Cảnh vắng vẻ trên đường phố khi xuất hiện các ca nhiễm dịch COVID-19 ở Melbourne, Australia, ngày 28/5/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

 

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 29/5 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 170.250.645 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.540.290 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 152.139.479 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 608.968 ca tử vong trong tổng số 34.022.949 ca nhiễm.

Tiếp đó là Ấn Độ với 322.982 ca tử vong trong số 27.752.962 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 459.171 ca tử vong trong số 16.392.657 bệnh nhân.

Tính theo tỷ lệ dân số, Hungary là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 307 người tử vong. Tiếp đến là Cộng hòa Séc với 281 người và Bosnia-Herzegovina với 280 người/100.000 dân.

Xét theo khu vực, châu Âu hiện có hơn 52,7 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,1 triệu ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 1 triệu ca tử vong trong số hơn 32,6 triệu ca nhiễm.

Bắc Mỹ có hơn 619.300 ca tử vong trong hơn 34,6 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 471.600 ca tử vong trong hơn 35,9 triệu ca nhiễm.

Trung Đông có hơn 141.800 ca tử vong, châu Phi ghi nhận hơn 129.700 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 1.000 người.

Trưa 29/5, Bộ Y tế Lào thông báo nước này chỉ ghi nhận 3 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, bao gồm 1 ca lây nhiễm trong cộng đồng ở thủ đô Vientiane.

Đây là con số mắc mới thấp nhất kể từ khi làn sóng dịch thứ 2 xuất hiện tại Lào vào cuối tháng 4 vừa qua.

Việc Lào chỉ phát hiện duy nhất 1 ca lây nhiễm cộng đồng sau gần 40 ngày thực hiện lệnh phong tỏa cho thấy tình hình dịch bệnh tại nước này đã phần nào được kiểm soát nhờ các biện pháp quyết liệt của chính phủ và sự tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch của người dân.

Trước những diễn biến tích cực này, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đã cho phép người dân tập thể dục ngoài trời trở lại.

Tại những địa phương chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 trong 14 ngày gần nhất, chính phủ cũng cho phép các sân golf, câu lạc bộ quần vợt, cầu lông, trung tâm thể thao... có thể đón khách trở lại với điều kiện chủ cơ sở phải có kế hoạch phòng chống dịch cụ thể và được nhà chức trách cấp phép.

Các trường học và cơ sở giáo dục ở những nơi không có dịch COVID-19 cũng có thể cho học sinh đến lớp nhưng phải tuân thủ các quy định phòng chống dịch.

Tới nay, Lào ghi nhận tổng cộng 1.908 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 3 ca tử vong.

Trong khi đó, Cơ quan Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết số ca mắc mới tại nước này tiếp tục ở mức 500 ca/ngày trong 2 ngày liên tiếp, trong bối cảnh giới chức y tế nỗ lực kiểm soát các ổ dịch và sự lây lan của các biến thể mới.

Theo KDCA, nước này đã ghi nhận 533 ca mắc mới, trong đó có 505 ca lây nhiễm cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Bắc Á này lên 139.431 ca.

Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 5 ca tử vong mới, nâng số ca không qua khỏi do COVID-19 lên mức 1.951 ca. Hàn Quốc đặt mục tiêu đến tháng 6 tới, 13 triệu người được tiêm vaccine và đến tháng 9 là 36 triệu người, nhằm đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 tới.

Tổng cộng 5,23 triệu người dân Hàn Quốc đã tiêm mũi vaccine đầu tiên, chiếm 10,2% dân số. Trong khi đó, 2,13 triệu người đã hoàn thành việc tiêm chủng.

Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 25/5/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

 

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết nước này ghi nhận thêm 173.790 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, số ca mắc theo ngày thấp nhất trong 45 ngày gần đây, trong khi có thêm 3.617 trường hợp tử vong.

Tỷ lệ ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong tổng số xét nghiệm đã tiếp tục giảm xuống còn 8,36%, ở dưới ngưỡng 10% trong ngày thứ 5 liên tiếp.

Theo giới chức y tế Ấn Độ, làn sóng lây nhiễm thứ hai của đại dịch COVID-19 tại nước này đang lắng xuống và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp diễn ngay cả khi các hạn chế được nới lỏng đáng kể.

Ấn Độ đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới giảm dần đều trong 20 ngày qua. 24 bang cũng đã báo cáo số các ca dương tính giảm xuống kể từ tuần trước.

Tại châu Mỹ, Bộ Y tế Cuba thông báo ghi nhận thêm 1.169 ca mắc mới và 12 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại đảo quốc này lên 138.899 ca, trong đó có 933 ca tử vong.

Trong số những ca mắc mới, có 1.135 ca lây nhiễm cộng đồng. Thủ đô La Habana ghi nhận 536 ca COVID-19 và tiếp tục là địa phương có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất trên cả nước, hơn 422,4 ca/100.000 dân.

Tại châu Âu, Hà Lan thông báo từ ngày 5/6 tới, các nhà hàng, viện bảo tàng và rạp chiếu phim sẽ được mở cửa trở lại, kết thúc giai đoạn phong tỏa chống dịch.

Quyết định trên được đưa ra sớm hơn 4 ngày so với kế hoạch, do số ca nhiễm đã giảm đáng kể trong khi chương trình tiêm chủng được đẩy nhanh.

Trong khi đó, Ireland cũng thông báo kế hoạch mở lại các câu lạc bộ, nhà hàng, quán rượu và hoạt động vận tải quốc tế. Thủ tướng Micheal Martin đánh giá "đây là tiến bộ đáng kể" của chương trình tiêm chủng quốc gia.

Theo quy định mới, từ ngày 7/6, các nhà hàng, quán rượu và câu lạc bộ sẽ được phục vụ khách ngoài trời và từ ngày 5/7 sẽ được đón khách trong nhà. Các phòng tập thể thao, rạp chiếu phim và nhà hát cũng được mở cửa từ ngày 7/6.

Các biện pháp hạn chế di chuyển quốc tế cũng sẽ được dỡ bỏ từ ngày 19/7, khi Ireland triển khai Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 của EU.

Đến nay, Ireland đã ghi nhận hơn 5.000 ca tử vong do COVID-19 và là nước có tỷ lệ nhiễm trên đầu người cao nhất thế giới theo số liệu của Đại học Oxford.

Trẻ em được tiêm vaccine phòng COVID-19. (Ảnh: AAP News/TTXVN)

 

Tuy nhiên, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Hans Kluge dự báo đại dịch COVID-19 sẽ chỉ kết thúc cho đến khi ít nhất 70% người dân trên thế giới được tiêm chủng, đồng thời bày tỏ thất vọng về việc chương trình tiêm chủng ở châu Âu đang được triển khai "quá chậm."

Tại 53 quốc gia và vùng lãnh thổ mà WHO châu Âu phụ trách (bao gồm một số nước tại Trung Á), đến nay 26% người dân đã được tiêm liều vaccine đầu tiên. Tại Liên minh châu Âu (EU), con số này là 36,6%, trong đó 16,9% đã được tiêm đủ hai liều.

Trong diễn biến mới nhất, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã phê chuẩn sử dụng vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 12-15 tuổi.

Đây là vaccine đầu tiên được "bật đèn xanh" cho độ tuổi này. EMA cho biết vaccine của Pfizer "được dung nạp tốt" với thanh thiếu niên và không có "lo ngại lớn" nào về các tác dụng phụ.

Quyết định trên được cho là sẽ đẩy nhanh chương trình tiêm chủng đại trà tại châu Âu, khi Đức cho biết sẽ bắt đầu tiêm phòng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên ngay từ tháng 6 tới. Trước đó, Mỹ và Canada đã cho phép tiêm vaccine của Pfỉzer cho thanh thiếu niên.

Theo Vietnamplus