Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Surabaya, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Indonesia gia hạn các biện pháp hạn chế đi lại

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan ngày 1/7 tuyên bố gia hạn các biện pháp hạn chế đi lại trong giai đoạn chuyển tiếp sang trạng thái “bình thường mới” thêm 14 ngày, đồng thời siết chặt giám sát các chợ truyền thống và hoạt động vận tải đường sắt.

Thống đốc Anies cho biết sau khi cùng Lực lượng đặc nhiệm chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 phân tích tình hình dịch bệnh tại thủ đô, chính quyền thành phố quyết định duy trì các biện pháp hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) cho đến ngày 15/7 tới.

Phát biểu họp báo trực tuyến, ông Anies nhấn mạnh sự cần thiết nâng cao kỷ luật của công chúng ở 3 khía cạnh quan trọng là sử dụng khẩu trang, rửa tay thường xuyên và duy trì giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn nguy cơ gia tăng các ca lây nhiễm một khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ.

Kể từ khi được triển khai ngày 10/4, đây là lần thứ 5 Jakarta gia hạn PSBB.

Theo kế hoạch, chính quyền thành phố sẽ triển khai quân đội, cảnh sát và các công chức để giám sát việc thực thi các biện pháp đảm bảo y tế tại các chợ truyền thống và trên các chuyến tàu ngoại ô đang trở thành các điểm nóng lây lan dịch bệnh.

Trong khi đó, việc kiểm soát nguy cơ lây nhiễm tại các địa điểm khác như các tòa nhà văn phòng, trung tâm mua sắm và các phương tiện giao thông công cộng được đánh giá là khá tốt.

Tính đến ngày 1/7, Indonesia đã ghi nhận 57.770 ca mắc COVID-19, trong đó 2.934 ca tử vong.

Nhà chức trách Australia sẽ tiến hành phong tỏa hơn 30 khu vực ngoại ô phía Bắc thành phố Melbourne trong vòng 1 tháng nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Quyết định này được đưa ra sau 2 tuần ghi nhận số ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng ở mức 2 con số tại Victoria - bang đông dân thứ hai của Australia.

Theo đó, kể từ đêm 1/7 đến ít nhất ngày 29/7, hơn 30 khu vực ngoại ô với khoảng 300.000 dân nói trên sẽ thực hiện trở lại các biện pháp nghiêm ngặt cụ thể là không được ra ngoài, ngoại trừ đi mua sắm nhu yếu phẩm, khám sức khỏe, đi làm và tập thể dục.

Bên cạnh đó, giới chức trách cũng dự kiến tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 với khoảng 50% người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng.

Dịch Covid-19: Nhiều nước châu Á tái áp đặt phong tỏa, hạn chế đi lại - Ảnh 1.

Các phương tiện xếp hàng tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Melbourne, Australia ngày 23/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Australia Scott Morrison cảnh báo người dân có thể bị phạt nếu từ chối thực hiện xét nghiệm.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Thủ hiến bang Victoria cho biết hơn 1.000 cư dân tại đây đã từ chối hợp tác với giới chức y tế khi được yêu cầu xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Tính đến ngày 30/6, bang Victoria ghi nhận 73 ca mới trong tổng cộng 20.682 xét nghiệm sàng lọc, chỉ ít hơn 2 ca so với ghi nhận một ngày trước đó.

Số ca mới tại Victoria có liên quan tới các nhân viên làm việc tại các khách sạn cho phép khách trở lại lưu trú nhưng không tuân thủ các quy định cách ly nghiêm ngặt.

Hiện, giới chức sở tại đang mở cuộc điều tra về vấn đề này.

Australia được đánh giá là nước kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh COVID-19 so với nhiều quốc gia khác khi chỉ ghi nhận khoảng 7.730 ca, trong đó có 104 ca tử vong.

Tuy nhiên, tình hình số ca mới tăng mạnh gần đây đang làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai tại quốc gia châu Đại Dương này.

New Zealand không ghi nhận ca bệnh mới

Trong diễn biến cùng ngày, Bộ Y tế New Zealand thông báo không ghi nhận ca bệnh COVID-19 mới nào trong ngày thứ hai liên tiếp.

Theo đó, số ca vẫn dương tính với virus SARS-CoV-2 tại đây tiếp tục ở mức 22 ca. Tất cả đều trở về từ nước ngoài trong thời gian gần đây và đã được đưa tới các cơ sở cách ly.

Theo số liệu cập nhật trên trang worldometers.info, kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 đến nay, tổng số ca tại New Zealand là 1.528 ca, trong đó 1.484 ca đã phục hồi và 22 ca tử vong.

Maldives nới lỏng các biện pháp hạn chế 

Cũng trong ngày 1/7, truyền thông Maldives đưa tin đảo quốc này đã nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với các hoạt động cầu nguyện của các tín đồ đạo Tin lành.

Bên cạnh đó, hãng hàng không quốc gia Maldivian cũng sẽ nối lại các chuyến bay nội địa trong ngày sau khi phải tạm ngừng hoạt động theo lệnh phong tỏa hồi tháng Tư năm nay.

Tuy nhiên, các hành khách chỉ đủ điều kiện lên máy bay khi có giấy phép của Cơ quan Bảo trợ Y tế (HPA).

Công ty Vận tải Maldives MTCC cùng ngày thông báo nối lại dịch vụ phà giữa các đảo Male, Villimale, Hulhumale, Thilafushi và Gulhifalhu theo lịch trình như trước thời điểm tiến hành các biện pháp phong tỏa.

Các dịch vụ này đã phải tạm dừng hoạt động từ ngày 15/4 và mới chỉ trở lại hoạt động ở diện hẹp hôm 28/5.

Các quyết định trên được đưa ra tại thời điểm Maldives đang từng bước trở lại trạng thái "bình thường mới" hậu COVID-19. Trong tổng số 2.361 ca mắc bệnh kể từ khi dịch bùng phát tới nay, 1.927 ca đã bình phục hoàn toàn và có 9 ca tử vong.

Kazakhstan sẽ tái áp đặt lệnh phong tỏa 

Cùng ngày 1/7, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev thông báo chính phủ nước này sẽ tái áp đặt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn làn sóng gia tăng số ca mắc COVID-19 sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế hồi tháng Năm vừa qua.

Theo đó, lệnh phong tỏa 14 ngày sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/7. Tổng thống Tokayev nhấn mạnh Chính phủ Kazakhstan có thể tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa nói trên nếu cần thiết.

Tuyên bố trên được đưa ra tại thời điểm quốc gia Trung Á này ghi nhận tổng số ca mắc COVID-19 tăng gần 4 lần từ mức hơn 11.000 ca hồi đầu tháng 6 lên 41.000 ca tính đến ngày 1/7.

Hữu Chiến-Minh Tâm (Nguồn: VNA)