treo cao tiếp tục chứng tỏ tài năng chín muồi của minh tinh khi hóa thân nhân vật có nội tâm phức tạp. Tùng Liên cũng đầy tham vọng và sẵn sàng bước vào cuộc tranh đoạt khốc liệt nhưng vốn dĩ cô không đủ sự khôn ngoan để chiến thắng.
Hà Tái Phi vào vai vợ ba, đại diện cho kiểu phụ nữ tài sắc nhưng quá tự tin đến nỗi bất cần. Còn Tào Thúy Phân mang đến những lớp diễn khiến khán giả phải rùng mình với sự biến đổi và lọc lõi của người vợ hai.
Trong bộ phim tâm lý nhưng có chất giật gân này, không có các trường đoạn mô tả tình yêu giữa người chồng và bốn bà vợ. Người xem hầu như chỉ thấy những người phụ nữ này tìm cách phục vụ và lấy lòng ông ta để chiếm được sự sủng ái. Những lời ông chủ thốt ra với các bà vợ đôi khi giống một thương nhân đang đánh giá món hàng. Sự bức bối được đẩy lên cùng cực trước cao trào bùng nổ về cảm xúc.
Cuối cùng, Đèn lồng đỏ treo cao khép lại với hình ảnh gợi nhớ đoạn mở đầu. Lại một đám cưới, một cô gái xinh đẹp khác vào làm dâu trong gia tộc. Lại một người nữa bước vào bi kịch tưởng chừng không có hồi kết của phụ nữ trong chế độ đa thê. Một “diễn viên” mới tham gia vở kịch dù sân khấu của nó còn tràn ngập tiếng kêu thống khổ đâu đó bên trên những chiếc đèn lồng rực sáng.
Theo phụ nữ TPHCM