Những góc nhìn về bình đẳng giới

Tại tọa đàm "Điện ảnh và giới: Soi vào bóng trăng” tối 24.9 tại Rạp Cinestar Sinh viên (TP.Thủ Đức, TP.HCM), các khách mời cùng sinh viên đã đưa ra suy nghĩ về nội dung phim Trăng nơi đáy giếng và vấn đề bình đẳng giới. Đây là một phần trong khuôn khổ “Tuần phim Việt Nam-Hàn Quốc: Gặp gỡ và Sáng tạo” do khoa văn học và khoa Hàn Quốc học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM phối hợp với CLB Sân khấu và Điện ảnh tổ chức.

Trăng nơi đáy giếng là bộ phim điện ảnh tình cảm Việt Nam được sản xuất năm 2008 của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn xứ Huế Trần Thùy Mai.

Nội dung phim xoay quanh nhân vật Hạnh (diễn viên Hồng Ánh thủ vai), một cô giáo tôn sùng chồng. Không thể sinh con, Hạnh nhờ cô Thắm mang thai hộ. Sau khi có con, để chồng khỏi bị mất chức, Hạnh còn hy sinh, cho chồng có hôn thú hợp pháp với người kia. Thậm chí, cô đem bán hết vàng bạc, mua cho chồng và người vợ mới một ngôi nhà.

Cú sốc lớn nhất là khi Hạnh bất ngờ phát hiện ra rằng chồng và Thắm đã dan díu với nhau trước khi cô sắp đặt quan hệ ấy cho chồng mình. Từ người vợ tận tụy và sùng kính chồng hết mức, Hạnh đau khổ tột cùng, nhưng rồi cô hồi sinh với một niềm tin lạ lùng vào cõi tâm linh. Phần kết bộ phim là cảnh Hạnh khóa cửa, sống tách biệt với thế giới bên ngoài để chìm đắm trong ảo vọng.

Giúp sinh viên hiểu về bình đẳng giới qua phim - ảnh 1

Đông đảo các bạn trẻ tham gia buổi chiếu phimTrăng nơi đáy giếngvà tọa đàm Điện ảnh và giới: Soi vào bóng trăng

CLB SÂN KHẤU VÀ ĐIỆN ẢNH

Tiến sĩ Hồ Khánh Vân, Phó khoa văn học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đặt ra câu hỏi liệu Hạnh gây ra bi kịch và cũng là nạn nhân của chính mình. Trả lời câu hỏi này, tiến sĩ Nguyễn Phương Khánh, giảng viên khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm-ĐH Đà Nẵng, cho rằng Hạnh chính là người bắt đầu bi kịch của chính mình vì nhân vật thích sùng bái người đàn ông, vốn không hề thiếu ở ngoài đời thực.

Bên cạnh đó, nhà văn Trần Thùy Mai đặt vấn đề vì sao Hạnh dù là người gây ra bi kịch nhưng vẫn nhận được sự đồng cảm và bảo vệ của khán giả khi xem phim lẫn đọc truyện. Bà cho rằng chính vì chúng ta đã và đang được sinh ra trong một xã hội còn nặng nề tư tưởng “trọng nam khinh nữ”.

Giúp sinh viên hiểu về bình đẳng giới qua phim - ảnh 2

Nhà văn Trần Thùy Mai

CLB SÂN KHẤU VÀ ĐIỆN ẢNH

“Dù ngày nay xã hội có nhiều sự tiến bộ hơn, nhưng tư tưởng trọng nam vẫn len lỏi trong gia đình, nơi mà con gái được dạy rằng phải biết hy sinh và chịu khổ vì chồng con. Do đó, khi chứng kiến bi kịch của nhân vật, chúng ta dễ nghĩ đến bà và mẹ của mình”, bà Mai chia sẻ. Đồng quan điểm này, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, đạo diễn phim Trăng nơi đáy giếng, lưu ý hình ảnh người phụ nữ như Hạnh luôn nhận được sự đồng cảm như vậy dù ở bất kỳ thời gian nào đi nữa.

Giúp sinh viên hiểu về bình đẳng giới qua phim - ảnh 3
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn

CLB SÂN KHẤU VÀ ĐIỆN ẢNH

Bài học sâu sắc về bình đẳng giới

Tham gia buổi tọa đàm, các sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho hay họ rút ra bài học sâu sắc về bình đẳng giới.

Chẳng hạn, Nguyễn Hoàng Thẩm Nhu (20 tuổi) cho biết, dù bộ phim được phát hành cách đây hơn 14 năm nhưng tư tưởng mà bộ phim mang lại vẫn không bao giờ cũ. Bài học về giới mà Nhu tâm đắc nhất sau khi xem xong đó là người phụ nữ luôn có nỗi khổ nào đó hơn cả người đàn ông.

Giúp sinh viên hiểu về bình đẳng giới qua phim - ảnh 4

Nữ diễn viên Hồng Ánh, thủ vai Hạnh, trong phimTrăng nơi đáy giếng

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH YOUTUBE

“Nhân vật Hạnh hơn nửa đời người dành hết tâm sức cho chồng nhưng đành ngậm ngùi tìm đến tâm linh để làm nơi nương tựa. Tôi rất thích chi tiết Hạnh đuổi người chồng cũ và đóng sầm cửa lại. Đối với tôi, Hạnh đã biết buông bỏ những điều làm cô đau khổ và sẵn sàng mở lòng đón nhận hạnh phúc của riêng mình”, Nhu chia sẻ.

Giúp sinh viên hiểu về bình đẳng giới qua phim - ảnh 5
Các bạn trẻ đưa ra nhiều góc nhìn mới mẻ về câu chuyện “giới” đằng sau phim

CLB SÂN KHẤU VÀ ĐIỆN ẢNH

Còn Nguyễn Phương Nghi (20 tuổi) nghĩ về chính mình sau khi xem phim. Nữ sinh viên cho rằng, phụ nữ Việt Nam được khắc họa trong phim dù đã rất lâu nhưng tư tưởng vẫn vẹn nguyên đến thời nay. Bộ phim mang lại cho Nghi những góc nhìn đa chiều về điều tạo nên hạnh phúc của người phụ nữ đó là tình yêu thương và sự thấu hiểu từ chồng mình.

Lần đầu xem bộ phim, Nguyễn Ngọc Bội (20 tuổi) nhận xét chính xã hội “trọng nam khinh nữ” đã đẩy Hạnh vào bi kịch. “Tuy nhiên, tôi nhận thấy nhân vật Hạnh cũng rất đáng thương, theo một cách dễ khiến người xem có thể nhận ra chính chúng ta trong đó. Tôi mong rằng với những nỗ lực xóa bỏ bất bình đẳng giới trong xã hội, đời sống của người phụ nữ sẽ đỡ áp lực hơn và họ sẽ học được cách yêu thương chính mình”, Bội chia sẻ.

Theo Thanh niên